Trở về làng cũ

02:09, 28/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngôi nhà khang trang ở khu tái định cư (TĐC) Anh Nhoi 2, xã Sơn Long (Sơn Tây) cửa đóng im ỉm nhiều tháng trời, có nhà đã được gia chủ sang nhượng cho người khác. Ở bên kia sườn núi sát mép lòng hồ thủy điện Đăkđrinh, những ngôi nhà mới mọc lên. Nhiều người Ca Dong lần lượt rời bỏ khu TĐC để về làng cũ sinh sống.

Người dân nói rằng, ở khu TĐC nhà cửa san sát, điện đường thông thoáng, trường học, y tế đầy đủ, nhưng cái thiếu duy nhất khiến họ phải rời đi là không có đất để sản xuất. Vì thế, họ bán nhà về làng cũ tìm kế sinh nhai...
TIN LIÊN QUAN

An cư tại làng... cũ

Ông Đinh Văn Công, người từng được xem là “hình mẫu” ở khu TĐC khi sở hữu trong tay nhiều hecta rừng keo và đàn bò, dê lên đến cả trăm con. Sau khi nhận tiền đền bù thủy điện, ông Công dùng tiền mua rẫy, bò để làm ăn và nhanh chóng giàu có. Thế nhưng, sau hơn 6 năm về khu TĐC sinh sống, đầu năm 2019, ông Công bán xe ô tô, bán nhà để trở về làng cũ ở.
Hạ tầng giao thông, điện, trường học, y tế đang là điều mà chính quyền xã Sơn Long (Sơn Tây) lo ngại đối với người dân rời bỏ khu TĐC trở về làng cũ.
Hạ tầng giao thông, điện, trường học, y tế đang là điều mà chính quyền xã Sơn Long (Sơn Tây) lo ngại đối với người dân rời bỏ khu TĐC trở về làng cũ.

Đứng bên căn nhà xây dựng dang dở cạnh con suối với đồng ruộng xanh tốt, ông Công cho biết: Ban đầu ở khu TĐC, tôi vẫn đi đi về về giữa nơi ở mới và đất canh tác, nhưng việc đi lại quá khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Mỗi ngày sáng chạy xe máy đi gần 8km đường rừng mới đến rẫy, trưa ăn cơm ở lán trại, chiều tối lại về nhà.

Ngày nào cũng vậy mất gần 30 nghìn tiền đổ xăng, xe thì nhanh hỏng do đường rừng toàn đá trái, rồi lội suối. Không ở lại qua đêm để quản lý trâu bò, không giám sát được tài sản của mình nên rất bất cập. Tôi về đây xây nhà ở để tiện công việc.

Cách nhà ông Công vài trăm mét, phía bên kia ngọn đồi là căn nhà của ông Đinh Văn Điều, phía trước xây dựng kiên cố, phía sau là căn nhà sàn bài trí ngay ngắn. Quanh nhà là trang trại rộng lớn được rào kín bằng lưới B40. Cũng như những gia đình khác nhường đất cho dự án thủy điện Đăkđrinh, ông Điều về khu TĐC sinh sống.

Được vài năm vợ chồng ông bán nhà ở khu TĐC, rồi dắt díu nhau về lại làng cũ xây nhà ở. Ông Điều bảo: Ở khu TĐC ngoài đất làm nhà thì chẳng còn mảnh đất nào để trồng cây chuối, nuôi con gà. Cả ngày, ăn xong thì ra trước hiên... tám chuyện với hàng xóm. “Sướng” lên thì... uống rượu. Con trai ông thấy cha mẹ có tiền sau khi nhận đền bù đâm ra chơi bời, giờ bỏ đi biền biệt.

Chỉ tay về phía đàn bò hơn 20 con đang ăn cỏ, ông Điều cho biết, từ ngày về lại làng cũ sinh sống, ông thấy vui hơn vì vừa có đất sản xuất, vừa thoát được cảnh... sáng xỉn, chiều say. Ngoài đàn bò trị giá cả trăm triệu, ông Điều còn sở hữu gần 5ha keo đang đến tuổi thu hoạch. Cạnh đó, ông xây dựng dãy chuồng gần 100m2 để nuôi heo.

Với căn nhà sàn sạch đẹp nằm giữa một ngọn đồi bao quanh những hàng cau đang cho trái, chị Đinh Thị Hiếu cũng rời khu TĐC về đây sinh sống được hai năm nay. Từ ngày về lại làng cũ, gia đình chị thoát cảnh chạy ăn từng bữa, chồng chị cũng chí thú làm ăn, không còn cảnh nát rượu. Ngoài trồng rừng, làm ruộng, chăn nuôi chị Hiếu còn đầu tư một máy xay xát. Lúc rỗi chị xin đi làm thuê kiếm thêm thu nhập.

“Ở khu TĐC hạ tầng đầy đủ, sướng hơn ở đây rất nhiều. Nhưng ở đó chỉ ăn rồi chơi, chứ không có việc để làm. Phía sau nhà thì sạt lở, mưa đến là nơm nớp lo sợ. Về làng cũ ở, đất rẫy còn lại đủ để mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng. Lúc đói ăn thì chồng mang lưới ra lòng hồ kiếm con cá, con tôm, mình mang cái gùi vào rừng hái được mớ rau, nên hai năm rồi chưa bao giờ lo chuyện thiếu bữa”, chị Hiếu tâm sự.

