Đá ong trong ký ức

02:11, 03/11/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đá ong là loại đá mà nay nhiều người đã quên lãng, thậm chí không hề biết đến. Nhưng thuở xưa đó là loại đá quen thuộc, thân thiết với đời sống con người.

TIN LIÊN QUAN

Có lần tôi đến làng cổ Đường Lâm ở đồng bằng Bắc Bộ, thật đáng ngạc nhiên là làng cổ gắn với kiến trúc đá ong. Ở Hà Nội thời mở cửa không thiếu gì những vật liệu hiện đại, nhưng có quán xài toàn đá ong. Đi đâu rồi cũng nhớ về Quảng Ngãi, tôi lại nhớ cái đá ong quê mình.

Ở quê tôi, có một cái núi nhỏ người dân quen gọi núi Đồi. Dọc đường xe lửa, sau năm 1975, người ta chặt đá ong khắp nơi. Thời ấy sau chiến tranh, gạch nung hạn chế, xi măng quá thiếu thốn, người ta làm vách tường nhà chủ yếu bằng đá ong.

Đá ong dựng vách nhà, xi-măng chỉ dùng hạn chế làm “mạch hồ” kết dính những viên đá với nhau, còn thì “da đá” cứ bày ra lỗ chỗ như tổ ong. Dựng thành giếng từ trên xuống đáy giếng với hình cong tròn cũng bằng đá ong, không cần mạch hồ vì tự thân các phiến đá ganh tròn với nhau là đủ.

 Một ngôi nhà đá ong còn sót lại.
Một ngôi nhà đá ong còn sót lại.

Lớn lên tôi biết thêm rằng đá ong chính là sự “fe-ra-lit hóa” (sắt hóa) của đất. Đá ong mềm, dễ chặt hơn các loại đá khác, trong điều kiện thuở xưa công cụ rất đơn sơ, nên rất thích hợp. Tôi từng tận mắt xem ông anh chặt đá, với cái rìu và cái cuốc “bứng”. Anh chặt viên đá thành một hình chữ nhật, dài độ 4 tấc, ngang độ 2 tấc, xong rồi “bứng” đá khỏi tảng. Có viên “bứng” được ngay hàng thẳng góc, nhưng cũng có viên “bứng” bị sứt sẹo đâu đó, phải dùng rìu róc “dọn” thêm cho ngay thẳng.

Không chỉ ở chỗ núi Đồi, mà rộng hơn, ở núi Quán Lát, xã Đức Chánh (Mộ Đức) cũng có rất nhiều đá ong, có nhiều mỏ đá ong. Người thợ chặt đá năm này tháng khác, “hầm” trở nên sâu hoắm, người ta lấp đất, rồi chuyển sang chặt chỗ khác.

Rộng hơn nữa, có thể thấy các dãy núi ở phía đông huyện Mộ Đức cũng có rất nhiều đá ong. Đá ong xây Văn miếu huyện Mộ Đức nằm giữa cánh đồng lúa rộng lớn ở thôn Văn Bân, chắc chắn đã được chặt ở núi Văn Bân cách đó khoảng một cây số rồi vận chuyển lên, với một khối lượng lớn, để xây nhà miếu, xây bờ thành, xây cổng, toàn bằng đá ong.

Tôi đi tìm mộ những nhân vật Quảng Ngãi thuở xưa, thấy mộ ông Phó bảng Võ Duy Thành (1804 – 1846) ở làng Xuân An, xã Hành Thuận (Nghĩa Hành) được sắp đầy đá ong xung quanh. Trước ông Võ Duy Thành, mộ quan Đốc học Gia Định Đoàn Khắc Cung (? – 1824) ở thôn Nhơn Hòa, xã Bình Tân (Bình Sơn) cũng sắp đầy đá ong trong ngoài. Các viên đá ong kê lên nhau, không “mạch hồ”, các gờ trang trí đơn giản là gọt hình của đá để tạo tác. Các ngôi mộ tương tự cùng thời cũng làm theo cách như vậy.

Gần 35 năm trước, năm 1985 chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm chiến thắng Vạn Tường, tôi có dịp về xã Bình Hải (Bình Sơn) và thêm một lần ngạc nhiên về đá ong. Những viên đá nơi đây còn “vĩ đại” hơn những gì tôi đã thấy trước đó. Kích cỡ viên đá có độ dài chừng 1 - 1,2m, bề ngang trung bình 4 - 5 tấc, bề dày độ 2 tấc. Tôi chưa may mắn để thấy người thợ chặt lấy viên đá cỡ bự đó như thế nào, khuân nó đi ra sao, chỉ biết rằng những viên đá như vậy có khắp nơi, ở các căn nhà.

Ở đây người ta dựng vách bằng loại đá ấy, bức vách có chiều cao 2 - 3m, người ta kê, ganh các viên đá ấy lên nhau sao cho thẳng đứng và thăng bằng và không dùng “mạch hồ” kết dính chúng với nhau (còn độ nặng của phần mái thì đã có dàn trò đỡ). Sau này lại được biết vùng đông Bình Sơn nhiều gò đồi ở đâu cũng có đá ong và đều được dùng theo cách ấy.

Ngôi nhà đá ong thường ấm và mát, dù hơi xù xì, nhưng gắn với bao kỷ niệm thời trước, bao cảm giác về tự nhiên quanh ta. Bẵng đi một thời gian, khi xi măng “lên ngôi” những ngôi nhà như vậy dần mất. Thảng hoặc bây giờ thấy người ta dùng đá ong theo kiểu khác: Cắt mài phẳng mặt đá, để lộ “rổ tổ ong”, cắt vuông theo kiểu như miếng bánh nổ mỏng và ốp trang trí. Cũng là một cách làm hay và đẹp. Tự thân rổ ong là cái đẹp tự nhiên của tạo hóa, nếu trám mặt hồ vào, thì thôi xin đừng nhớ đá ong!


Bài, ảnh: Cao Chư

 

.