(Báo Quảng Ngãi)- Giáp với Biển Đông, Quảng Ngãi là một trong những nơi có truyền thống lâu đời về nghề biển. Nhiều ngư dân có thâm niên gắn bó với biển gần bằng cả tuổi đời của mình. Trước mỗi chuyến ra khơi, họ đều làm lễ tế cáo trước đình làng và các cơ sở thờ tự gắn liền với đời sống tâm linh của ngư dân, cầu mong phù hộ cho chuyến đi được thuận lợi...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại đình làng An Chuẩn, xã Đức Lợi (Mộ Đức), nơi vẫn còn lưu giữ những sắc phong vua ban và bao đời nay là nơi gắn liền với đời sống tâm linh ngư dân miền biển này. Đình làng An Chuẩn nằm sát bờ biển, phía trước là biển, xung quanh bao bọc bởi rừng dương xanh. Phía sau là xóm làng, bà con bao đời sống gần gũi bên nhau.
Đình làng An Chuẩn. |
Trong đình làng An Chuẩn thờ Đức Nam Hải, một vị thần luôn bảo trợ cho làng xóm, hộ vệ cho tàu thuyền ngư dân mỗi khi ra khơi vượt qua sóng gió, trở về bình an với tôm cá đầy thuyền. Ngoài ra, trong đình làng còn thờ Ngũ Hành Tiên Nương Tôn Thần. Mặt chính của đình hướng ra phía biển như luôn dõi theo, phù hộ cho những ngư dân đang bôn ba trên mặt biển bao la và chờ đón những chiếc tàu mang niềm vui trở về.
Cụ ông Phạm Thanh (81 tuổi) được bà con trong làng chọn làm chủ bái, phụ trách việc cúng tế trong các buổi lễ của đình làng. Ông Thanh cho biết, mỗi năm đình có 3 lễ chính vào các ngày 21 tháng Giêng, 16 tháng 3 âm lịch, mùng 10 tháng Chạp. Mỗi dịp lễ cúng là dịp để bà con, con cháu đi làm ăn xa gặp mặt thăm hỏi lẫn nhau.
Ông Phan Văn Tỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lợi nhớ lại những ngày còn nhỏ, mỗi dịp lễ cúng đông vui như hội. Lễ cúng vào ngày 16 tháng 3 âm lịch là dịp để ngư dân cúng cầu an. Bà con làm mô hình thuyền câu, hình nhân đưa ra biển để tưởng nhớ những ngư dân thiệt mạng trên biển. Trong ngày này, trẻ con được dặn dò cẩn thận không được ra ngoài bờ biển. Đến nay, những tục lệ xưa vẫn còn được giữ lại trong các lễ cúng. Tại đình làng cũng còn lưu giữ những bộ di cốt cá Voi trôi dạt vào, được an táng theo nghi thức tín ngưỡng của bà con vùng biển.
Cụ ông Trần Ngọc Công (72 tuổi), nhà ở ngay sau đình, là người phụ trách việc trông coi đình làng. Mỗi ngày ông mở cửa đình lúc 6 giờ sáng, đóng cửa lúc 6 giờ tối. Những ngày rằm, mùng một, lễ tết mở cửa lâu hơn để bà con vào thăm viếng, thắp hương. Hằng ngày, ông đều lau chùi dọn dẹp sạch sẽ trong đình. Ông Công bảo, việc trông coi đình làng như là tâm nguyện, tấm lòng thành của mình trước các vị thần linh, tổ tiên.
Hiện nay, trong đình làng An Chuẩn vẫn còn lưu giữ 4 bản sắc phong do vua Duy Tân và Khải Định chuẩn y cho đình làng thờ thần Nam Hải. Những bản sắc phong được viết bằng tiếng Hán trên nền giấy sắc màu vàng, được bà con trong vùng gìn giữ cẩn thận như một kỷ vật quý báu, linh thiêng về dấu ấn vua ban.
Dường như 4 bản sắc phong vẫn còn nguyên vẹn theo thời gian. Cụ ông Dương Ngọc Tòa (81 tuổi) nhẹ nhàng lấy từng bản sắc phong cất kỹ trong các hộp gỗ ra. Ông là người đọc được tiếng Hán, cho nên mỗi lần có khách đến thăm, khi cần có người phiên dịch ông đều nhiệt tình dịch lại và giải nghĩa cho khách biết.
Theo niên hiệu của vua Duy Tân trong bản sắc phong này, thì bà con đã lưu giữ lại các bản sắc phong hơn 100 năm. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết ý nghĩa về các bản sắc phong này là bảo chứng cho một nơi thờ tự có từ lâu đời, đã được các triều đại phong kiến của triều Nguyễn ban tặng, góp phần làm củng cố niềm tin dân dã của cộng đồng cư dân tại địa phương.
Nhờ đó đã góp phần bảo tồn di tích văn hóa địa phương cổ xưa mà các thế hệ, dòng họ đã có công xây dựng làng An Chuẩn nhiều thế kỷ trước. Nếu xem xét về kiến trúc, cách thờ tự, các sắc phong thần, các vị thần được thờ phụng, các bộ xương cá voi được lưu giữ... thì có thể khẳng định, đình làng An Chuẩn vừa có chức năng của một đình làng, vừa có chức năng của một lăng thờ cá Voi.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đình làng An Chuẩn là nơi được các đội công tác của Huyện đội Mộ Đức và Tư Nghĩa chọn làm nơi liên lạc, cất giấu tài liệu, ẩn nấp mỗi khi có địch. Vào tháng giêng năm 1972, tại đây đơn vị du kích xã Đức Lợi đã đánh trả đợt càn quét của giặc và có hai cán bộ du kích đã hy sinh. Trong đình, hiện vẫn còn dấu tích của trận đánh năm xưa.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay đình làng An Chuẩn vẫn còn nguyên giá trị văn hóa tinh thần đối với người dân vùng biển này. Năm 2007, bà con ở địa phương và con cháu đi làm ăn xa đã đóng góp công sức để trùng tu lại đình làng nhưng vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc xưa của đình. Những đợt lễ cúng cũng là dịp để ông bà dạy bảo, dặn dò cho con cháu về truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết về những điều hay, tục lệ của vùng mình.
Bài ảnh: Ngọc Hân