Xóm biệt lập giữa đại ngàn

10:09, 08/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ẩn mình heo hút phía sau những ngọn núi, xóm Gòi Tùng thuộc thôn Làng Mạ, xã Ba Tô (Ba Tơ) là một trong những nơi có người sinh sống cách trở và khó khăn nhất giữa núi rừng Quảng Ngãi. Bấy lâu nay, Gòi Tùng được xem là nơi “bốn không” (không điện, đường, trường, trạm). Nhưng đến với Gòi Tùng, chúng tôi còn biết nơi đây còn có nhiều "cái không" khác nữa...

TIN LIÊN QUAN

Chơ vơ... Gòi Tùng

Cách UBND xã Ba Tô ước chừng tầm chục cây số, thế nhưng phải rất lâu mới có người vào Gòi Tùng. Chiếc xe máy của chúng tôi để số 1 rồ ga hết cỡ mới ì ạch vượt qua cung đường khó, với đầy đất đá, dốc đứng cheo leo giữa núi.

Cung đường khiến chúng tôi chưa kịp hết bở hơi tai, gồng mình bám chặt vào xe để lên dốc, thì đã thót tim bởi chiếc xe lại trầy trật dằn xóc với đá trong khi phía bên kia là vực núi, suối sâu... Vòng vèo, khó đi, đường vào Gòi Tùng lại còn cắt ngang bởi bốn con suối.

Những ngôi nhà sàn của đồng bào Hrê ở Gòi Tùng, xã Ba Tô (Ba Tơ) lọt thỏm giữa núi rừng cách trở.
Những ngôi nhà sàn của đồng bào Hrê ở Gòi Tùng, xã Ba Tô (Ba Tơ) lọt thỏm giữa núi rừng cách trở.

Lưới điện quốc gia vẫn còn dừng lại phía ngoài những dãy núi. Mùa nắng nóng gay gắt ở Ba Tơ luôn có nền nhiệt độ cao hơn các địa phương khác, thì Gòi Tùng như oi bức hơn.

Còn buổi chiều, màn đêm đến sớm hơn, cả xóm nhanh chóng chìm vào bóng tối. Ánh đèn dầu không đủ sức thắp sáng, mà chỉ le lói một góc nhà. Mỗi khi cần có việc qua nhà hàng xóm, người dân phải sử dụng đèn pin hoặc đốt đuốc.

Xóm Gòi Tùng có khoảng 16 hộ dân sống rải rác trong thung lũng cách trở. Cả xóm từ bao đời nay không có ai học hết THPT, chỉ duy nhất trường hợp học đến lớp 11 rồi nghỉ. Có những đứa trẻ may mắn được gửi nhà người thân gần trung tâm xã, nhưng vì còn nhỏ nên không ai chăm sóc, quản lý dẫn đến hư hỏng và kết quả học tập kém. Số còn lại thường xuyên đi học “giã gạo”, cái chữ cũng thất thường theo từng ngày mưa nắng.

Đời sống “nhiều không” khắc nghiệt giữa núi rừng khiến bao đời nay, người dân Gòi Tùng chật vật giữa đói nghèo, lạc hậu. Mặc dù có đất để trồng lúa, có nước từ dòng suối chảy về phục vụ đời sống tự cung, tự cấp giữa núi rừng, nhưng nhiều năm qua, Gòi Tùng là xóm 100% hộ nghèo, đầy khó khăn, thiếu thốn.

Gòi Tùng không có đường, không điện sinh hoạt, trong làng cũng chẳng có điểm trường mầm non hay tiểu học, và cũng không có sóng điện thoại. Cả xóm chẳng có một tờ báo, nói gì đến đài, tivi. Cái chữ với hầu hết đồng bào Hrê ở Gòi Tùng vẫn còn là điều xa lạ, bởi hơn 70% người dân không biết chữ.

Mỗi khi cần tuyên truyền điều gì, cán bộ thôn, xã phải đến tận nơi để gặp người dân, rồi nói chuyện bằng tiếng Hrê. Thế nhưng, để thay đổi nhận thức người dân vẫn còn cả một chặng đường dài... Mỗi lần làm thuê, bán keo có tiền, nhiều người chỉ "đổ" vào uống rượu.

Nặng trĩu nỗi lo tảo hôn

Thiếu ăn, đói chữ, Gòi Tùng cứ thế buồn hiu hắt như nốt trầm lặng giữa đại ngàn. Bên cạnh đó, nỗi lo tảo hôn và suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn còn tiếp diễn qua nhiều thế hệ. Những đứa trẻ lớn lên chưa kịp học chữ đã vội lập gia đình, sinh con.

Không chỉ những người sinh trước năm 1980 không biết chữ, mà nhiều trường hợp sinh sau năm 1990, cả năm 2000 vẫn không được đến lớp như Phạm Thị Thay (1992). Có những người phụ nữ còn trẻ, nhưng chẳng biết mình sinh năm bao nhiêu như Phạm Thị Thoải. Hiện Thoải đã có ba đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất 13 tháng tuổi chỉ nặng tầm 5kg.

Tảo hôn và suy dinh dưỡng là những nỗi lo ở xóm biệt lập Gòi Tùng, xã Ba Tô (Ba Tơ).
Tảo hôn và suy dinh dưỡng là những nỗi lo ở xóm biệt lập Gòi Tùng, xã Ba Tô (Ba Tơ).

