Quế Quảng, một thời xuất khẩu muôn nơi

02:09, 16/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cây quế là một trong những thổ sản quý được nhà vua cho khắc hình tượng trên Nghị đỉnh. Quế là mặt hàng đóng vai trò chủ đạo, tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với các thương lái trong nước và quốc tế từ nhiều thế kỷ trước. 
 
[links()]
 
Mặt hàng quý hiếm 
 
Theo tài liệu từ cuốn sách Souvenir de Hue của Michel Đức Chaigneau, một người con mang hai dòng máu Pháp - Việt, vào nửa đầu thế kỷ XIX, trước khi người Pháp biến cả xứ Cochinchine (Trung Kỳ và Nam Kỳ) làm thuộc địa, vùng này là xuất xứ đủ loại đặc sản đường, cau, bông sợi, bắp, quế, tiêu, chàm... Trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rằng: “Quế là thổ sản được sản xuất ở hai nguồn Thanh Cù (Sơn Hà) và Thanh Bồng (Trà Bồng) có ít dầu mà vị bạc. Quế cho năng suất cao và chất lượng tốt, hằng năm có thể khai thác từ 300 - 400 tấn vỏ quế để xuất khẩu”.
 
 Các sản phẩm làm từ cây quế ở huyện Trà Bồng được trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng.  Ảnh: NHỊ PHƯƠNG
Các sản phẩm làm từ cây quế ở huyện Trà Bồng được trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG
Quế Quảng trở thành mặt hàng quý hiếm mà Triều Nguyễn hoàn toàn nắm độc quyền mua bán cho thương lái nước ngoài với số lượng nhất định, nếu dư thì mới bán ra bên ngoài. Việc thu mua quế do triều đình xuất vốn, thực hiện liên tục từ 1835 - 1842, dưới sự giám sát, quản lý của Ty Hành nhân, Ty Tào chính thuộc Bộ Hộ và Viện Đô sát. 
 
Sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ  kỷ XII, tập 17 và tập 18 chép rằng: Nửa cuối năm 1835, Minh Mạng năm thứ 16, sai Bộ Hộ, Viện Đô sát mỗi nơi chọn lấy hai thuộc viên đi đến hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi lấy tiền công phát trước cho các hộ làm đường và các hộ bóc quế do triều đình xuất vốn, hộ nào muốn xin lãnh tiền hay thóc đều cho tùy tiện (Quảng Nam đường cát 70 vạn cân, Quảng Ngãi 80 vạn cân; mỗi tỉnh quế chi đều 20.000 cân). Năm 1836, Minh Mạng năm thứ 17, triều đình đứng ra mua đường và quế là thổ sản hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Hằng năm thường phái Bộ Ty và Khoa Đạo đến hiệp đồng làm việc. Đặc biệt, từ thời Gia Long đến thời Pháp thuộc (trước năm 1945), cây quế được đánh vào thuế đầu nguồn và thuế đinh. Ai nộp quế (thuế sản vật) thì được miễn trừ thuế đinh.
 
Xuất khẩu quế sang các nước
 

Cây quế có tên khoa học cinnamomum comphoraness, cao khoảng 10m, thân to, lá mọc đối, dày. Hoa quế nhỏ, nở vào mùa thu. Quả nhỏ, hình bầu dục giống quả xoan. Quế quý nhất ở giá trị dược liệu. Quế nổi tiếng ở các châu Trà My (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi) gọi chung là quế Quảng, Thanh Hóa gọi là quế Thanh, Quỳ Châu (Nghệ An) gọi quế Quỳ, nhưng được xuất cảng nhiều là quế Quảng.

Để thu mua quế và các sản vật từ núi rừng ở các làng người Cor, từ Cổ Lũy, Thu Xà, nhiều thương lái người Việt, khách trú người Hoa có những đội buôn lên các vùng cao giáp giới vùng đất Sơn Hà, Trà Bồng ở Châu Ổ, Đồng Ké, Thạch An, Xuân Khương, An Hòa, Kim Thành (Bình Sơn) để đặt cơ sở thu mua quế, đồng thời mang lên vùng cao bán các đồ thiết yếu vải vóc, chiêng ché, cườm, trâu cho người dân vùng cao... Có những nhóm người chuyên đi đến từng nhà dân ở vùng cao để thu mua quế.

 
Theo thống kê của Địa bạ Quảng Ngãi, năm 1910, 660 người dân làng Xuân Khương buôn bán quế, sáp ong, song mây. Sau quá trình thu mua, quế được chuyển về Thu Xà theo đường sông Trà Khúc và sông Vệ để nhà buôn chuyển ra Bắc, vào Nam và xuất khẩu, phần lớn bán sang Trung Hoa. Trong đó, con đường thuận tiện và gần nhất là từ nguồn Thanh Bồng xuôi theo sông Trà Bồng để ra cửa Sa Cần, ra cảng Faifoo (Hội An) rồi xuất cảng sang các nước. Cuốn Địa dư tỉnh Quảng Ngãi của các tác giả Nguyễn Đóa, Nguyễn Đạt Nhơn có viết: "Món hàng xuất cảng quan hệ nhất của tỉnh Quảng Ngãi là đường. Nơi xuất cảng nhiều hơn hết là cửa Cổ Lũy... Sâm và quế thì bán ở cửa Sơn Trà (Sa Cần), muối thì cửa Sa Huỳnh”.
 
Qua các nguồn tư liệu, vai trò của triều đình Nguyễn được làm rõ trong quản lý, thu mua, định giá các nguồn thổ sản quý, tránh sự độc quyền, ép giá của các thương lái người Hoa, ban hành chính sách khuyến khích người dân phát triển các thế mạnh nông nghiệp, chính sách mở cửa giao thương với các nước của Triều Nguyễn. Đồng thời, ở đây có sự mặc định vùng, khu vực và loại hàng hóa thịnh hành được buôn bán, trao đổi và hai cửa biển Sa Cần, Cổ Lũy là nơi xuất cảng chính của quế. Từ đó, làm sáng tỏ quá trình giao thương giữa đồng bằng và vùng thượng, nghề buôn trên biển giữa Quảng Ngãi với Nam Kỳ, Bắc Kỳ và các nước thịnh đạt từ rất sớm.
 
TẠ HÀ
 

.