Nghị lực của Nghĩa

03:10, 12/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mang trong mình nỗi đau da cam, nhưng Phan Trọng Nghĩa (24 tuổi) luôn nỗ lực vượt qua số phận để không là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Giờ đây, chàng trai khuyết tật ở miền biển xã Phổ Quang (Đức Phổ) đã đứng vững trên đôi chân của mình và truyền cảm hứng sống đẹp, sống có ích cho mọi người.
TIN LIÊN QUAN

Mười năm liền đạt học sinh khá và một năm nhận học bổng toàn phần của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đó là những thành tích mà chàng trai khuyết tật Phan Trọng Nghĩa đạt được khi còn là học sinh, sinh viên. Còn giờ đây, Nghĩa đang theo đuổi đam mê nhiếp ảnh và vững bước trên đôi chân không lành lặn của mình.

Vượt lên số phận

Tìm về nhà Nghĩa, được nghe câu chuyện đầy nước mắt mà bà Huỳnh Thị Thọ (mẹ Nghĩa) kể lại mới hiểu hết nghị lực của Nghĩa và những khó khăn mà cả gia đình đã phải vượt qua.
Phan Trọng Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) vượt lên số phận bằng nghề nhiếp ảnh.
Phan Trọng Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) vượt lên số phận bằng nghề nhiếp ảnh.
Ông nội và ba của Nghĩa từng là bộ đội, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Đến lúc xuất ngũ, họ chẳng biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Để rồi, chất độc da cam truyền nhiễm vào Nghĩa, người con trai út trong gia đình. Không đành lòng để con "gánh" hết nỗi đau, một thời gian dài sau đó, ba mẹ đã đưa Nghĩa đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, với hy vọng nhỏ nhoi sẽ tìm ra phương thuốc chữa trị giúpNghĩa được lành lặn. “Mãi đến 36 tháng, gia đình biết có chữa trị cỡ nào cũng không thể khác được mới không đưa cháu đi bệnh viện nữa...”, bà Thọ nói mà nước mắt chảy dài.

Những tháng ngày đi học, Nghĩa thu mình lại với mọi người, vì bị bạn bè cùng trang lứa kỳ thị. Ngày đó, con đường từ nhà đến trường phải đi bộ mất vài cây số. Mùa mưa, đường sá trơn trượt, sợ Nghĩa gặp nguy hiểm, ba mẹ dành tiền mua cho em chiếc xe đạp cũ. Thế là, Nghĩa chịu khó tập tành, rồi ngày ngày cùng chiếc xe đạp đến lớp. “Hồi đó, bạn bè trong lớp, trong trường hay gọi em là “Nghĩa quẹo”. Lúc đầu, em cũng thấy buồn, tủi thân, nhưng rồi sau đó em quen dần. Mãi đến khi học cấp 2, dần dần em mới có một vài người bạn. Từ đó, em bớt tự ti và mạnh dạn hơn, tiếp xúc được với nhiều người hơn”, Nghĩa chia sẻ.

 

“Với người bình thường, họ cố gắng một thì em phải cố gắng gấp đôi, gấp ba mới được những bức ảnh làm hài lòng khách... Giờ đây, em chỉ mong mình khỏe mạnh, để theo đuổi đam mê, tự lo cho cuộc sống của mình và đỡ đần cho ba mẹ”.

Chàng trai khuyết tật PHAN TRỌNG NGHĨA.

Nhớ lại những đầu Nghĩa tập tành viết chữ, ba mẹ lại càng thương con hơn, bởi Nghĩa viết nguệch ngoạc, chữ chẳng rõ ràng. Nhưng họ lại tự nhủ "thôi kệ, miễn sao nó cố gắng lên lớp đều đặn là được rồi”. Vậy mà, nỗ lực của Nghĩa đã mang lại cho ba mẹ kết quả ngoài mong đợi.

Mười hai năm ngồi ghế phổ thông, có đến mười năm Nghĩa là học sinh khá. Tốt nghiệp THPT, Nghĩa quyết định thi vào đại học và trúng tuyển cả hai trường là Đại học Công nghệ Thông tin TP.Hồ Chí Minh và Đại học Phạm Văn Đồng. Sung sướng, hạnh phúc, tự hào xen lẫn với những nỗi lo cơm áo, nên gia đình đành cho Nghĩa học tại Quảng Ngãi để bớt nỗi lo chi phí học tập và nhất là để tiện bề chăm sóc con. Không phụ sự kỳ vọng của ba mẹ và những người luôn đồng hành, giúp đỡ, Nghĩa đã nỗ lực nhận được học bổng toàn phần của Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Bà Thọ nghẹn ngào: “Ngày nghe tin cháu nhận học bổng năm đầu tiên ở trường đại học, gia đình vui lắm. Nào có ngờ rằng, cháu tự tập đi, tự học và học giỏi, tôi mừng mà rơi nước mắt”.

