TIN LIÊN QUAN |
---|
Những ngày nay, công đoạn cho những trái đu đủ “nhả chữ” của ông Nguyễn Thiệt ở tổ 13, phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) đang trong giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị xuất bán ra thị trường. |
Chữ được in trên trái đủ đủ rất phong phú như: “Vạn sự như ý”, “Phát tài”, “Phát lộc”,… với quan niệm mang đến sự may mắn trong năm mới. |
Theo ông Thiệt, việc trồng và tạo hình bonsai cho cây đu đủ để cung ứng thị trường trong dịp Tết được ông áp dụng từ nhiều năm nay, song, đây là năm đầu tiên ông mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật để tạo chữ lên trái trên 150 gốc đu đủ. |
Thay vì được dùng khuôn ép và tạo hình như những loại quả thường thấy trong dịp Tết, đu đủ “nhả chữ” được ông Thiệt học hỏi và sử dụng kỹ thuật mới với cách tạo chữ và tạo màu hoàn toàn bằng ánh sáng mặt trời tự nhiên. Tuy nhiên, để có được sản phẩm đu đủ in chữ “có một không hay” phải sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp và tốn rất nhiều thời gian, công sức. |
“Trái được chọn để tạo chữ phải là những trái đều đặn không khiếm khuyết. Khi trái được 3 tháng mình sẽ sử dụng kỹ thuật áp chữ bằng cách sử dụng loại túi giấy đặc biệt có mẫu chữ để bao trái cẩn thận. Sau 1 tháng rưỡi bao trái, phần trái bị che chắn ánh sáng mặt trời sẽ chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Riêng chỗ có chữ, do ánh sáng xuyên qua sẽ hiện lên những chữ màu xanh đậm theo ý muốn”- ông Thiệt chia sẻ. |
Ngoài việc áp dụng những kỹ thuật phức tạp, cần phải xem xét đưa chữ lên vị trí nào của trái cho phù hợp. Nhất là, khoảng cách giữa các chữ phải cân đối, nếu không sản phẩm sẽ không đạt yêu cầu về thẩm mỹ. Và trong thời gian bao trái, phải chăm sóc cẩn thận, nếu không chăm sóc cẩn thận trái côn trùng vào cắn phá sẽ dễ khiến trái bị hư hỏng. |
Các dịp Tết Nguyên đán những năm trước, sản phẩm đu đủ bonsai của gia đình ông Thiệt thu hút rất nhiều người lựa chọn mua với giá từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/cây. Năm nay, với cách tạo hình và in chữ độc đáo lên trái ông Thiệt hy vọng sẽ mang lại sự độc lạ cho thị trường Tết ở Quảng Ngãi và kỳ vọng giá cả sẽ cao hơn mọi năm. |
H.P