Ngôi nhà của chị Đinh Thị Hiếu dựng lên bên tuyến đường độc đạo cạnh lòng hồ thủy điện Đăkđrinh.
Ngôi nhà của chị Đinh Thị Hiếu dựng lên bên tuyến đường độc đạo cạnh lòng hồ thủy điện Đăkđrinh.

Cũng như ông Điều, ông Công, nhiều người dân dù được cấp 4.000m2 đất trồng lúa nước ở khu TĐC, nhưng khu đất khô cằn cây lúa không sinh trưởng, phát triển được. Chính quyền xã Sơn Long vận động người dân chuyển đối giống cây trồng từ lúa sang bắp và mì.

Dù vậy, hiệu quả kinh tế của cây bắp và mì rất thấp do đất nghèo chất dinh dưỡng. Nói như Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt, dự án làm khu tái định canh rất... thiếu khoa học, khi bóc hết lớp đất thịt chỉ còn lại đất sắt, thì không có cách nào canh tác được.

“Ở khu TĐC hạ tầng đầy đủ, sướng hơn ở đây rất nhiều. Nhưng ở đó chỉ ăn rồi chơi, chứ không có việc để làm. Về làng cũ ở, đất rẫy còn lại đủ để mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng. Lúc đói ăn thì chồng mang lưới ra lòng hồ kiếm con cá, con tôm, mình mang cái gùi vào rừng hái được mớ rau, nên hai năm rồi chưa bao giờ lo chuyện thiếu bữa”.

Chị ĐINH THỊ HIẾU, ở khu TĐC Anh Nhoi 2, xã Sơn Long (Sơn Tây).

Canh cánh những nỗi lo

Những ngôi nhà mới khang trang mọc rải rác trên tuyến đường độc đạo dẫn về khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh; những hộ dân di cư đã cơ bản ổn định cuộc sống, song vẫn còn đó rất nhiều nỗi lo. Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết: Tình trạng người dân rời bỏ khu TĐC trở về làng cũ xuất hiện vài năm trở lại đây. Xã biết, nhưng đành chịu vì vận động cách nào khi mà ở TĐC người dân không có kế sinh nhai. Nơi nào tốt hơn thì người dân tìm đến ở, người dân có quyền lựa chọn cuộc sống riêng của họ.

“Toàn khu TĐC có 33 hộ dân, nhưng đến nay đã có 8 trường hợp rời bỏ khu TĐC về nơi ở cũ, 3 trường hợp chuyển đến xã khác để ở. Nhiều trường hợp khác thì chưa bán nhà để chuyển hẳn về nơi ở cũ, nhưng họ đã dựng lại nhà và vài tuần đến vài tháng mới xuống khu TĐC để thăm nhà. Cứ đà này, vài năm nữa khu TĐC vắng bóng người là khó tránh khỏi”, ông Vượt cho hay.

Ông Đinh Văn Điều bên đàn bò trị giá hàng trăm triệu đồng, tài sản mà ông có được sau nhiều năm rời bỏ khu TĐC để về làng cũ sinh sống.          Ảnh: N.Viên
Ông Đinh Văn Điều bên đàn bò trị giá hàng trăm triệu đồng, tài sản mà ông có được sau nhiều năm rời bỏ khu TĐC để về làng cũ sinh sống. Ảnh: N.Viên

Mặc dù các hộ dân di cư tự do đã an cư, song ông Vượt bảo tới đây sẽ có nhiều nỗi lo mà ai cũng nhận thấy. Đó là đường sá đi lại khó khăn, điện thì dựng trụ xong hai năm rồi không kéo dây, trường học tạm bợ, y tế không có. Xã kiến nghị mãi, nhưng không được, vì thủy điện không giải ngân để xây dựng hạ tầng dân sinh. Người dân về lại quê cũ ngày càng nhiều thì phát sinh thêm nhiều hệ lụy khác.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết: Tình trạng người dân rời bỏ khu TĐC có nhiều lý do, như theo phong tục tập quán thì sau khi trong gia đình có vợ hoặc chồng chết, thì người dân không ở nhà đó nữa nên bán, hoặc vợ chồng li dị nên bán nhà, về nơi ở cũ sống.

Có trường hợp do việc đi lại giữa nơi ở và đất sản xuất quá xa nên ban đầu là làm lán trại nhỏ ở, dần dà quen với cảnh làng cũ nên ở lại luôn và bán nhà ở khu TĐC. Song nguyên nhân chính vẫn là do thiếu đất sản xuất.

“Ở khu TĐC tất cả hạ tầng đồng bộ đảm bảo sinh hoạt cho người dân, nhưng người dân vẫn bỏ khu TĐC để trở về làng cũ. Bất cập từ thiếu đất sản xuất là do trước đây khi đền bù, Công ty CP thủy điện Đăkđrinh đề nghị sử dụng một phần số tiền đền bù để mua lại đất và cấp cho người dân sản xuất, song người dân không đồng ý mà yêu cầu trả bằng tiền mặt, nên giờ hết tiền, không có đất sản xuất mới nảy sinh tình cảnh này”, ông Ven lý giải.

Không có tư liệu sản xuất, nên đến mùa giáp hạt người dân lại rơi vào cảnh thiếu ăn. Nhiều người hiện vẫn cố bám trụ lại khu TĐC, nhưng trong thâm tâm họ bắt đầu ý nghĩ bán nhà ở khu TĐC để về làng cũ...


 Bài, ảnh: LÊ ĐỨC



 

 


.