(Báo Quảng Ngãi)- Hình ảnh “Tổ quốc tôi như một con tàu” như hiện lên rõ hơn khi đứng ở đảo Lý Sơn nhìn ra Biển Đông. Mênh mông sóng nước trùng khơi một con tàu rẽ sóng vượt xa với lớp lớp gió giông, bão tố va đập của thiên nhiên và cả lòng người.
Hình ảnh một con tàu đang rẽ sóng ra khơi khi đứng nhìn từ đảo Lý Sơn hình như đã “vận” vào số phận định mệnh của dân tộc ta ở hai chiều quá khứ và tương lai. Số phận của một dân tộc, đất không rộng lắm, người không đông lắm, đến đầu thế kỷ XXI mới bước qua ngưỡng nước có thu nhập trung bình đã từng, đang và sẽ mãi ở cùng Biển Đông.
Chở mùa xuân ra đảo. ẢNH: TL |
Đứng trên đỉnh núi Thới Lới, tôi nhìn ra biển. Mùa lặng sóng. Mặt trời lên chói lòa rạng rỡ. Biển lộng lẫy trong ánh bình minh đỏ rực. Biển xanh biếc trong ánh nắng ban trưa. Và biển dịu dàng tím lại khi trời đổ bóng hoàng hôn. Biển là một phần quê đau đáu của tôi với những cánh buồm nâu, buồm trắng nhấp nhô, với mỗi cơn gió nồm mát rượi thổi căng bầu trời mùa hạ cao xanh, với mùi thơm cá trích, cá chuồi nướng lan tỏa trong đêm, với thìa nước mắm cốt đậm đà thít tha đầu lưỡi... Chưa dứt trong tôi lời hát ru buồn của những người đàn bà làng chài giữa mênh mang gió biển thổi vào: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”.
Người Việt Nam thường vận núi sông vào tình cảm con người, hay mượn rừng biển để bày tỏ cái kín đáo ủ giữa tâm can. Đứng ở đảo Lý Sơn hôm nay tôi chợt nhớ đến hai câu cuối bài thơ Linh Giang Hải tấn: “Ký nam thánh hóa hằng nhu viễn/ Khẳng hạn phong cương ngoại đạo vi (Dịch nghĩa: Bậc thánh nhân đi giáo hóa đến miền Nam để vỗ về phương xa/ Không vì ngoài biên cương hiểm trở mà bỏ người dân nơi hải đảo này) của vua Lê Thánh Tông năm 1471 khi đi đánh Chiêm Thành đã tức cảnh sinh tình đưa bút phác nên bài thơ.
Chao ôi, từ thời xa xưa biên cương biển đảo đã là mối toan lo vời vợi của cha ông. Rồi vào nửa đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn tổ chức Hải đội Hoàng Sa lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi đi thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Cân nhắc cương nhu để nghĩ ra những kế sách và tập trung nhân tài vật lực nhằm giữ gìn giang sơn bờ cõi mãi là việc phải làm, nên làm, đặng cho xứng với Tuyên ngôn Đại Việt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư...
Tôi ghé qua đình làng An Hải, di tích lịch sử liên quan đến Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, thắp nén nhang thơm ở Âm linh tự nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa – Trường Sa cùng lớp lớp ngôi mộ gió. Đến đâu cũng gặp cuộc sống Việt, tâm hồn Việt, tinh thần Việt tỏa sáng. Tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi nghe giữa trùng khơi biển đảo Lý Sơn càng thân quen, thương mến.
Những gì bình thường nhất ở đất liền khi ra đảo cũng làm ta rưng rưng. Đứng nơi đầu sóng ngọn gió, mỗi người dân trên đảo là một cột mốc sống của cương vực bờ cõi. Họ bất chấp hiểm nguy để ngày ngày khẳng định lãnh hải không thể chối cãi của đất nước trên một vùng trời nước mênh mông.
Lý Sơn, nơi mà mỗi hạt cát đều mang linh hồn của những con người bất tử trong đội hùng binh Hoàng Sa. Để trong khao khát ngàn đời, trong giây phút linh thiêng của đất trời chuyển giao một năm mới sang tôi nghe đâu đó có tiếng vọng của hồn gió và sóng biển, lời của triệu người rưng rưng trước anh linh tiên tổ giữa sóng biển trùng khơi.
Tổ quốc trên hết! Nói theo cách của triệu triệu người con đất Việt hôm nay là thế. Cùng với hơn 2 vạn dân trên đảo Lý Sơn, triệu triệu con tim đất Việt cùng một lòng giữ trọn biển, đảo quê hương trên một con tàu lớn giữa mênh mông sóng cả. Ở trên hòn đảo tiền tiêu này, tôi nhìn thấy con tàu Tổ quốc vẫn rẽ sóng tiến ra khơi...
THỦY VŨ