(Báo Quảng Ngãi)- Có dịp đến huyện Trà Bồng, nhiều người thích thú khi thưởng thức món canh cò ke. Món ăn này không chỉ có tên gọi thú vị, mà còn có hương vị thơm ngon đặc trưng.
[links()]
Người dân ở huyện Trà Bồng cho biết, cò ke là phần ở bên trong thân cây khoai môn mọc theo dòng nước hai bên bờ suối. Cò ke có quanh năm. Người dân đi dọc hai bên bờ suối để hái những đọt cò ke. Cũng giống như rau dớn, cò ke mọc tự nhiên, hoang dã nên được xem là rau sạch. Nhiều người hái cò ke về bán cho thương lái, giá từ 5 - 10 nghìn đồng/bó.
Bát canh cò ke nấu với xương heo đậm đà hương vị thơm ngon, bổ dưỡng. |
Nhiều người dân vùng cao khi nhắc đến cò ke thường nói về món canh cò ke nấu với gạo tấm. Để nấu canh cò ke với gạo tấm, sau khi bắc nồi lên bếp khử dầu với hành tím cho thơm, rồi cho thêm nước, gạo tấm vào nấu đến khi những hạt gạo tấm nở ra chín mềm. Tiếp đến, cho cò ke vào nấu chín rồi nêm nếm gia vị. Món canh cò ke nấu gạo tấm không thể thiếu lá lốt xắt nhỏ. Món canh cò ke nấu gạo tấm hấp dẫn bởi hương vị hòa quyện của những hạt gạo tấm mềm, cò ke béo bùi và mùi thơm dịu của lá lốt.
Cò ke có thể nấu cùng với thịt hoặc xương heo, rất bổ dưỡng. Xương heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn rồi cho vào nồi nấu đến khi xương chín mềm, sau đó cho cò ke vào. Món canh cò ke nấu xương thêm phần đậm đà với nắm lá ngò gai xắt nhỏ. Món cò ke còn có tên gọi khác là tầm phục. Đây là món ăn dân dã, truyền thống, bổ dưỡng với người vùng cao. Khi chia tay, những người dân ở vùng cao hiếu khách hẹn lần sau mời thưởng thức món canh cò ke dân dã. Món canh cò ke đậm đà hương vị núi rừng cứ thế vương vấn người từ miền xuôi.
BẢO HÒA