Chuyển động từ hồ Núi Ngang

11:09, 10/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 20 năm ngăn dòng tích nước, hồ Núi Ngang, xã Ba Liên (Ba Tơ) không chỉ thực hiện sứ mệnh cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn giúp người dân vùng tái định cư nơi đây nuôi cá cải thiện cuộc sống. Với phong cảnh hữu tình, hồ Núi Ngang còn mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái; tạo nguồn thu nhập cho người dân. 
 
[links()]
 
Khi đất trời chuyển sang thu, cây lúa trên đồng trĩu hạt, cũng là lúc người dân trong vùng hồ Núi Ngang vào mùa thu hoạch cá. Không khí ở hồ Núi Ngang cũng trở nên rộn ràng hơn khi có nhiều du khách đến đây thưởng ngoạn cảnh đẹp, câu cá... 
 
Người dân được hưởng lợi 
 
Tôi đã có chuyến tham quan thú vị ở hồ Núi Ngang. Từ ngã tư Thạch Trụ, xã Đức Lân (Mộ Đức), đi theo hướng Quốc lộ 24 về phía tây, tôi đến thôn Hương Chiên, xã Ba Liên. Thật bất ngờ khi thấy ở đây có nhiều điểm bán cá. Chị Đinh Thị Xây, nhà ở thôn Hương Chiên, cạnh Quốc lộ 24, đon đả mời khách mua cá, nào là cá trắm, cá mè, cá trôi... Cá có trọng lượng chừng 7 - 10kg.  “Cá này chúng tôi vừa mới đánh bắt được ở hồ Núi Ngang. Mùa này nước hồ trong xanh, con cá đủ ký nên rất ngon", chị Xây nói.
 
Hồ Núi Ngang, xã Ba Liên (Ba Tơ), thu hút nhiều du khách đến tham quan, câu cá. ẢNH: Ánh Nguyệt
Hồ Núi Ngang, xã Ba Liên (Ba Tơ), thu hút nhiều du khách đến tham quan, câu cá. ẢNH: Ánh Nguyệt
Theo lời chỉ dẫn của chị Xây, tôi chạy xe đến đầu mối hồ Núi Ngang. Cả một vùng lòng hồ nước xanh trong, rộn lên tiếng máy nổ của những chiếc ghe máy của đồng bào Hrê đi đánh cá trở về. Những con cá xếp lớp dưới ghe còn ánh bạc, đang vùng vẫy,  được anh thanh niên người dân tộc Hrê chuyển lên bờ. Cá đánh bắt được đã có thương lái túc trực sẵn trên bờ để mua.
 
Chị Đinh Thị Nái, ở thôn Hương Chiên, cũng có mặt ở hồ từ sớm. Chị chờ chồng đi thăm lưới trở về. Chị Nái bảo, cá đánh bắt được ở hồ Núi Ngang không chỉ giúp gia đình tôi cải thiện bữa ăn, mà còn đem bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. 
 
Sau khi hồ chứa nước Núi Ngang được xây dựng, vào năm 2003, ngành thủy sản tiến hành thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Lúc đầu, việc quản lý khai thác cá ở lòng hồ chưa được thực hiện, người dân mạnh ai nấy đánh bắt nên lượng cá trong hồ không nhiều. Đến năm 2016, địa phương thành lập Tổ Hợp tác nuôi cá nước ngọt hồ Núi Ngang, với 45 thành viên, là những hộ dân ở hai thôn Hương Chiên và Đá Chát. Hằng năm, đầu mùa xuân, người dân thả cá giống xuống hồ Núi Ngang. Cá ăn phù du tự nhiên trong lòng hồ, đến đầu tháng Tám, người dân tổ chức đánh bắt. Theo quy định, mỗi hộ thành viên của tổ hợp tác chỉ được thả 5 tấm lưới để đánh bắt cá, còn những hộ không là thành viên chỉ được thả một tấm lưới để đánh bắt cá mang về cải thiện đời sống.
 
Tổ phó Tổ Hợp tác nuôi cá nước ngọt hồ Núi Ngang Phạm Văn Cua cho biết, vùng lòng hồ khá rộng, nếu chỉ trông chờ vào lượng cá tự nhiên thì không  nhiều. Do vậy, mỗi năm, qua đợt thu hoạch cá, các thành viên của tổ hợp tác góp tiền xuống trại giống ở xã Đức Lân mua cá giống về thả. Năm vừa rồi, ngoài kinh phí hỗ trợ của xã, các thành viên của tổ hợp tác đóng góp thêm 100 triệu đồng để mua cá giống. 
 
