(Báo Quảng Ngãi)- Như mệnh lệnh từ trái tim, cứ nghe chuông điện thoại reo, tiếng cầu cứu khi bệnh nhân F0 bị nguy kịch là các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch tức tốc khoác đồ bảo hộ đến với người bệnh. Tấm lòng y đức của người thầy thuốc là vậy đó, bất kể ngày hay đêm họ đều luôn sẵn sàng đến với bệnh nhân.
Làm nghề thầy thuốc đúng lương tâm và trách nhiệm có bao giờ được tròn giấc, nhất là đối với những y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19. Bởi bệnh đâu có hẹn trước, lúc thì nửa đêm, gà gáy, lúc mưa lạnh, gió rét... Cứ ở đâu có F0 là các y, bác sĩ phải lo khoanh vùng, khống chế dịch, cứu chữa người bệnh.
[links()]
Nhọc nhằn
Mấy ngày qua, gió bấc tràn về, nhiệt độ hạ thấp, lạnh thấu xương, nhưng cứ nhận điện thoại từ người nhà F0 là bác sĩ Lê Chí Toàn - Trưởng Trạm Y tế lưu động số 1, Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Quảng Ngãi lại lên đường. Bác sĩ Toàn cho biết, từ khi có chủ trương thích ứng an toàn với dịch để trở lại trạng thái bình thường mới, số lượng bệnh nhân F0 điều trị tại nhà tăng lên khá nhiều. Các y, bác sĩ mỗi người làm việc bằng hai. Không chỉ ban ngày mà đêm xuống, mới chợp mắt thì điện thoại reo, hết bệnh nhân này nhờ tư vấn, hướng dẫn, đến người thân bệnh nhân kia nhờ chuyển viện cấp cứu. Có hôm đến 2 - 3 ca, các y, bác sĩ phải làm việc thâu đêm. “Bệnh nhân F0 không triệu chứng điều trị tại nhà do các y, bác sĩ trạm y tế cơ sở phụ trách. Vậy mà người nhà F0 gọi trực tiếp cho tôi, có nghĩa là bệnh nhân rất nguy kịch cần chuyển lên tuyến trên nên không thể chậm trễ”, bác sĩ Toàn bộc bạch.
Hoàn thành ca trực, các y, bác sĩ Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh ( cơ sở 2) lại xoay vần với công việc hậu cần, tiếp nhận thực phẩm tiếp tế cho bệnh nhân. Ảnh: ÁNH NGUYỆT |
Khi các chỉ số hiện rõ cho thấy dấu hiệu bệnh nhân bất ổn, bác sĩ Toàn quyết định lấy băng ca chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Trong thời điểm khẩn cấp thì người nhà bệnh nhân lại không đồng ý đưa đi. Tình huống “cười ra nước mắt”, bác sĩ Toàn đành phải hướng dẫn gia đình cách điều trị đặc biệt tại nhà. Nhưng đến 12 giờ trưa hôm sau, người nhà của bệnh nhân F0 này lại yêu cầu Trạm Y tế lưu động số 1 đưa bệnh nhân lên tuyến trên. Là người phụ trách 11 trạm y tế xã, phường trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, bác sĩ Toàn đã chứng kiến bao hoàn cảnh nên hiểu rõ nỗi lòng của người nhà bệnh nhân. Không một phút chần chừ, bác sĩ Toàn cùng với các y sĩ đến để chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) khẩn cấp...
