Nâng bước cho mầm non

09:11, 19/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên vùng cao nhiều khó khăn của Quảng Ngãi, bây giờ không còn nhiều hình ảnh những đứa trẻ ngày ngày theo mẹ lên rẫy nữa, mà chúng đã được mẹ cha đưa đến trường. Trong tình cảm yêu thương, sự nhiệt tình đối với nghề nghiệp của những cô nuôi dạy trẻ, chúng đã dần lớn lên…

TIN LIÊN QUAN

Mỗi cháu có mỗi hoàn cảnh, tính nết khác nhau nên các cô giáo dạy mầm non phải linh hoạt trong cách dạy dỗ cho trẻ những thói quen tốt để hình thành nhân cách đầu đời của con người.
 
Cô giáo như mẹ hiền

Sáng sớm mùa đông, mặc dù mưa giăng khắp đỉnh đồi, nhưng phụ huynh các xóm Suối, làng Trùm, Tà Màu, Gò Rộc ở xã Sơn Trung (Sơn Hà) lần lượt đưa con mình đến trường. Cô giáo Mai Thị Phượng ở Trường Mầm non Hoa Mai vội đón các cháu từ tay phụ huynh đưa vào lớp học.  Thấy các cháu mặc đồ mỏng, mưa ướt nhẹp, cô Phượng vội vào lấy khăn lau mặt, chân tay cho các cháu để phòng nhiễm lạnh. Rồi cô vội vàng mở tủ lấy quần áo khô thay cho từng cháu. Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Lành  lấy lược chải đầu, cột bím tóc cho các cháu gái. Lớp học trở nên ấm áp. Cô Phượng  bắt nhịp cho các em hát bài “Ngày đầu tiên đi học”. Thanh âm chưa tròn, nhưng trên gương mặt của các cháu đều rạng rỡ niềm vui.

Xã Sơn Trung thuộc vùng khó khăn của huyện Sơn Hà. Thường ngày bà con lên rẫy, ra đồng và trường mẫu giáo chưa có, nên các cháu nhỏ được mẹ địu trên lưng. Lớn lên một chút thì cũng phải theo mẹ lên rẫy. Bây giờ ở đây đã có trường mẫu giáo, nhưng theo cô Phượng thì đường đến trường học khá xa. Muốn trẻ em học hai buổi/ngày, buộc phải ở bán trú, mỗi cháu phải tốn phí khoảng 15.000 đồng/ngày, nên nhiều phụ huynh không muốn cho con đến trường, mà dẫn chúng lên rẫy. Chính vì thế lớp học ở trường chính đã thưa, các điểm trường lẻ như làng Trùm, Gò Rộc, Tà Màu càng vắng hơn.

Cô giáo Lành kể: “Buồn hơn là có năm rơi vào thời điểm chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam mà sĩ số trẻ đến trường vắng nhiều, nên cô nào cũng chạnh lòng, nghĩ: Ngày nhà giáo mà không có trẻ đầy đủ thì làm sao vui được nên các cô giáo cùng bàn bạc, xin ý kiến của chính quyền thống nhất để nợ cho những phụ huynh diện nghèo khó. Khi vận động, các cô thường nêu những tấm gương trong làng nhờ có chữ mà cuộc sống khá hơn, biết sống nghĩa tình cho bà con hiểu ý nghĩa của việc học...

 

Các cô giáo mầm non đã sáng tạo làm những góc học tập, góc vui chơi cho trẻ, tạo môi trường thân thiện tích cực.
Các cô giáo mầm non đã sáng tạo làm những góc học tập, góc vui chơi cho trẻ, tạo môi trường thân thiện tích cực.


Được gợi mở, nhiều hộ gia đình ra sức làm ăn, đưa trẻ đến trường ngày càng đông. Gia đình nào có tiền thì đóng tiền cho con cả tháng. Có gia đình nghèo nhưng cố gắng không để nợ, mà trả theo ngày. “Nhiều chị vừa trao tay con mình cho cô giáo, thì gửi luôn 15.000 đồng chế độ ăn uống bán trú trong ngày cho con”, cô Phượng kể lại.

Hiểu được hoàn cảnh từng cháu, các cô giáo ở Trường Mầm non Hoa Mai Sơn Trung đã phân công nhau chăm sóc trẻ. Cô đi quyên góp quần áo tạo thành tủ đồ dự trữ cho trẻ mặc ấm trong mùa đông; cô giúp cho trẻ biết vâng lời cha mẹ, biết yêu thương, đùm bọc, quan tâm, san sẻ, nhường nhịn nhau... Cô giáo Phượng khoe: “Năm rồi, ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, hay ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 vừa qua, trong giờ hoạt động ngoài trời các cháu đã hái những bông hoa nhỏ, li ti nhiều màu sắc, kết lại thành bó tặng cho các cô. Cầm nắm hoa dại nhỏ, cô nào cũng nghẹn ngào, hiểu được tấm lòng của trẻ thơ đối với cô giáo...
 