Thành viên trong Tổ Hợp tác nuôi cá nước ngọt ở hồ Núi Ngang bán cá cho các điểm thu mua.                                     ẢNH: Ánh Nguyệt
Thành viên trong Tổ Hợp tác nuôi cá nước ngọt ở hồ Núi Ngang bán cá cho các điểm thu mua. ẢNH: Ánh Nguyệt
Cùng với đó, thông qua chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản của Sở NN&PTNT, cá được thả xuống hồ nhiều hơn. "Năm nay, có 29,5 nghìn con cá giống, gồm các loại cá trắm cỏ, mè, trắm đen, chạch lấu, thát lát và đặc biệt còn có 1.500 con cá hô, một loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, sinh sôi ở vùng sông Mê Kông được thả xuống hồ Núi Ngang. Hôm thả cá xuống hồ, cả làng rất vui. Tổ hợp tác thuê hai chiếc ghe máy, từ sáng sớm đã có mặt tại hồ để đón cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh mang cá lên thả...", anh Cua phấn khởi nói.
 
Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được đánh bắt cá mà để chờ cá lớn, có vậy mới đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhờ đó mà đến kỳ thu hoạch, số lượng cá nhiều hơn và nhiều con nặng đến 7 - 8kg... Hồ chứa nước thủy lợi kết hợp với nuôi cá nước ngọt ở hồ chứa nước Núi Ngang đã phát huy hiệu quả. Qua đó, gợi mở hướng làm ăn mới, hiệu quả cho người dân sinh sống cạnh những vùng có hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Mở hướng phát triển du lịch
 
Tôi cùng với Phó Chủ tịch UBND xã Ba Liên Thới Xuân Sơn đi thuyền quanh khu vực lòng hồ. Nhìn những cánh rừng xanh và hồ nước trong vắt, anh Sơn cho biết, hồ chứa nước Núi Ngang đã được huyện Ba Tơ đưa vào quy hoạch phát triển du lịch sinh thái. "Có lần đi tham quan ở hồ chứa nước Phú Ninh (Quảng Nam), nhìn cách người ta khai thác hồ chứa nước kết hợp với du lịch, mình nghĩ hồ chứa nước Núi Ngang cũng khá đẹp, nên hy vọng sẽ có nhà đầu tư đến khai thác phát triển du lịch", anh Sơn nói.
 
Cánh đồng lúa dưới chân hồ Núi Ngang.                       ẢNH: Ánh Nguyệt
Cánh đồng lúa dưới chân hồ Núi Ngang. ẢNH: Ánh Nguyệt
Trong khi chờ đợi nhà đầu tư đến phát triển du lịch vùng lòng hồ Núi Ngang, địa phương đã khuyến khích tổ hợp tác ở đây khai thác dịch vụ câu cá vùng lòng hồ. Khi các cần thủ đến hồ Núi Ngang câu cá, được các thành viên tổ hợp tác đón và dùng ghe máy chở đi câu. Nguồn cá câu được thì các cần thủ hưởng, còn tiền dịch vụ thì tổ hợp tác nhận và dùng khoản tiền này để mua cá giống thả xuống hồ. Với cách làm này, từ nhiều năm qua, tổ hợp tác đã duy trì được việc nuôi cá để tăng thu nhập cho các hộ dân. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, huyện đang khảo sát phát triển du lịch ở thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang), trong đó chú trọng bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, khu vực đồi sim, hòn đá chồng và một số thác nước. Sau khi dự án điện gió thảo nguyên Bùi Hùi đi vào hoạt động, huyện sẽ kết nối phát triển chuỗi du lịch theo các tuyến phía tây, phía đông hồ Núi Ngang - Bùi Hui gắn với di tích lịch sử theo dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm.
 
Cung cấp nước tưới cho các cánh đồng
 
Hồ chứa nước Núi Ngang được xây dựng năm 2001, nằm trong quy hoạch hệ thống hồ chứa nước của tỉnh. Theo thiết kế, hồ bổ sung nguồn nước tưới cho 1.450ha lúa ở vùng bắc Trà Câu (TX.Đức Phổ) và khu vực phía nam Mộ Đức. Khi Nhà nước chưa xây dựng hồ chứa nước Nước Trong để bổ sung nguồn nước cho công trình thủy lợi Thạch Nham đưa về tưới cho 7 huyện, thành phố vùng đồng bằng thì hầu như năm nào ở vùng cuối kênh thuộc huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ đều bị thiếu nước tưới. Chính lúc đó, nguồn nước từ hồ Núi Ngang chảy về bổ sung cho nước Thạch Nham, tưới mát cho những cánh đồng. Ông Nguyễn Hy, ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) chia sẻ, trước đây, vụ hè thu ở địa phương thường thiếu nước tưới, nhưng khi có nguồn nước từ hồ Núi Ngang, ruộng đồng tươi tốt, đạt năng suất cao. 
ÁNH NGUYỆT
 
 
 
 

.