(Báo Quảng Ngãi)- Gần 35 năm, TS.Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lên rừng, xuống biển để tìm hiểu, “giải mã” những bí ẩn của nền văn hóa cổ Sa Huỳnh. Ông bảo đó là nghiệp duyên.
[links()]
“Nhiều lúc tôi tự nghĩ về cuộc đời mình và thấy gần về hưu rồi chẳng luyến tiếc điều gì cả. Chỉ còn nặng nợ với nền văn hóa Sa Huỳnh, nhiều đêm tôi ngủ mà mơ thấy mộ chum, mảnh gốm”, TS.Đoàn Ngọc Khôi bộc bạch.
Nghiệp duyên
Ở góc phía tây Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, những chuyên gia đang dùng cọ quét qua lớp đất phủ kín các hiện vật. Những đôi mắt dán chặt vào từng mảnh vỡ được trục lên từ lòng thung lũng sông Tang (Trà Bồng) cách đây hơn 10 năm. Ở mộ chum lớn nhất, đích thân TS.Khôi xử lý. Ông xem đi, xem lại, quét một lúc lại xịt nước giữ ẩm, ông sợ sự “háo nước” của đất sẽ phá vỡ đi kết cấu lành lặn của ngôi mộ mà ông xem là phát hiện lớn của đời mình. “Tôi xem những hiện vật này như thực thể sống và ứng xử như một con người”, TS.Khôi nói.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (bên phải) trực tiếp tham gia chỉnh lý mộ chum lớn nhất và có hoa văn (mộ chum Sa Huỳnh có hoa văn lần đầu tiên được phát hiện). |
Nói về nghiệp duyên, ông bảo nghiệp khảo cổ là ông chọn, còn duyên với văn hóa Sa Huỳnh có từ ngày ông chập chững bước vào con đường nghiên cứu. Đó là năm 1989, khi vừa tách tỉnh (tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định), ông về làm chuyên viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Những ngày đó, ông vừa tốt nghiệp đại học xong, thời gian rảnh rỗi ông vào Sa Huỳnh thăm người thân và cái tính thích tìm hiểu đã đưa ông đến với câu chuyện của những cụ già. Chàng chuyên viên trẻ biết đầu thế kỷ XX, người Pháp đã khai quật vùng đất này và phát hiện nhiều dấu tích của một nền văn hóa. Thời bấy giờ, thông tin quá ít ỏi, việc tìm kiếm tư liệu gặp khó khăn, chàng trai trẻ quyết định điền dã.
Cũng từ lúc này, người dân thấy chàng trai ốm nhom đi xe đạp vào từng làng hỏi thăm chuyện “lòng đất”. Những triền cát miền biển Sa Huỳnh từ Phú Khương, Thạnh Đức, Long Thạnh, Tấn Lộc... (nay thuộc phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ) trong mắt của chuyên viên Khôi vẫn còn nhiều ẩn tích. “Chẳng hiểu sao hồi đó tôi cứ có lòng tin dưới các đồi cát là một nền văn hóa. Tôi lần mò mãi thì phát hiện bia ký khắc trên đá, giếng nước, hệ thống thủy lợi của người Chăm. Tôi không thể quên cảm giác mừng rỡ lúc đó”, TS.Khôi nhớ lại. Tháng 9/1989, lần đầu tiên ông tham gia Hội nghị thường niên của ngành khảo cổ tại Hà Nội, cũng lần đầu tiên ông gặp các “cây đa, cây đề” của ngành khảo cổ và cũng lần đầu tiên ông báo cáo phát hiện của mình tại Sa Huỳnh.
Sau đó là cuộc khai quật ở Sa Huỳnh phát hiện mộ táng bằng gốm, con dấu và các dụng cụ sinh sống của người dân thời văn hóa Sa Huỳnh. Từ đây, cái tên Sa Huỳnh thành mối duyên dính chặt vào đời ông đến tận bây giờ. Năm 1996, ông Khôi thêm một lần “hữu duyên” với văn hóa Sa Huỳnh khi ra đảo Lý Sơn làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia cho đình làng An Vĩnh. Ông ghé nhà dân chơi và phát hiện trong gánh đất của họ có mảnh gốm thô, ông xin mang về tìm hiểu, rồi báo cáo với lãnh đạo bảo tàng. Vậy là, cuộc khai quật xóm Ốc (đảo Lý Sơn) diễn ra, tầng văn hóa dày 1,5m với mộ chum có xương cốt, trang sức bằng vỏ ốc, xương cá được phát lộ.
