(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 14.8.1945 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Nhân dân Quảng Ngãi đã vùng lên khởi nghĩa lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng chính quyền cách mạng, tạo dấu ấn lịch sử quan trọng ở địa phương. Sáng ngày 30.8.1945 hàng vạn nhân dân khắp nơi trong tỉnh kéo về thị xã Quảng Ngãi tham gia cuộc mít tinh và diễu hành của hai đại đội du kích Ba Tơ, chào mừng thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở địa phương và chứng kiến lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân Cách mạng Lê Trung Đình (tên mới của tỉnh Quảng Ngãi sau khi giành chính quyền) do đồng chí Trần Toại làm Chủ tịch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đồng chí Trần Toại (1890-1948) |
Đồng chí Trần Toại bí danh Kim Tương, sinh năm 1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước ở làng Thi Phổ Nhất (nay là xã Đức Tân, huyện Mộ Đức). Ông đã cùng với các bạn cùng quê tham gia hai cuộc vận động yêu nước (1908- 1916) không thànhSau đó, ông lên Trường An (xã Ba Động, huyện Ba Tơ hiện nay) để làm ăn, sống cuộc sống ẩn dật, làm nghề dạy học với tên gọi là Giáo Đàm để chờ thời cơ. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, cho đây là cơ hội cứu nước, Trần Toại liền bắt tay vào hành động. Ông đã tìm đến trại cây Bãi Ri gặp đồng chí Trần Hàm (Tỉnh ủy viên lâm thời) và đồng chí Nguyễn Quang Mao (sau này là Bí thư Huyện ủy Ba Tơ) để dò hỏi tình hình. Ba người cùng quê, cùng hoạt động trong thời kỳ cứu nước, nên họ cảm thông ngay và sau đó cũng tại đây, Trần Toại được đồng chí Nguyễn Nghiêm trực tiếp kết nạp vào Đảng và quyết định thành lập chi bộ Bãi Ri có 8 đảng viên, cử đồng chí Trần Toại làm bí thư.
Đồng chí đã tích cực hoạt động, xây dựng được một số cơ sở cách mạng kể cả người dân tộc thiểu số ở địa phương, sau đó có thời gian đồng chí được cử làm Bí thư Huyện ủy Ba Tơ.
Đầu năm 1931, sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp, nhiều đồng chí phụ trách xứ ủy bị bắt, phân ban xứ ủy ở Đà Nẵng cũng bị vỡ, các đồng chí còn lại họp tại Quảng Ngãi quyết định điều động đồng chí Trần Toại vào công tác tại tỉnh Phú Yên, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Phan Lưu Thanh nhận nhiệm vụ mới.
Với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy đồng chí đã tích cực lãnh đạo, thành lập các tổ chức đảng, hội quần chúng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập hợp lực lượng, nên cơ sở cách mạng phát triển mạnh. Sau cuộc đấu tranh ngày 1.5.1931, một số cơ sở bị vỡ, địch ra sức truy lùng. Tháng 7.1931 đồng chí bị bệnh nặng, phân ban Xứ ủy đưa đồng chí ra điều trị tại nhà thương Quy Nhơn, bọn mật thám Phú Yên phát hiện đã đến đây bắt đồng chí. Qua hai tháng giam cầm, tra tấn đủ cực hình nhưng không hiệu quả, trong phiên tòa tháng 10.1931, cùng với các đồng chí của mình, Trần Toại đã đứng lên vạch mặt, hạ uy thế bọn quan tòa, kết tội bè lũ cướp nước và tay sai bán nước. Địch kết án đồng chí tù khổ sai chung thân và đày đi nhà lao Buôn Mê Thuột, một thời gian sau chúng đưa về quản thúc tại địa phương.
Về lại quê nhà trong lúc mang đủ các chứng bệnh khá trầm trọng, gia đình rất khó khăn do kẻ thù tịch biên hết gia sản. Tuy không đi lại được, nhưng đồng chí đã vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của địch, tiếp tục hoạt động cách mạng, liên hệ với đồng chí, đồng bào quanh vùng, phân tích tình hình, hướng dẫn kinh nghiệm hoạt động sáng tác thơ ca, góp phần cổ vũ phong trào.
Trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945), một số đồng chí trong ban lãnh đạo khởi nghĩa đã gặp đồng chí trao đổi ý kiến. Đồng chí đã đóng góp tích cực cho cuộc khởi nghĩa, huy động toàn bộ con cháu trong gia đình phục vụ cho cuộc khởi nghĩa. Và khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, gia đình đồng chí trở thành nơi làm công tác hậu cần cung cấp lương thực, thực phẩm cho đội du kích Ba Tơ và cũng là nơi liên lạc giữa đồng bằng và miền núi sau cuộc khởi nghĩa.
Khi đội du kích Ba Tơ lập thành hai đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám đóng ở Núi Lớn (Mộ Đức) và Vĩnh Sơn (Sơn Tịnh) đồng chí được Tỉnh ủy điều động làm công tác tài chính quân nhu của tỉnh. Cùng với đồng chí Trần Hàm, đồng chí Trần Toại tích cực hoạt động, xây dựng cơ sở vật chất khá dồi dào, đảm bảo nhu cầu phục vụ cho lực lượng vũ trang, bán vũ trang trong tỉnh cũng như nhu cầu phục vụ cho cách mạng ở địa phương.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trần Toại được Tỉnh ủy lâm thời cử làm Chủ tịch chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Lê Trung Đình (tức tỉnh Quảng Ngãi). Tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng đồng chí vẫn hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, tận tụy công tác, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, điều kiện khỏe đồng chí phải nghỉ việc và qua đời năm 1948.
Là một nhà nho yêu nước, một chiến sĩ cộng sản, đồng chí Trần Toại đã đem hết sức lực của mình phục vụ cho Đảng, cho Nhân dân, xứng đáng với cương vị người đứng đầu chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Ngãi, sau khi giành độc lập từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám- 1945.
VŨ TÙNG VI