Những đứa trẻ con ở đây ốm đau liên miên, cơ thể nhỏ xíu so với độ tuổi. Phần vì không được đảm bảo bữa ăn, phần vì những đứa trẻ được sinh ra từ những người mẹ trẻ vẫn đang tuổi ăn tuổi ngủ, thất học nên không có kiến thức chăm sóc con.

Ngồi bên gốc cây trước nhà cùng những người phụ nữ trong xóm, Phạm Thị Canh năm nay vừa tròn 19 tuổi, ôm theo đứa con trai 4 tuổi một bên mắt bị bầm tím, sưng vù. Chỉ học lớp 5 rồi nghỉ, Canh sinh con khi vừa tuổi trăng rằm. Dù con bị đau, nhưng Canh phải chờ chồng đi làm về rồi mới tính chở con đi khám.

Lẳng lặng bên đứa con 10 tháng tuổi chỉ nhỏ xíu như trẻ vài tháng, Phạm Thị Cam (2003) từ nhỏ đến lớn, chưa một ngày được đến lớp nên không biết chữ. Cam nuôi con theo cách của những người phụ nữ trong làng, cứ để mặc con lớn lên lay lắt giữa ốm đau, bệnh tật.

Còn Phạm Thị Yên (2000) cũng chỉ học lớp 1 rồi nghỉ, giờ đèo bồng đứa con 19 tháng tuổi mà chỉ có 6kg. Ở Gòi Tùng, phụ nữ trong xóm đều sinh con tại nhà dù biết bao bất trắc, nguy hiểm. Nhiều trường hợp sinh khi chỉ có người mẹ, hay có lúc gọi thêm vài người hàng xóm đến cho “đông vui”.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Tô Thành Minh Thuận kể lại, đợt tết Nguyên đán 2019, cán bộ xã ôm một con heo vượt đường núi để đến ăn Tết cùng người dân Gòi Tùng. Dọc đường đi, di chuyển vất vả khiến nhiều người thấm mệt, thế nhưng cả đoàn vẫn quyết đến nơi vì đã hứa với đồng bào. Khi đến nơi, cán bộ xã mới hay có người dân bị tiêu chảy, nhưng không được đưa đi cứu chữa kịp thời nên đã chết vào tháng Chạp.

Tập quán và thói quen sinh hoạt tại đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh, trong khi ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân vẫn còn hạn chế. Sinh sống biệt lập giữa núi rừng, đi lại khó khăn, nên khi có bệnh tật, kể cả các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, người dân cũng chỉ chữa trị bằng hình thức cúng bái rồi chờ tự khỏi.

Đầu tháng 6.2019, nhiều người dân ở Gòi Tùng bị dịch thủy đậu, dù cán bộ xã đã tìm đủ cách thuyết phục người dân đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, nhưng người dân vẫn không chịu.

Mong ước được di dời

Theo tiếng của người địa phương, Gòi có nghĩa là đầu nguồn. Gòi Tùng còn có tên là Gò Tùng, nghĩa là cái gò giữa núi rừng. Trong kháng chiến, Gòi Tùng với địa hình hiểm trở là nơi ẩn náu của các chiến sĩ hoạt động cách mạng. Thế nhưng, vào thời bình, chính sự cách trở đó lại khiến đồng bào gặp nhiều khó khăn trong đời sống.

Theo tìm hiểu của phóng viên, so với việc đầu tư làm đường, điện sinh hoạt, trường học phải tốn số tiền rất lớn (đến vài trăm tỷ đồng - PV), thì phương án tối ưu nhất chính là di dời người dân.

Nỗi lo bị cô lập

Vào mùa mưa, xóm Gòi Tùng bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Từ UBND xã Ba Tô, để đến được Gòi Tùng phải mất từ 3 - 4 tiếng đồng hồ băng đồi, vượt suối hết sức gian nan, chưa kể những nguy hiểm chực chờ trên chặng đường đầy ghềnh đá. Những tháng cuối năm, đàn ông trong xóm đều đi làm thuê ở xa, chỉ còn phụ nữ, trẻ con ở nhà. Khi những cơn mưa rừng trút xuống, con suối Nước Pỉa trở nên hung hãn, chảy xiết đã cắt đứt tuyến lưu thông duy nhất vào Gòi Tùng...

Lãnh đạo địa phương cho hay, trước đây, cán bộ huyện Ba Tơ đã đến thuyết phục người dân di dời, nhưng vì lúc đó người dân chưa nhận thức được nên không chịu. K

hi những lớp thanh niên dần tiếp cận với bên ngoài, thì nay họ tha thiết mong muốn được làm nhà gần trung tâm xã để thuận lợi cho con cháu đi học, khám chữa bệnh. Nguyện vọng của họ còn mong được giữ đất ở làng cũ để vào canh tác trồng lúa, trồng keo để có kế sinh nhai...

“Trong nỗ lực tạo điều kiện giúp người dân ổn định cuộc sống, trẻ em được đến trường, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, địa phương đã bố trí đất tái định cư cho người dân Gòi Tùng cùng với 16 hộ thiếu đất ở trên địa bàn xã tại thôn Trà Nô.

Để đáp ứng sự mong mỏi của người dân, rất cần các cấp, ban, ngành quan tâm, xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng công trình khu tái định cư”, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Tô Phạm Văn Phân cho biết.

Bài, ảnh: NGHĨA HÒA
 

.