Xuân về trên những ngôi nhà cổ

09:02, 11/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Về thôn An Lộc, xã Tịnh Long - miền quê yên bình cách TP. Quảng Ngãi chưa đầy 5km, chúng tôi men theo những bờ tường lâu đời đã phủ dày rêu phong ở An Lộc, từng khóm cúc, vạn thọ và hoa mai vàng đang nhẹ nhàng khoe hương sắc. Bên con đường bê tông liên thôn, liên xóm khang trang, những mái nhà cổ dần hiện ra, khiến nhịp sống dường như chậm lại.

 
Những chậu cúc, vạn thọ... đang điểm tô thêm sắc xuân cho những ngôi nhà cổ nhuốm màu thời gian.                                       Ảnh: Ý THU
Những chậu cúc, vạn thọ... đang điểm tô thêm sắc xuân cho những ngôi nhà cổ nhuốm màu thời gian. Ảnh: Ý THU


Chậm rãi nhấp ngụm trà, ông Tạ Ngọc Thảo ngụ ở đội 8, thôn An Lộc cho biết: “Ngôi nhà này của gia đình tôi có tuổi thọ hơn 100 năm. Toàn bộ kiến trúc đều phải mời những bậc thầy ở Huế vào xây dựng. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn cứ giữ nguyên kiến trúc như vậy”. Sống trong ngôi nhà được truyền lại từ đời trước, mấy mươi năm qua, ông Thảo luôn ý thức gìn giữ nguyên vẹn kiến trúc. Ngay cả không gian xung quanh, ông cũng chỉ trồng vài luống rau, chứ không xây dựng tường rào, hay cổng ngõ để không “phá” đi sự tĩnh lặng vốn có của ngôi nhà.

Cùng chung tâm niệm “gìn giữ cho đời sau”, cụ Huỳnh Thiếp Vương, ngụ ở đội 9, thôn An Lộc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn minh mẫn gìn giữ nếp nhà xưa và những kỷ vật gắn bó với ngôi nhà cổ suốt chiều dài lịch sử. Ngôi nhà cổ án ngữ gần 2/3 diện tích đất ở, nên đã bao lần con cháu khuyên ông nên dẹp đi để con cháu có cơ hội được góp tiền xây cho ông ngôi nhà mới an hưởng tuổi già. Nhưng ông đều gạt đi. “Giữ gìn ngôi nhà không chỉ là điều nên làm mà còn là nhiệm vụ, là trách nhiệm”, ông Vương nói.

Nhờ có tâm niệm đáng quý ấy, nên giữa hàng loạt ngôi nhà cấp 4 khang trang của láng giềng; ngôi nhà với toàn bộ cửa, cột, xà nhà đều làm bằng gỗ mít nài truyền lại từ nhiều đời của gia đình ông Vương trở nên đặc biệt vô cùng. Ông Vương cho biết, các cột, cửa, xà nhà bằng gỗ trong ngôi nhà này đến đời ông đã là đời thứ 5. Đó là chưa kể đến các bức hoành phi, đồ đồng thờ cúng khắc biểu tượng của “tùng, trúc, cúc, mai”…thì còn lưu truyền từ thời xa xưa hơn nữa.  “Trải qua chiến tranh rồi lũ lụt, ngôi nhà cổ đã không còn như lúc đầu. Nhưng tôi và gia đình vẫn cố gắng giữ lấy cửa, cột, gian thờ và những đầu rồng bằng gỗ được chạm khắc công phu mà khi xưa ông bà chạm, cẩn trên cột nhà”, ông Vương bộc bạch.

Trong ngôi nhà cổ, bộ cửa gỗ, cột gỗ, xà nhà... trải qua bao thăng trầm của thời gian giờ đã chuyển sang màu đen tuyền cổ kính. Trên bàn thờ, chiếc hộp bằng gỗ có tuổi đời hơn 100 năm dùng để đựng gia phả 17 đời của dòng họ được ông kính cẩn cất giữ. Lý giải cho tôi về biểu tượng của chữ vạn được chạm trổ công phu trên cửa nhà, ông Vương cho biết: “Theo lời ông bà đời trước truyền lại, biểu tượng này có nghĩa là cầu mong cát tường, ấm no, sung túc. Ông bà xưa ý nhị vậy đó, mọi biểu tượng chạm khắc trong nhà đều có ý nghĩa riêng nên mình phải biết nâng niu, quý trọng”.

Nhờ những tấm lòng của cụ Vương, ông Thảo… mà ngay giữa lòng thành phố; những ngôi nhà có tuổi đời hơn trăm năm này trở thành “nét chấm phá” rất riêng, đưa lòng người về với quá khứ, với an nhiên, thanh tịnh... Và sẽ càng thú vị hơn, nếu chúng được “đánh thức” và giới thiệu cho các du khách xa gần...

THU - TÀI
 


.