Nữ giám đốc "chân đất"

02:10, 19/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lập nên HTX, với xã viên phần đông là đồng bào Hrê. Bao tiêu đầu ra sản phẩm, rồi mang những giống cây mới có giá trị kinh tế cao vốn còn lạ lẫm ở vùng cao Ba Tiêu (Ba Tơ) về trồng đang hứa hẹn sẽ mang lại "quả ngọt"... Đó là cách mà nữ Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu Huỳnh Thị Hòa (1974) muốn trả nợ ân tình đối với quê hương thứ hai của mình.

Đi buôn, rồi làm... giám đốc

Vốn có "máu kinh doanh", nên khi được một người bạn chia sẻ về mô hình hợp tác xã (HTX), chị Hòa cảm thấy thú vị và nuôi dưỡng ý tưởng thành lập HTX. Sau hai năm lên mạng tìm kiếm thông tin về HTX, kết hợp những đợt tham quan mô hình cũng như các chương trình tập huấn của Hội LHPN các cấp, chị Hòa đã quyết định tự tay viết phương án kinh doanh, điều lệ thành lập HTX, rồi hoàn tất các thủ tục thành lập HTX.
 Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu Huỳnh Thị Hòa bên mô hình cây Sachi đã bắt đầu cho quả.
Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu Huỳnh Thị Hòa bên mô hình cây Sachi đã bắt đầu cho quả.

Tháng 8.2018, HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu được thành lập, với sự... nghi ngại của nhiều người. Bởi lẽ, đây là chuyện "xưa nay hiếm" ở vùng cao Ba Tiêu. “Trước đây, mình làm kinh tế cho gia đình thì dễ, lỗ lãi gì thì tự chịu. Nhưng khi giữ vai trò lãnh đạo HTX thì mình phải nỗ lực gấp 5 - 10 lần, nhằm nâng cao thu nhập, giúp các xã viên cải thiện cuộc sống”, chị Hòa bày tỏ.

Dồn cả tâm huyết cho HTX còn chân ướt, chân ráo, chị Hòa bắt tay làm nhiều phần việc, từ lo khâu sản xuất và dịch vụ. Chị Hòa đặt ra hướng đi: Lấy chăn nuôi gà, vịt, heo làm điểm tựa, theo phương châm “lấy ngắn, nuôi dài” để phát triển những dự án lớn hơn. Và với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho các thành viên HTX, chị Hòa chọn cách mua tận gốc, bán tận ngọn. Rồi "thay vì thuê nhân viên làm makerting cho HTX như các doanh nghiệp khác, tôi quyết định tự làm makerting cho chính mình.

Để làm được việc này, tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức, đi nhiều nơi và phải bỏ tiền túi ra để tổ chức các buổi hội thảo. Tuy nhiên, tôi nghĩ không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình và tôi biết cần làm gì để giúp đồng bào Hrê nắm bắt được cách trồng trọt, chăn nuôi theo khoa học, hiệu quả hơn”, nữ Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu chia sẻ.

Người con gái sông Trà "đậu bến" vùng cao

Sinh ra bên dòng sông Trà Khúc, ở vùng bãi bồi xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), trong một gia đình có đông con, cuộc sống khốn khó, nên chị Hòa đành nghỉ học giữa chừng và bắt đầu đi... buôn. Mưu sinh đây đó, đến năm 1996, người con gái ở vùng hạ lưu sông Trà này chọn xã miền núi Ba Tiêu làm điểm dừng chân cùng với gia đình nhỏ của mình cho đến tận bây giờ.

Ít ai nghĩ rằng, trước khi làm giám đốc HTX, chị Hòa từng có thời gian dài đi buôn chuyến. Nhắc đến những ngày đầu gian khó ấy, người phụ nữ chân chất có làn da ngăm chắc nịch ấy không giấu nỗi xúc động.

Chị Hòa kể: Lúc mới lên đây lập nghiệp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Đi buôn lúc lỗ, lúc lời, nên có thời điểm tôi phải đúc bánh xèo mang tận vào trong các thôn, làng bán cho đồng bào Hrê. Nhưng cũng nhờ hơn 20 năm gắn bó với người đồng bào dưới chân đèo Viôlắc, vào tận từng thôn vùng sâu, vùng xa, mà tôi thấu hiểu và cảm nhận được sự vất vả, khó khăn của người dân nơi đây.

