(Báo Quảng Ngãi)- Di tích lịch sử nơi diễn ra Hội nghị liên tịch các tỉnh Nam Trung Kỳ (từ ngày 2 - 12/7/1945) tại xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
[links()]
Sự kiện lịch sử quan trọng
Di tích địa điểm Nhà ông Lê Chương, ở thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình là nơi diễn ra Hội nghị liên tịch các tỉnh Nam Trung Kỳ năm 1945. Tấm bia di tích ghi rõ: “Vào tháng 7/1945, được sự tín nhiệm và ủy thác của các tỉnh đảng bộ, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã triệu tập hội nghị liên tỉnh gồm: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Hội nghị nhằm nhận định tình hình, bàn biện pháp thống nhất hành động, quyết định lấy Quảng Ngãi làm trung tâm cho phong trào cách mạng của các tỉnh Nam Trung Kỳ; cử Ban liên lạc làm nhiệm vụ Xứ ủy và thông qua dự thảo kế hoạch tổng khởi nghĩa toàn miền. Hội nghị được nghe đồng chí Tố Hữu - đặc phái viên của Trung ương Đảng truyền đạt một số vấn đề về chính sách, sách lược của trung ương, đồng thời cử đại biểu dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào”.
Bia chỉ dẫn ghi dấu sự kiện nơi tổ chức Hội nghị liên tịch các tỉnh Nam Trung Kỳ tại xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh). |
Di tích này còn là nơi ghi dấu tình đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để thống nhất hành động giữa Quảng Ngãi và các tỉnh ở Nam Trung Kỳ nhằm đánh đổ phát xít Nhật và bè lũ tay sai để giành chính quyền về tay nhân dân vào tháng 8/1945.
Phát huy giá trị di tích
Lúc bấy giờ, nhà ông Lê Chương được Tỉnh ủy chọn làm nơi tổ chức Hội nghị liên tịch các tỉnh Nam Trung Kỳ, đây là cơ sở cách mạng tin cậy của Huyện ủy Sơn Tịnh. Cuộc họp ngày ấy được tổ chức vào ban ngày nhằm thuận lợi cho công tác cảnh giới và canh gác. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Bình Nguyễn Bạc cho biết, ngày ấy địa điểm nhà ông Chương dân cư thưa thớt, núi rừng bao bọc nên các đồng chí tham dự hội nghị liên tịch ra, vào an toàn hơn, khi có động thì dễ dàng thoát vào rừng. "Ngày ấy, tôi còn rất bé, chỉ nhớ ngôi nhà của gia đình có nhà chính và nhà ngang ba gian rộng rãi. Tôi nghe người lớn kể lại về sự kiện lịch sử từng diễn ra tại nhà mình, thế hệ con cháu trong gia đình luôn tự hào về điều này", bà Lê Thị Cúc (89 tuổi), con gái ông Lê Chương, kể lại.
Để lưu dấu sự kiện lịch sử trọng đại này, chính quyền địa phương đã làm bia chỉ dẫn, khoanh vùng bảo vệ di tích. Đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, noi gương thế hệ cha ông để ra sức học tập, lao động, cống hiến xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia
Di tích địa điểm nhà ông Lê Chương đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, Sở VH-TT&DL đang hoàn tất hồ sơ để đề nghị Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích địa điểm nhà ông Lê Chương là di tích lịch sử cấp quốc gia.
|
Bài, ảnh: KIM NGÂN