Ngày 23 tháng Chạp, Tết ông Công, ông Táo, hay còn gọi là Tết Táo quân - sự kiện quan trọng, mở đầu cho mùa lễ Tết truyền thống của người Việt. Với việc thực hành nghi lễ đúng mực, mỗi người đang góp phần bồi đắp, trao truyền, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.
Kết nối giá trị tốt đẹp
Năm nay, Tết Táo quân không vào ngày nghỉ, nên các phần việc chuẩn bị cho cái Tết khởi đầu mùa lễ Tết truyền thống được nhiều gia đình lên kế hoạch từ sớm. Vẫn những đồ lễ truyền thống, những thức cúng tinh khiết, không ít gia đình, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh riêng, mà chọn thực hành nghi lễ vào chiều 22 tháng Chạp, thậm chí dịp cuối tuần trước đó.
Chị Đặng Thu Hoài (Cống Vị, Ba Đình) cho biết, để có thể sum họp đông đủ, tránh cập rập, gia đình chị chọn cúng Tết ông Công, ông Táo vào chiều 22 tháng Chạp. Lễ tiễn Táo quân năm nay, gia đình chị Hoài chủ trương không bày biện quá nhiều, cốt sao thành kính và ấm cúng.
Cúng ông Công, ông Táo là nét đẹp văn hóa của người Việt. Ảnh: Anh Tuấn |
Còn theo bà Nguyễn Thị Vượng (làng Cót, Yên Hòa, Cầu Giấy), vì có thời gian, nên bà vẫn cố gắng làm lễ đúng sáng 23 tháng Chạp. “Lễ Tết có thịt gà, bánh chưng, các món canh, xào quen thuộc cũng như không thể thiếu bộ ba cá chép đỏ, ngụ ý tiễn Táo quân về trời. Dù sinh ra, lớn lên ở làng có nghề làm vàng mã truyền thống song với gia đình tôi, việc đốt vàng mã chỉ là thủ tục mang tính tượng trưng”, bà Vượng chia sẻ.
Lễ Tết ông Công, ông Táo cũng là thời điểm nhiều bảo tàng, di tích, trung tâm giao lưu văn hóa trên địa bàn Hà Nội tích cực triển khai các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, bổ ích, góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể kể đến, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội với nghi lễ "Tống cựu nghinh tân", thực hành lễ cúng ông Công, ông Táo tại điện Kính Thiên và thả cá chép tại dòng sông cổ, thuộc khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều không gian tái hiện Tết truyền thống của người Hà Nội xưa với lễ Táo quân, lễ dựng cây nêu...
Đại diện truyền thông, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, qua các hoạt động, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội mong muốn giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến những giá trị văn hóa cổ truyền, từ đó góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về một lễ hội lành mạnh, tiết kiệm, giàu bản sắc dân tộc.
Bảo tồn, lan tỏa văn hóa truyền thống
Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục đẹp có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo trông coi việc bếp núc. Đây là những vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi, ghi chép những việc trong năm, để đến ngày 23 tháng Chạp, các thần sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình báo cáo những việc tốt, xấu của gia đình.
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng cho tinh thần vượt khó, ý chí kiên trì chinh phục thử thách để đi đến thành công.
Với ý nghĩa đó, ngày Tết ông Công, ông Táo là một trong những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian quan trọng trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt, ngoài việc chuẩn bị đón chào một năm mới với nhiều kỳ vọng, hoạt động này còn là để nhìn lại một năm cũ cho chặng mới tốt đẹp hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long nhận xét, nghi lễ đẹp ở tính nhắc nhở con người tu tâm; ở việc kết nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của truyền thống, bắt đầu từ việc thực hành nghi lễ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cũng như ý thức vì cộng đồng trong mỗi việc làm, hành động cá nhân.
"Nói cách khác, nếu quá chú tâm đến lễ lạt, cầu cúng mà bỏ qua giá trị tinh thần, nếp sống văn minh, lối ứng xử có trách nhiệm, chúng ta không chỉ làm phai nhạt, biến tướng phong tục tập quán tốt đẹp, mà còn gây nên nhiều hệ lụy xấu khác", Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức khẳng định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, sức sống của truyền thống văn hóa phụ thuộc nhiều vào quá trình thực hành của mỗi người, trong đó, nên có những điều chỉnh cho phù hợp với tự nhiên, nhưng then chốt vẫn là ý nghĩa, giá trị tinh thần của tập tục. Ví như, việc sử dụng cá chép giấy thay cá chép sống nhiều năm gần đây cũng là một lựa chọn thuận tự nhiên mà không làm ảnh hưởng tới ý nghĩa của tục lệ này.
Theo Hà Nội mới