Di tích Cây Gạo: Màu cờ Đảng còn ghi dấu

11:08, 29/04/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Trung tuần tháng Tư, men theo con đường bê tông thẳng tắp chạy song song với dòng sông Trà Bồng thơ mộng, chúng tôi về xã Bình Minh (Bình Sơn). Những cánh đồng lúa chín đang vào mùa gặt. Ấm no hiển hiện nơi làng quê xinh đẹp này.
 
Lịch sử khắc ghi
 
Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh Nguyễn Thị Thu Hà kể cho chúng tôi nghe về mảnh đất được xem là cái nôi cách mạng ở huyện Bình Sơn. Nói về lá cờ đỏ búa liềm tung bay ở xã Bình Minh năm 1930, chị Hà cho biết, lịch sử đảng bộ của xã Bình Minh và huyện Bình Sơn ghi rõ sự kiện này. Đó là một ngày mùa đông năm 1930, cây gạo xóm Trại, thôn Tân Phước, xã Bình Minh đã rơi rụng lá. 
 
Buổi sáng, nông dân ra đồng Cây Gạo, thấy trên cây gạo giữa cánh đồng có lá cờ đỏ bay phấp phới, in hình búa liềm. Chứng kiến lá cờ trước mặt, người dân biết đó là lời hiệu triệu đấu tranh chống áp bức, chống phong kiến và thực dân, để đòi cơm ăn, áo mặc, đòi độc lập, do Đảng lãnh đạo.
 
-        Di tích Cây Gạo ở xóm Trại, thôn Tân Phước, xã Bình Minh (Bình Sơn).
-        Di tích Cây Gạo ở xóm Trại, thôn Tân Phước, xã Bình Minh (Bình Sơn).

 

Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Bình Minh”, việc lãnh đạo phong trào cách mạng ở xã Bình Minh lúc đó là của chi bộ Tổng Thượng, do ông Lê Luân trực tiếp chỉ đạo. Theo đó, các tổ chức quần chúng của cách mạng lần lượt ra đời và ngày càng đông đảo hội viên. Nhờ vậy, trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, người dân xã Bình Minh đã cùng cả tỉnh, cả huyện Bình Sơn lúc đó biểu dương lực lượng, kéo về trung tâm huyện và tỉnh lỵ để đấu chống bọn thực dân và tay sai. 
 
Thời gian này, truyền đơn cách mạng được rải từ thôn Lộc Thanh xuống thôn Tân Phước với các nội dung "Đả đảo đế quốc phong kiến", "Chống khủng bố trắng", "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm"… đã làm nức lòng nhân dân các làng trong xã, làm bọn tay sai khiếp sợ.
 
Mùa đông năm 1930, cờ đỏ búa liềm ngoài treo ở cây gạo, còn được treo ở rừng Cấm ở trước xóm Trại, thôn Tân Phước. Tham gia treo cờ, rải truyền đơn thời gian này có các ông Đinh Tặng, Nguyễn Khư, Võ Hựu, Phạm Cẩn, Nguyễn Hòa, Nguyễn Tý…
 
Thăm lại dấu xưa hào hùng
 
Từ UBND xã Bình Minh, chúng tôi đi về phía tây gần 3km là đến di tích cây gạo. Di tích giờ khang trang, Tỉnh đoàn đã huy động lực lượng xây con đường bê tông và bê tông xung quanh khu di tích. Tại đây, nhiều cờ, phướn tung bay trong gió. Cây gạo sừng sững, thân to, nhành cây như những cánh tay khổng lồ vững chắc giữa cánh đồng thơm mùa lúa chín. Ở đây, khách đến có thể quét mã QR là biết ngay lịch sử di tích này.
 
Hôm ấy, buổi trưa, chúng tôi chứng kiến những người nông dân gặt lúa lên nghỉ trưa dưới gốc cây gạo. Thân cây to, tán cây rộng nên sáng, chiều, người dân làm đồng đến nghỉ ngơi. Các bậc cao niên cho biết, cây gạo này khoảng hơn 200 năm tuổi.
Ông Võ Đức Triều (60 tuổi), ở xóm Trại, đã nhường một phần đất ruộng để làm di tích. Ông Triều cho biết, mùa xuân, cây gạo ra hoa đỏ, chim chóc nhiều nơi kéo về trú ngụ. Đến mùa nắng, chim cũng về đây, suốt ngày ca nhạc đồng quê. Tối đến, già trẻ ra ngồi dưới gốc gạo hóng mát, chuyện trò. “Đây là điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp người dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nếu có kinh phí thì làm mở rộng khuôn viên di tích, đặt dụng cụ luyện tập thể dục thể thao, thì đây sẽ là điểm đến sinh hoạt của người dân mỗi buổi sớm chiều”, ông Đức bày tỏ.
 
Trò chuyện với ông Ung Đình Miền (78 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh giai đoạn 1974 - 1975, chúng tôi được biết, nước giếng ở di tích Cây Gạo rất ngọt, người dân cả xóm Trại từng lấy nước ở đây để uống, sinh hoạt. Khoảng 10 năm nay, người dân đóng được giếng sinh hoạt, nên không dùng giếng này nữa, nhưng họ vẫn giữ gìn, xem nó là kỷ vật của xóm làng.
Ông Miền cho biết thêm, xã Bình Minh là vùng đất ác liệt trong chiến tranh. Trong thời kỳ chống Mỹ, giặc đốt làng phá xóm không biết bao nhiêu bận. Năm 1965, lính Mỹ và ngụy đóng rất nhiều đồn ở trong xã, trong đó nổi tiếng nhất là đồn ở đồi dây xanh, đồn núi cấm... Ở đồi dây xanh, một thời từng nơi họp kín của cán bộ ta, có dây xanh chằng chịt phủ khắp. Còn rừng cấm, nơi đây cơ sở cách mạng cắm cờ búa liềm năm 1930.
 
Đã hàng chục năm trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, quê hương Bình Minh ngày càng đổi mới, đời sống người dân ngày càng ấm no. Di tích cây gạo, rừng cấm thì còn mãi màu cờ Đảng tung bay năm nào trong tâm trí của người dân qua các thế hệ, lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước mãi được khắc ghi.
 
Bài, ảnh: PHẠM ANH
 
 

Ý kiến bạn đọc


.