Nghìn đời "canh cửa" cho Tổ quốc

10:09, 13/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa muôn trùng sóng nước, đạp lên những con sóng dữ, lớp lớp ngư phủ Quảng Ngãi vẫn nối nghiệp nhau, thúc giục, mang theo sứ mệnh cao cả là những người “canh cửa” cho Tổ quốc trong cuộc mưu sinh giữa biển khơi bao la.

Với họ, được lèo lái con tàu ra khơi, bám giữ ngư trường truyền thống cha ông để “canh cửa” cho Tổ quốc là sự kiêu hãnh, là niềm tự hào trước lời dặn của Bác Hồ vốn đã đi vào tâm thức của mỗi ngư dân: "Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc"!

TIN LIÊN QUAN

Ngày đêm... “canh cửa”!

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy, ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”.

Bác còn căn dặn: “Một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Những trăn trở của Bác về chủ quyền biển đảo đã trở thành phương châm hành động đối với ngư dân Quảng Ngãi trong hải trình vượt biển mưu sinh.

Cờ Tổ quốc hiện diện trên nóc tàu như lời nhắc về ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong mỗi ngư dân.
Cờ Tổ quốc hiện diện trên nóc tàu như lời nhắc về ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong mỗi ngư dân.
Ngư dân Đỗ Văn Nho, chủ tàu cá QNg - 90143TS, quê ở xã Bình Châu (Bình Sơn), lúc nào cũng đau đáu trước chuyện tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Có lẽ, người ngư dân này là một trong số hàng nghìn ngư dân tiêu biểu của Quảng Ngãi về tinh thần bảo vệ biển, những người tiên phong trong “canh cửa” cho Tổ quốc trên Biển Đông.

Nhớ lại chuyện năm 2014, ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam, thì ngư dân Nho đã cùng với anh em bạn biển đi trên tàu của mình ngày đêm có mặt tại ngư trường Hoàng Sa. Ròng rã 2 tháng trời, người ngư dân dạn dày sóng gió này đã động viên anh em trên tàu bám trụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan để phản đối hoạt động phi pháp của phía Trung Quốc; đồng thời thường xuyên báo cáo hoạt động của giàn khoan và tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền cho cơ quan chức năng.

Chúng tôi gặp ngư dân Nho ngay sau khi anh đánh bắt cá từ Hoàng Sa trở về. Không giải thích gì nhiều cho những việc làm “canh cửa” của mình trên biển, đảo quê hương, mà anh chỉ “khoe” với chúng tôi Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng với dòng chữ: “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”, rồi cười hiền, chất chứa lòng hào sảng của một ngư phủ.

“Ngày xưa Bác Hồ dặn ngư dân chúng tôi ra khơi bám biển thì phải có trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đi biển ở Hoàng Sa mà gặp các tàu nước ngoài lấn vô vùng biển của Việt Nam là mình báo ngay cho cơ quan chức năng; gặp ngư dân bị tai nạn, máy móc hư hỏng, thì mình cũng nhanh chóng ứng cứu. Mình là ngư dân mà không yêu biển, không biết bảo vệ chủ quyền biển đảo thì sẽ có lỗi với các bậc tiền nhân đã giong thuyền ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền”, ngư dân Nho bày tỏ.
Ngư dân Đỗ Văn Nho (ngồi giữa) được UBND tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ngư dân Đỗ Văn Nho (ngồi giữa) được UBND tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ở những làng biển của Quảng Ngãi, những người tiêu biểu như ngư dân Nho nhiều vô kể. Đó là Nguyễn Sinh Bảnh, Võ Văn Tẩn, ở xã Bình Châu (Bình Sơn); Bùi Văn Phải, ở xã An Hải (Lý Sơn); Võ Tấn Công, ở Phổ Thạnh (Đức Phổ)... Những cái tên mới nghe qua đã quá quen thuộc với những người yêu biển. Trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa lúc nào cũng có sự hiện diện của họ để đánh bắt con cá, con tôm và thực hiện một sứ mệnh cao cả: Canh cửa cho Tổ quốc!