Mong ứng xử đúng tầm vóc của văn hóa Sa Huỳnh
“Thời điểm đó, tôi đúc kết văn hóa Sa Huỳnh không chỉ ở ven biển mà người tiền sử đã vượt biển. Tôi nghĩ đã bao trọn tập tục sinh sống của người tiền sử thời văn hóa Sa Huỳnh. Năm 2004, tôi bảo vệ luận án tiến sĩ đề tài “Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Quảng Ngãi” và rất tự tin về hiểu biết của mình. Nhưng tôi đã lầm”, TS.Khôi kể.
Các cộng sự của Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đang chỉnh lý hiện vật văn hóa Sa Huỳnh ở thung lũng sông Tang, bóc tách và giải mã những bí ẩn của nền văn hóa này. |
Mười năm sau khi chuyển toàn bộ di sản về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, TS.Khôi cùng cộng sự đang trực tiếp chỉnh lý những hiện vật và phát hiện những điều mới mẻ về phong tục, lối sống, phân tầng xã hội, hoạt động sản xuất... mà sắp đến ngành văn hóa Quảng Ngãi sẽ tổ chức hội thảo và công bố. “Chẳng hiểu sao, bây giờ tôi lại chẳng còn tự tin về sự hiểu biết của mình. Tôi không biết cái duyên với nền văn hóa này sẽ đưa tôi đến phát hiện mới nào không. Tất cả vẫn còn phải chờ. Nhưng có một điều tôi chắc chắn, Quảng Ngãi là cái nôi của nền văn hóa này, những phát hiện trải dài từ Hà Tĩnh vào tận Bình Thuận, lên Tây Nguyên chứng minh một nền văn hóa trải dài, nhưng không ở đâu có bề dày và những ẩn tích phát lộ chứng minh sự phát triển rực rỡ của văn hóa Sa Huỳnh như Quảng Ngãi”, TS.Khôi nói.
Điều mong ước của TS.Khôi cũng gắn với Sa Huỳnh, ông bảo rằng Việt Nam đang có một nền văn hóa rất có giá trị, nhưng hiện tại vẫn ứng xử chưa xứng tầm. Năm 2009, nhân 100 năm phát hiện nền văn hóa Sa Huỳnh, ông đã đề nghị và sau đó Bộ VH-TT&DL đã làm bảo tàng ở Sa Huỳnh - nơi đầu tiên phát hiện dấu tích của nền văn hóa này. Nhưng cho đến nay, tầm vóc, không gian văn hóa Sa Huỳnh đã mở rộng hơn rất nhiều thông qua các cuộc khảo cổ ở nhiều tỉnh. “Với những gì giới khảo cổ tìm thấy, chúng ta có một không gian rất rộng của nền văn hóa Sa Huỳnh và đủ sức chinh phục giới nghiên cứu cũng như du khách quốc tế. Chỉ là chưa có phương án để làm rực rỡ và “bình dân hóa” ngôn ngữ học thuật và trưng bày để người dân tham quan đều hiểu. Chúng ta đã phát lộ nhưng chưa phát quang được di sản. Tôi chỉ ước có một bảo tàng với không gian rộng lớn trưng bày đầy đủ về nền văn hóa này”, TS.Khôi trải lòng.
Khởi đầu ở tuổi đôi mươi, rồi gắn bó với văn hóa Sa Huỳnh khi tóc đã bạc. Tuổi tác đã đè nặng trên những bước chân, TS.Khôi không còn đi nhiều như trước, nhưng ông vẫn đau đáu và tin cái duyên sẽ giúp mình khám phá thêm về nền văn hóa này. Vài năm nữa TS.Khôi sẽ nghỉ hưu, nhưng ông bảo sẽ không dừng lại, công việc nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh sẽ còn tiếp tục.
Nhà nghiên cứu bình dân
Giáo sư Nguyễn Khắc Sử - Ủy viên Ban Chấp hành Hội khảo cổ học Việt Nam tham dự công tác chỉnh lý hiện vật khảo cổ ở thung lũng sông Tang với tư cách chuyên gia bảo rằng, cùng với những tên tuổi gạo cội nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, thì TS.Đoàn Ngọc Khôi là người am hiểu đầy đủ nhất về nền văn hóa này. “Ai hỏi tôi về văn hóa Sa Huỳnh, tôi cũng đề nghị tham vấn thêm ý kiến của TS. Đoàn Ngọc Khôi, những kiến thức thực tế mà cả đời anh đúc kết được, sẽ bổ trợ để có sự hiểu biết đầy đủ hơn về nền văn hóa này. Nhất là cách lý giải của anh rất bình dân, dễ hiểu cho bất kỳ ai”, GS.Nguyễn Khắc Sử chia sẻ.
|
Bài, ảnh:
TRẦN LÊ AN DU