(Baoquangngai.vn)- Trương Văn Đễ tự là Ấn Nham, con trai của Tuy Thạnh Quận công Trương Đăng Quế (1793- 1865) và Quận chúa Ngọc Lê, em ruột Tổng tài Quốc sử quán Trương Quang Đản (1833- 1914). Ông sinh năm Đinh Dậu -1837 tại kinh đô Huế; nguyên quán làng Mỹ Khê Tây, phủ Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Là con của một bậc đại quan trong triều đình, từ nhỏ chuyên tâm học hành, song vì lý do riêng của gia đình và theo ý chỉ của thân phụ, Trương Văn Đễ không tham dự các kỳ thi. Đến năm 1865 (Tự Đức thứ 8), khi Trương Đăng Quế qua đời thì ông mới được tập ấm, nhận một chức quan nhỏ, dần thăng lên Chủ sự rồi Viên Ngoại lang bộ Binh, Đổng lý tỉnh Ninh Bình.
Nhà thờ Trương Văn Đễ ở Tịnh Khê |
Năm Tự Đức thứ 21, giặc Tàu Ô quấy nhiễu biên giới phía bắc, ông cùng người anh là Trương Quang Đản tình nguyện mộ quân đi dẹp giặc ở vùng Sơn Tây, Bắc Ninh. Thắng trận, Trương Quang Đản được ban chức Hàn lâm viện Điển tịch - Quyền lãnh Tri phủ Từ Sơn (1869), Trương Văn Đễ thăng chức Bang biện tỉnh vụ Sơn Tây, sau đó thăng lên Thị Độc học sỹ, sung chức Tán Tương quân thứ Tam Tuyên. Vì lập nhiều chiến công, ông được vua Tự Đức tỏ lời khen ngợi và ban thưởng kim khánh.
Năm Tự Đức thứ 25 (1872), do bất đồng với thống đốc Hoàng Tá Viêm, Trương Văn Đễ cáo ốm, xin về nghỉ nhưng không được triều đình đồng ý. Sau đó, trong một trận đánh với quân Pháp ở Phong Đăng, ông cùng Ông Ích Khiêm không theo tướng lệnh trong việc điều động quân lính nên bị bắt tội, giải về kinh, tước hết các chức vụ, giao về quân thứ Tuyên Quang để đoái công chuộc tội. Nhờ lập công dẹp loạn ở Thanh Hóa, Nghệ An, rồi đánh giặc Pháp ở Yên Viên, Đông Lỗ, Trương Văn Đễ được khôi phục hàm Thị Độc, sung Tán Tương quân thứ tỉnh Thái Nguyên, sau đó trở về quê nhà nhận chức Sơn Phòng sứ Nghĩa Định.
Mộ Trương Văn Đễ |
Năm Tự Đức thứ 33 (1880) do vướng vào việc giết một tên tội phạm nguy hiểm khi chưa xin phép triều đình, ông bị cách chức, giáng xuống làm lính ở quân thứ Tuyên Quang. Năm Tự Đức thứ 35 (1882), ông được phục chức Biên Tu, sung Thượng Biện tỉnh Thanh Hóa. Khi vua Hiệp Hòa lên ngôi, Trương Văn Đễ được thăng Hồng Lô Tự Thiếu Khanh, Biện lý bộ Binh.
Lúc này, triều đình Huế rơi vào tình thế hỗn loạn “Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết; Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường” (Một sông hai nước lời khôn nói; Bốn tháng ba vua chuyện chẳng lành), bên ngoài quân Pháp ngày càng nuốt dần lãnh thổ, bên trong triều chính rối ren. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chuyên quyền, thao túng chuyện phế lập, các vị vua Dục Đức rồi Hiệp Hòa lần lượt bị hạ bệ. Trước họa xâm lược Pháp, quan lại trong triều chia thành các phái chủ chiến và chủ hòa với vô số những ràng buộc về quyền lợi riêng tư, phe nhóm. Trương Văn Đễ cũng bị cuốn vào vòng xoáy đó khi ông cùng Ông Ích Khiêm phải lãnh nhiệm vụ bức tử vua Hiệp Hòa, vì ông vua này bị nhóm quyền thần ghép tội tư thông với giặc Pháp.
Hiệp Hòa bị phế truất, Kiến Phúc lên nối ngôi (1833), Trương Văn Đễ được thăng chức Thị Lang, rồi Tả Tham Tri bộ Binh. Ngày 10 tháng 6 năm Giáp Thân (31.7.1884), đến lượt Kiến Phúc qua đời (chỉ sau 8 tháng ở ngôi và mới 16 tuổi) trong nhiều mối nghi ngờ. Em trai vua Kiến Phúc là Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Lịch được đưa lên ngôi khi mới 13 tuổi, lấy niên hiệu là Hàm Nghi.
