Chăm lo cho mầm non vùng cao

02:09, 24/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ cần nghe thông tin ở đâu có khả năng “xin được” là cô lại chủ động liên lạc, để xin hỗ trợ. Một lần chưa được thì xin nhiều lần. Chính sự chân thành của cô đã thuyết phục được nhiều nhà hảo tâm từ khắp mọi nơi. Nhờ vậy mà học sinh ở các điểm trường mầm non  vùng cao Tây Trà đã có được nơi học tập, vui chơi tốt hơn.
TIN LIÊN QUAN

Đó là tấm lòng của cô giáo Trần Thị Minh Hiền (1981), người đã dành cả tuổi thanh xuân để chăm lo cho những mầm non ở một trong những nơi còn nghèo nhất nước.

Nặng lòng với học sinh vùng khó

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Trà Bồng, tuổi thơ của Trần Thị Minh Hiền gắn liền với cuộc sống gian truân, vất vả của người dân ở miền sơn cước. Nhưng điều đó như càng bồi đắp thêm tâm hồn Hiền lẽ sống biết thương yêu, chia sẻ với mọi người. Và rồi ước mơ được trở thành cô giáo mầm non từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đã dẫn lối Hiền đến với nghề “gõ đầu trẻ”.
Cô giáo Trần Thị Minh Hiền cùng với các em ở điểm trường mầm non thôn Vuông, xã Trà Thanh (Tây Trà).
Cô giáo Trần Thị Minh Hiền cùng với các em ở điểm trường mầm non thôn Vuông, xã Trà Thanh (Tây Trà).
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, Hiền xin về công tác tại Trường Mầm non Trà Xinh (Tây Trà). Khi ấy, huyện Tây Trà mới được thành lập, nên còn rất nhiều khó khăn. Để đến được điểm trường lẻ, cô giáo trẻ ấy phải đi bộ mất gần hai tiếng đồng hồ.
 
Sau hơn hai năm công tác, Hiền được phân về làm công tác quản lý tại Trường Mầm non Trà Khê, rồi đến Trà Phong. Đến năm 2012, cô được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Trà Xinh.

Trở lại Trà Xinh, vùng đất khó ngày nào cũng chẳng khá lên mấy. Cái nghèo, cái khó vẫn còn đeo bám người dân. Hằng ngày nhìn các em chân trần, quần áo phong phanh đến trường học trong những căn phòng xuống cấp... lòng cô lại thôi thúc "phải làm một điều gì đó bù đắp cho các em".
 
Vận dụng hết mọi mối quen biết gần xa, cô Hiền lân la dò hỏi xin kinh phí từ các "mạnh thường quân" để lo cho các cháu có nơi học tập, vui chơi tốt hơn. Sự nỗ lực của cô đã được đền đáp khi có nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền 450 triệu đồng để xây dựng điểm trường mầm non thôn Trà Kim, xã Trà Xinh.

Đầu năm 2019, cô Hiền được phân công về Trà Thanh làm hiệu trưởng trường mầm non của xã. Chứng kiến cảnh gần 60 cháu ở lứa tuổi mầm non hằng ngày phải leo con dốc đầy sỏi đá để đến điểm trường chật chội, nằm tách biệt với khu dân cư, cô Hiền quyết định tiếp tục "làm người đi xin”.

 

 “Làm gì cũng cần có sự kiên trì. Cốt là làm sao cho những nhà hảo tâm thấy được tâm ý của mình. Đặc biệt là phải biết trân trọng và sử dụng làm sao cho số tiền hỗ trợ phát huy hiệu quả một cách tốt nhất”. Cô giáo TRẦN THỊ MINH HIỀN
Ngoài công việc chuyên môn, cô Hiền còn dành thời gian vui chơi cùng các cháu.  

 “Làm gì cũng cần có sự kiên trì. Cốt là làm sao cho những nhà hảo tâm thấy được tâm ý của mình. Đặc biệt là phải biết trân trọng và sử dụng làm sao cho số tiền hỗ trợ phát huy hiệu quả một cách tốt nhất”.

Cô giáo TRẦN THỊ MINH HIỀN

Lo trường lớp, rồi lo... "bữa ăn sướng"

Khi tiếng trống trường báo hiệu năm học 2019 - 2020 điểm lên cũng là lúc cô trò và người dân xã Trà Thanh vỡ òa niềm vui. Bởi trong năm học mới này, cô trò nơi đây được dạy và học trong ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, với tổng kinh phí xây dựng gần 500 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Trường có hai phòng học, một phòng bếp và một phòng làm việc, với hệ thống nhà vệ sinh khép kín.
Có trường mới giúp việc dạy và học được tốt hơn.
Có trường mới giúp việc dạy và học được tốt hơn.