"Mỗi lần đi ra biển, trên cabin tàu của tôi lúc nào cũng có 2 lá cờ - một biểu tượng thiêng liêng của dân tộc được ngư dân trân quý. Mọi thứ có thể thiếu, nhưng cờ Tổ quốc thì phải hiện diện trên nóc tàu như lời nhắc mỗi ngư dân chúng tôi về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Ngư dân BÙI VĂN PHẢI, xã An Vĩnh (Lý Sơn)

Bảo vệ từng tấc biển

Quyết tâm gìn giữ ngư trường, bảo vệ từng tấc biển quê hương cùng tình yêu biển, đảo không vơi cạn đã thôi thúc ngư dân Phạm Bình, chủ tàu QNg - 95797TS, một lòng bám biển. Hơn 20 năm ngang dọc, đạp sóng vẫy vùng nơi ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Bình đã cùng với anh em bạn biển trong tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển cung cấp cho bộ đội biên phòng nhiều thông tin có giá trị, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới biển.

Chỉ vào chiếc áo đang mặc do chính tay mình đặt in có hình bản đồ Việt Nam cùng dòng chữ “Vì Hoàng Sa thân yêu”, ngư dân Bình tự hào: “Cái áo này tôi làm là để nhắc nhở mình và con cháu phải biết bảo vệ, trân quý chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và phải sống có trách nhiệm với biển”.

Hằng ngày, hằng giờ tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa luôn có sự hiện diện của ngư dân Quảng Ngãi.
Hằng ngày, hằng giờ tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa luôn có sự hiện diện của ngư dân Quảng Ngãi.

“Phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”. Từ lời căn dặn này của Bác, Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hướng ngư dân nâng cao ý thức trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo khi hoạt động, hành nghề trên biển.

Tinh thần đoàn kết bám biển, gìn giữ ngư trường luôn được phát huy trong ngư dân. Trên 300 tổ tàu thuyền tự quản, tổ tự quản an ninh nhân dân, tổ đoàn kết sản xuất trên biển của ngư dân cùng các nghiệp đoàn nghề cá được hình thành đã tạo nên “bó đũa” của sức mạnh đoàn kết nơi ngư trường truyền thống, mà không một thế lực nào có thể bẻ gãy.

“Như Bác Hồ đã dặn là ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay chúng ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó. Vậy nên, ngư dân Quảng Ngãi vẫn tiếp nối truyền thống đó, đi khai thác ở các vùng biển khơi xa, trong đó có vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa để phát triển kinh tế và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tiếp nối từ trong lịch sử cho đến tận ngày hôm nay. Phải nói rằng, tinh thần bảo vệ, gìn giữ từng tấc biển cha ông của ngư dân rất mãnh liệt”, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi Phan Huy Hoàng chia sẻ.

Biển bạc của ta do dân ta làm chủ. Và thực sự, ngư dân ta đang làm chủ ngư trường truyền thống của cha ông. Từng ngày, những con tàu của ngư dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục trực chỉ vươn khơi để thực hiện lời dạy của Bác, luôn luôn là những người “canh cửa” cho Tổ quốc và ngàn đời vẫn sẽ là những người “canh cửa” cho Tổ quốc trên Biển Đông.

Mỗi ngư dân là một thông tin viên

Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Cảnh nhìn nhận: “Ngư dân Quảng Ngãi rất tích cực trong việc tham gia đóng góp cho bộ đội biên phòng cũng như các lực lượng chức năng trong việc nắm các hoạt động có liên quan trên biển như tình hình tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền, hoạt động của các loại đối tượng hình sự như mua bán, sử dụng, tàng trữ chất cấm trái phép. Đồng thời, thông tin cho bộ đội biên phòng tình hình tai nạn trên biển để chủ động trong việc nắm tình hình, xử lý thông tin từ ngư dân. Sự đóng góp của ngư dân giúp cho bộ đội biên phòng và các lực lượng liên quan giữ vững chủ quyền an ninh biên giới của đất nước”. 

 

Bài, ảnh: VÕ MINH HUY

 


.