Niềm vui của người thầy thuốc
Trong đêm lặng, chỉ cần nghe tiếng còi hú của xe cứu thương, ánh đèn xe quét vào cổng Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) là tất cả các y, bác sĩ ở ca trực tỉnh giấc. Trong bộ đồ bảo hộ phủ kín từ đầu đến chân, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Châu bộc bạch, bệnh nhân F0 chuyển vào bệnh viện đa phần là bệnh vừa và nặng, nên các y, bác sĩ ca trực ai cũng ở trong tâm thế sẵn sàng. Người lấy băng ca, người khai thác tiền sử, lập hồ sơ bệnh án... đưa bệnh nhân vào giường bệnh. Tại đây, các y, bác sĩ gắn máy thở ô xy, đo nồng độ ô xy trong máu, các dấu hiệu sinh tồn và tiến hành các biện pháp để điều trị cho bệnh nhân. Mỗi y, bác sĩ đều nỗ lực hết sức, nhưng rồi có bệnh nhân nặng cũng ra đi trong cô đơn, trong thiếu vắng tình thân, chúng tôi rất xót lòng và tự hứa cố gắng hơn nữa.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng. Ảnh: ÁNH NGUYỆT |
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn điều trị theo liệu trình, các y, bác sĩ ở Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) còn lắng nghe, chia sẻ những tâm tư của bệnh nhân, tận tình hướng dẫn từng bệnh nhân từ cách ăn uống, hít thở... Ngày cũng như đêm, các y, bác sĩ ở ca trực luôn trong trạng thái sẵn sàng để mỗi khi bệnh nhân ra hiệu, hay kêu cứu là có mặt kịp thời. Bác sĩ Trần Văn Long, nhân viên Khu Điều trị Covid-19 bày tỏ, đêm tĩnh mịch, tiếng kêu từng hồi của máy thở cho bệnh nhân nặng càng làm tăng thêm nỗi lo cho y, bác sĩ. Vì vậy, khi xác định vào trực ca thì không ai dám chợp mắt. Cứ nghe tiếng ú ớ, rên la của bệnh nhân là các y, bác sĩ có mặt kịp thời để xử lý.
Với những hộ lý, điều dưỡng ở Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) thì ngoài việc tiêm, truyền thuốc, nhận bệnh, thay bình ô xy... còn chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, nâng đỡ bệnh nhân thay quần, áo, rửa vết thương, nhận bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, lấy dấu hiệu sinh tồn, lập hồ sơ bệnh án, nhập thuốc... “Từ sau Tết đến nay, bệnh nhân F0 đông, có ngày lên đến 90 bệnh nhân nhưng nhân lực lại thiếu nên chị em điều dưỡng khá vất vả. Mỗi ngày xong việc, các điều dưỡng chỉ chợp mắt được 2 - 3 tiếng đồng hồ. Với cường độ làm việc cao, trong thời gian dài, có một số điều dưỡng mất sức nằm ngất trên đường đẩy ô xy mà bất chấp nguy hiểm...”, bác sĩ Trần Văn Long kể về đồng nghiệp của mình bằng tình cảm trân quý.
Sự ân cần, hy sinh thầm lặng của các y, bác sĩ đã làm ấm lòng bệnh nhân Covid-19, giúp họ vượt qua những phút giây nguy kịch, giải tỏa được nỗi cô đơn trong lòng. Nhiều bệnh nhân Covid-19 điều trị khỏi bệnh ra viện đã nhớ và trả ơn cho những y, bác sĩ đôi khi chỉ là ký cá, ký tôm đã kho sẵn; lúc thì ký đường, hộp sữa... Giá trị không nhiều nhưng đó là niềm vui đối với người thầy thuốc, là nguồn động viên tinh thần để nhiều y, bác sĩ nơi đây làm việc hết mình...
“Trong môi trường dịch Covid-19, các y, bác sĩ luôn chịu nhiều áp lực, từ nỗi lo nhiễm bệnh, công việc nặng nhọc và phải gác chuyện riêng của gia đình. Vì vậy, khi phân công trực, ban giám đốc bệnh viện luôn rất cân nhắc chỉ quy định mỗi ca trực kéo dài 3 tuần, nhưng có một số y, bác sĩ đã xung phong trực thêm tuần thứ 4, thứ 5... Tấm lòng của họ thật đáng quý, góp phần giúp bệnh nhân vượt qua nguy kịch, tô đậm thêm về hình ảnh đẹp của người thầy thuốc Việt Nam”, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2) Cao Phúc chia sẻ.r
ÁNH NGUYỆT