Có trường lớp khang trang rồi lại lo đến miếng ăn, giấc ngủ. Lo các cháu sẽ bị lạnh khi chuyển mùa, cô Hiền lại đi xin thêm nhiều "mạnh thường quân" khác để mua 100 cái giường, 190 cái mền, 190 áo khoác gió..., rồi xin đóng một cái giếng nước để các em có nước sạch để dùng, đủ cho cả 190 em ở 5 điểm trường lẻ của xã Trà Thanh, giúp phụ huynh an tâm khi gửi con đến trường trong mùa đông sắp tới.

"Xin hỗ trợ nhiều cũng ngại, nhưng rồi thấy các em còn khó khăn quá nên lại tiếp tục làm. Điều đáng mừng là có những người dù tôi chưa từng gặp mặt bao giờ, chỉ liên lạc qua điện thoại, nhưng hằng tháng vẫn gửi về từ 6 – 8 triệu đồng để hỗ trợ thêm cho các em có 2 “bữa ăn sướng” mỗi tuần", cô Hiền chia sẻ.

Lý giải về “bữa ăn sướng”, cô Hiền rướm nước mắt cho hay: Theo chính sách của Nhà nước, mỗi em học bán trú được hỗ trợ tiền ăn 120.000 đồng/tháng. Tính ra mỗi ngày, mỗi cháu có khẩu phần ăn chừng 5.500 đồng, chưa tính tiền gạo. Số tiền quá ít trong khi phụ huynh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, nên khó có khả năng hỗ trợ thêm.

Vì thế, "bữa ăn sướng" của các em là mỗi tuần sẽ có một bữa được ăn bún bò, mì Quảng... từ nguồn tiền của các nhà hảo tâm hỗ trợ. Chỉ mong sao có nhiều sự đóng góp hơn nữa, để các cháu có những bữa ăn ngon hơn, đầy đủ hơn.

Không chỉ vận động kinh phí xây trường, cô Hiền còn xin ở nhiều nơi để hỗ trợ những phần quà cho các em vào dịp năm học mới, Tết Thiếu nhi, tết Trung thu, nhằm tạo niềm vui, động viên, thu hút học sinh đến trường.

Tận tâm chăm lo cho các em, nên dù mới về nơi công tác mới chưa đầy 10 tháng, cô Hiền đã được nhiều phụ huynh đồng bào Cor coi như “người nhà”. Thế nên, chuyện vận động học sinh ra lớp đã là chuyện hiếm ở nơi này. Chị Hồ Thị Hạnh, một phụ huynh có con theo học tại điểm trường mầm non thôn Vuông, chia sẻ: “Mỗi ngày gửi con cho trường của cô Hiền là chúng tôi an tâm để lên rẫy”.

Và... xây những ngôi trường mới

Dù được luân chuyển, công tác ở những nơi khó khăn, nhưng ở bất cứ nơi đâu, cô giáo Hiền cũng luôn trăn trở một điều là làm sao để các cháu có được nơi học tập và điều kiện chăm sóc tốt nhất. Vì thế, cô luôn nỗ lực, không ngại khó, để kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của cả cộng đồng.
 Niềm vui của các cháu khi có trường mới với nhiều đồ chơi.
Niềm vui của các cháu khi có trường mới với nhiều đồ chơi.
Hôm chúng tôi đến Trà Thanh, cô Hiền đang liên lạc với các "mạnh thường quân" để chuẩn bị cho lễ khai móng xây dựng một ngôi trường mầm non mới tiếp theo ở thôn Gỗ. Trường này do một nhà hảo tâm ở TP.Hồ Chí Minh tài trợ, với kinh phí gần 1 tỷ đồng.

Chia tay cô trò ở điểm trường mầm non thôn Vuông, lòng tôi thấy ấm áp lạ thường. Có lẽ vì nơi ấy có những câu chuyện đong đầy tình thương yêu của cô giáo trẻ cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Rồi đây, những ngôi trường mới sẽ được dựng xây và những mầm non sẽ được chăm lo tốt nhất có thể, để con chữ sẽ được tỏa sáng ở vùng cao vốn còn nhiều gian khó này.

Bài, ảnh: HỒNG HOA  
 

.