Thay đổi tập quán sản xuất cho đồng bào

Một thời, nhiều người dân ở vùng cao Ba Tiêu không còn tin vào doanh nghiệp, thương lái, bởi sự bội tín trong hợp tác làm ăn. Còn giờ, họ tin chị Hòa một phép. "Mình bảo với người dân, vốn ít thì chăn nuôi theo kiểu gối đầu, thay vì đầu tư thả nuôi hàng loạt như trước. Với cách làm này, người nuôi không bị áp lực nặng về vốn, nhưng lại giảm áp lực đầu ra. Cứ sau vài tháng lại có sản phẩm để xuất bán, lấy tiền để xoay vòng đầu tư. Nhờ đó, hiệu quả cao hơn trước nhiều”, chị Hòa chứng minh.

Nữ giám đốc 45 tuổi này còn tiên phong bỏ vốn và vận động người dân đưa cây Sachi về trồng trên diện tích 4ha. Sau đó là 1ha dừa dứa và bây giờ là trồng bơ và sầu riêng. Nói về ý tưởng đưa các giống cây trồng mới về trồng trên vùng đất đồi núi, chị Hòa cho biết: Qua các đợt tham quan mô hình và tìm hiểu trên mạng, tôi nhận thấy Sachi có giá trị kinh tế cao, lại rất phù hợp với vùng đất Ba Tiêu.

Cây Sachi sau 8 tháng trồng đã cho quả. Dầu Sachi được HTX bán ra thị trường với giá 480.000 đồng/lít. Không những vậy, bã từ quả Sachi sau khi ép dầu cũng được các chủ Spa ở nhiều nơi gọi điện đặt hàng, vì đây là một trong những nguyên liệu dùng để tẩy tế bào chết, đắp mặt nạ... trong công nghệ làm đẹp.

Còn đối với cây dừa dứa, theo tính toán của chị Hòa, sau 3 năm trồng sẽ cho quả. Tính bình quân 1ha sẽ cho thu nhập 250 triệu đồng, lời hơn trồng keo rất nhiều. Vì thế, sắp tới HTX sẽ mở rộng diện tích trồng cây Sachi và dừa dứa. “Với diện tích trồng mỗi loại cây từ 5 – 10ha, tôi có thể đảm bảo đầu ra cho bà con”, chị Hòa khẳng định.

Được HTX bao tiêu đầu ra, nên nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà.
Được HTX bao tiêu đầu ra, nên nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà.

Với tâm huyết của nữ giám đốc, nên hiện nay HTX Nông nghiệp dịch vụ Ba Tiêu có đến 30 thành viên, trong đó có 23 nữ là người đồng bào Hrê. Hầu hết xã viên của HTX là đồng bào Hrê còn nghèo khó. Họ không có vốn, nhưng lại "nắm" trong tay nhiều đất đai. Thế là họ mạnh dạn góp... đất, xem đó là "cổ phần" trong HTX và nỗ lực vì mục tiêu chung.

Chị Phạm Thị Thề, một thành viên của HTX, cho biết: “Nếu mình đi làm siêng năng, tháng nào cũng được HTX trả gần 6 triệu tiền lương, nên không cần phải lên rẫy hái rau rừng hay đốn củi về bán nữa. Chị Hòa còn chỉ cho bà con cách chăn nuôi heo gà mau lớn, tháng nào cũng có bán nên vui lắm”.

Đối với nhiều HTX nông nghiệp ở các huyện đồng bằng, để tồn tại và phát triển theo cơ chế thị trường như hiện nay là không hề dễ. Thế nhưng, ở một nơi dưới chân đèo Viôlắc xa xôi, cách trở ấy lại đang hiện hữu một HTX, dù “mới ra lò” nhưng đã có những bước đi mới mẻ với nhiều “dự án nông nghiệp” đầy triển vọng.

Tôi tin rằng, bằng nhiệt huyết, quyết đoán và đầy trách nhiệm của người phụ nữ hiểu rõ đồng bào ấy cùng sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước sẽ giúp vùng núi Ba Tiêu vốn rất nghèo khó đươm hoa thơm, kết trái ngọt. Và những người dân là đồng bào Hrê vốn chỉ quen với cây keo, cây mì nơi đây sẽ bắt nhịp với cách thức làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và cuộc sống của họ sẽ ngày càng tốt hơn.

Ý tưởng khởi nghiệp đứng 35 toàn quốc

Nhận thấy được những điều hay từ ý tưởng khởi nghiệp của chị Huỳnh Thị Hòa, Hội LHPN tỉnh đã cử chị đi tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019. Đây là chương trình do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), Bộ KH&CN tổ chức theo Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

Với sự tự tin, cùng cách trình bày sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp của chị Hòa đã lọt vào top 35/741 ý tưởng có điểm số cao nhất trong toàn quốc và đem về cho HTX giải thưởng 100 triệu đồng tiền mặt. Số tiền này, chị cùng các thành viên tiếp tục đầu tư cho các dự án của HTX.

 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 

.