Đêm 22 rạng 23 tháng 4 âm lịch (tức 5, 6 tháng 7 năm 1885), Phụ chính đại thần- Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Phụ chính đại thần- Hình bộ Thượng thư Nguyễn Văn Tường vì thấy người Pháp khinh mạn nhà vua, coi thường quốc thể, nên quyết định ra tay trước, đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá. Đến sáng thì quân Pháp phản công, quân triều Nguyễn thua trận, kinh đô Huế thất thủ. Nguyễn Văn Tường thấy thế nguy liền vào nội yêu cầu nhà vua xuất cung. Hữu quân Hồ Văn Hiển, Tả Tham Tri bộ Binh Trương Văn Đễ phò giá, đưa vua Hàm Nghi và Tam cung (Thái hoàng thái hậu Từ Dũ, Trung phi họ Vũ, Học phi họ Nguyễn) theo cửa tây nam ra khỏi kinh thành. Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn kìm chân quân địch, thoát ra sau.
Theo sắp xếp của triều đình, Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ ủy cho Nguyễn Văn Tường ở lại lo việc xử lý quan hệ với Pháp. Chiều ngày 6 tháng 7 cả đoàn tới Quảng Trị. Tại đây, Tôn Thất Thuyết đưa nhà vua tiếp tục ngược về phía Tây, đến sơn phòng Tân Sở, còn Tam cung thì lưu lại Quảng Trị, sau đó trở về Huế.
Sau khi vua Hàm Nghi ban dụ Cần vương tại Tân Sở (13/7/1885) đoàn tùy tùng của nhà vua liên tục phải di chuyển để tránh bị quân Pháp lùng bắt. Từ Tân Sở ra Tuyên Hóa, ngược lên phía Lào rồi trở ra Hà Tĩnh. Lúc này tướng Pháp De Courcy ra lệnh cho Nguyễn Văn Tường phải tìm cách đưa nhà vua trở lại kinh đô.
Áp lực đưa vua Hàm Nghi về Huế cũng đè lên cả Tam cung, bà Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ vừa viết thư cho người cháu là vua Hàm Nghi khuyên nhủ trở về, vừa lệnh cho Trương Văn Đễ (lúc này đang ở Quảng Trị) và Đinh Tử Lượng đi tìm nhà vua, thuyết phục đưa về kinh đô.
Trước tình thế oái oăm đó, Trương Văn Đễ đã âm thầm có quyết định riêng cho chính mình: Không đi tìm nhà vua, cũng không trở về Huế. Với ông, khi Huế đã nằm trong tay người Pháp thì về lại kinh thành có khác nào đầu hàng, tự trói mình giao cho giặc “bạch di”. Đưa vua về Huế là mang đấng quân vương giao nộp cho kẻ thù cướp nước, rước vào thân tội trạng ô nhục ngàn đời không thể gột rửa.
Vì thế, sau khi dẫn quân ra khỏi thành Quảng Trị, đi về hướng tây một độ đường, Trương Văn Đễ cho dừng chân, hạ trại. Ông gọi riêng hai người tùy tùng tâm phúc dặn dò rồi bắt đầu cuộc tuyệt thực quyên sinh. Sau 21 ngày nhịn ăn, Trương Văn Đễ qua đời vào ngày 14/7 năm Ất Dậu (1885). Thi hài ông được 2 người tùy tùng đưa theo đường biển về Quảng Ngãi, an táng tại một trảng đất cao ráo thuộc xứ đồng Sa Môn, làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi.
Vận nước đến lúc suy tàn, trong khi vua Hàm Nghi và nhóm tướng lĩnh yêu nước lận đận ở Quảng Bình, kêu gọi sĩ phu và nhân dân Cần vương, đuổi giặc thì ở Huế De Courcy đưa Hoàng tử Chánh Mông (Nguyễn Phúc Ưng Kỷ) lên ngôi, lấy niên hiệu là Đồng Khánh, đứng đầu một triều đình đã trở thành con rối trong tay người Pháp. Mặc dù đã quyên sinh, nhưng Trương Văn Đễ vẫn bị bắt tội, tước hết mọi chức vụ, phẩm hàm. Mãi đến khi vua Thành Thái- một ông vua có tinh thần ái quốc lên ngôi, nhờ người anh là Phụ chính đại thần Trương Quang Đản và bá quan giải bày, tâu xin, Trương Văn Đễ mới được nhà vua cho phục hồi chức tả Tham Tri như lúc sinh thời.
Là con của một bậc đại thần từng là rường cột của triều đình, tham gia vào hàng ngũ quan lại trong thời buổi đất nước gặp lúc nhiễu nhương, bằng ý nghĩ và việc làm của mình, Trương Văn Đễ đã tỏ ra là một con người trung quân ái quốc, giàu tiết tháo, không hổ danh với truyền thống của một dòng tộc nổi tiếng ở đất Cẩm Thành.
Lê Hồng Khánh
*Đón đọc kỳ sau: Nguyễn Mậu Phó (?- 1659)