Tạo môi trường thân thiện

5 giờ sáng, Sơn Tây còn chìm trong sương lạnh. Trời tối om. Mọi người vẫn còn trong chăn ấm.  Nhưng 3 cán bộ cấp dưỡng ở Trường Mầm non Hương Cau, xã Sơn Dung đã có mặt ở trường. Điện sáng các gian bếp. Các chị tất tả làm những món ăn cho các cháu.  Cô Phạm Thị Thu Thủy, chia sẻ: Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, 3 chị em phân công nhau, người đón chợ “di động” từ miền xuôi lên để  mua thực phẩm, người dọn vệ sinh bếp núc, chế biến thức ăn. Khoảng hơn tiếng đồng hồ, các cô hoàn thành món cháo dinh dưỡng, có đầy đủ rau xanh, thịt, hạt sen...  để khi những đứa trẻ đến trường là có ngay bữa sáng.

Cô Nguyễn Thị Xuân Cẩm nhìn nồi cháo còn nghi ngút khói, giải thích: Ăn buổi sáng rất quan trọng đối với trẻ. Đặc biệt là trẻ vùng cao này, cha mẹ các em ít biết cách chăm sóc nên sáng nào các cô cũng phải linh hoạt đổi món, nhưng phải đảm bảo đủ lượng rau xanh, chất đạm... Nếu sáng các cháu ăn cháo thì trưa phải có món thịt bò hầm hạt sen, gà nấu nấm, thịt nấu lagu...

 

 Dạy cho trẻ những thói quen đầu đời, biết lao động chân tay, biết chăm sóc môi trường thân thiện.
Dạy cho trẻ những thói quen đầu đời, biết lao động chân tay, biết chăm sóc môi trường thân thiện.

Dù không tin được ở tận non cao này lại có đầy đủ nguồn dinh dưỡng từ sông, biển, đồng bằng, miền núi... nhưng nhìn nồi cháo thơm ngon, chất lượng đã thuyết phục được chúng tôi.

Bây giờ, chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non có phần khá hơn trước. Nhưng tình yêu thương của những cô giáo mầm non ở vùng cao vun vén cho các cháu vẫn nguyên vẹn như người mẹ hiền thuở nào.  Cô giáo Huỳnh Thị Thu Thủy - Trường Mầm non 11.3 Ba Tơ, kể: Ngày trước chế độ cho trẻ thấp lắm, nhưng cấp trên lại yêu cầu các cháu phải đảm bảo cân nặng, chiều cao. Chị em ai cũng lo ngại, tính toán kinh phí, rồi phân tích: Giờ các cháu đều có hoàn cảnh khó khăn, chế độ hỗ trợ không nhiều nên phải cho trẻ ăn no, chưa nghĩ cho trẻ ăn ngon được. Thế rồi, những xách bánh gói, cháo đậu... từ bàn tay các cô thay phiên nhau chế biến, tăng cường cho trẻ ăn nhiều bữa. Tận dụng các loại trái cây rẻ tiền, nhưng bổ dưỡng như chuối ở địa phương cho trẻ ăn dặm... Chính nhờ sự tận tụy chăm sóc bằng tấm lòng, tình yêu thương của các cô, mà các cháu khỏe mạnh, hoạt bát...

Là phụ nữ, các cô còn phải lo chuyện gia đình, con cái. Thế nhưng, cứ hoàn thành mọi việc thay vì ngả lưng nghỉ trưa, hay xem phim ảnh, chuyện trò cùng gia đình, thì các cô lại đi tìm những phế liệu như: Chai nhựa, lon bia, lốp xe... để chế tạo thành những đồ chơi bắt mắt cho trẻ.

Đến Trường Mầm non 17.3 thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) ai cũng trầm trồ trước khung cảnh nên thơ đầy hoa lá, chim muôn ở trường. Một khung cảnh như trong truyện cổ tích được các cô dựng lại cho các em hiểu. Nào hoa lá, cỏ cây, nào con vật, thú hiền, nàng tiên giúp trẻ lạc đường... Vào bên trong các gian phòng, hình ảnh ở các góc học tập, thư giãn, trò chơi dân gian cũng thật sống động, nhiều màu sắc, khá phù hợp với tuổi thơ. “Môi trường thế này là nhờ công lao của các cô. Cô nào cũng yêu trẻ nên tự sáng tạo trò chơi, tạo hình ảnh những câu chuyện cổ tích để giúp cho trẻ hình dung, tạo môi trường thân thiện, tích cực để trẻ xem đây là mái nhà chung vui chơi, học tập thoải mái mỗi khi  đến trường”, cô giáo Trần Thị Thúy Kiều - Hiệu trưởng nhà trường, nói.

Cô Phạm Thị Thanh Hà - Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT), nhận định: “Một đời người, một rừng cây”.  Nếu cây không được chăm bón từ lúc còn mầm non thì khó nên rừng. Trẻ em cũng vậy, nếu không chăm sóc cẩn thận từ miếng ăn, giấc ngủ, hình thành thói quen, nếp sống cho trẻ ngay từ những ngày đầu thì khó nên người. Bằng cả tình yêu thương của mình, các cô  nuôi dạy trẻ ở vùng cao trong tỉnh như người mẹ hiền, âm thầm dành tất cả tâm huyết của mình để nuôi dưỡng các cháu, góp phần hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi... Đây là món quà ý nghĩa dành tặng cho các cô và cả ngành giáo dục trong ngày 20.11 năm nay.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.