Truyền cảm hứng về sự vượt khó

Ra trường, cầm trên tay tấm bằng đại học, Nghĩa đã thử đi xin việc ở nhiều nơi. Song chỗ nào cũng lắc đầu, vì họ cũng bảo “phải có kinh nghiệm”. "Một người lành lặn xin xin đã khó, huống hồ gì em là người khuyết tật", Nghĩa tự nhủ.

Không để ba mẹ lo lắng, Nghĩa đi làm nhân viên thị trường theo lời giới thiệu của bạn bè. Ngày nhận tháng lương đầu tiên chỉ được hơn 3 triệu đồng, Nghĩa vẫn dành một khoản gửi về cho mẹ. Nhưng công việc thị trường nhọc nhằn không phù hợp với một người khuyết tật như Nghĩa, thế là chàng trai đầy nghị lực này đã rong ruổi đi tìm công việc mới và cơ duyên đã đưa Nghĩa đến với nghề nhiếp ảnh, khi gặp một thợ ảnh sẵn sàng chia sẻ hết "ngón nghề".
Mỗi lần về quê, Nghĩa về thường giúp đỡ mẹ những công việc mà em có thể làm được.
Mỗi lần về quê, Nghĩa về thường giúp đỡ mẹ những công việc mà em có thể làm được.
Vốn có chút năng khiếu với nghề chụp ảnh, lại xuất thân là một sinh viên học công nghệ thông tin, nên khi tiếp cận với nghề nhiếp ảnh cũng như chỉnh sửa hình bằng các phần mềm đối với Nghĩa cũng không quá khó. Dù vậy, Nghĩa không ngừng học hỏi thêm những người bạn, người anh trong nghề, để thành thạo hơn với công việc và nắm bắt thị hiếu của khách hàng. “Với người bình thường, họ cố gắng một thì em phải cố gắng gấp đôi, gấp ba mới được những bức ảnh làm hài lòng khách. Đến bây giờ, sau gần ba năm làm nghề ảnh, em cũng có một lượng khách nhất định. Rất nhiều khách yêu quý em không chỉ thương hoàn cảnh mà còn vì em nhiệt tình với nghề, nhiệt tình với mọi người”, Nghĩa bày tỏ.

Hiện nay, Nghĩa đang lên kế hoạch hợp tác với một người anh trong nghề để mở một studio chuyên chụp hình, phát triển công việc và tạo dựng tên tuổi của mình với nghề nhiếp ảnh. Sau gần 3 năm theo đuổi nghề nhiếp ảnh đã giúp Nghĩa thay đổi rất nhiều, mà lớn nhất là Nghĩa đã tự tin hơn về bản thân, tự tin đứng trước mọi người và Nghĩa đã đứng vững trên đôi chân không lành lặn của mình, bằng khả năng và niềm đam mê mà mình đang theo đuổi.

Anh Trần Phan Lân, một người anh đỡ đầu và là đồng nghiệp trong nghề nhiếp ảnh cho hay: “Dù là một người khuyết tật, nhưng Nghĩa có nghị lực rất lớn, luôn chịu khó và rất ham học hỏi. Mình nghĩ rằng, ai đã tiếp xúc, làm việc và biết về Nghĩa thì sẽ lấy đó là một nguồn cảm hứng về cuộc sống, về những con người biết vượt qua khó khăn bằng nghị lực của bản thân”.

Không muốn là gánh nặng cho ba mẹ

Bà Huỳnh Thị Thọ chia sẻ: Ngày trước, đau ốm nó vẫn thường gọi về cho ba mẹ, nhưng bây giờ, đau ốm nó tự lên bệnh viện, tự nhập viện và chăm sóc bản thân. Biết tin, chúng tôi cũng hay la rầy, nhưng Nghĩa bảo: “Con sợ ba mẹ lo, con sợ mình là gánh nặng cho ba mẹ. Ba mẹ đã già rồi, còn sức đâu mà lo cho con nữa. Việc gì tự làm được, con sẽ làm”. Nghe nó nói vậy, tôi và ba nó ứa nước mắt”.


Bài, ảnh: HOÀI BIỆT

 

.