(QNĐT)- Phan Thúc Nghiễm (ông Tú Thầy, ông Tú Bảy) tự Tịnh Trai, hiệu Long Khê xử sĩ, vốn tên là Văn Hiệu sau đổi là Văn Thanh; đến đời vua Đồng Khánh lại vì kỵ húy tên mẹ nhà vua nên đổi thành Thúc Nghiễm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông sinh năm Bính Thân (1836), thuộc đời thứ 7 của một chi tộc họ Phan định cư lập nghiệp tại làng An Nhơn, phủ Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Phan Thúc nghiễm là học trò giỏi của cử nhân Lê Trung Lượng (Phú Nhơn – Sơn Tịnh), bạn đồng môn của cử nhân Nguyễn Duy Cung (Vạn Tượng – thành phố Quảng Ngãi) và là thầy của cử nhân Lê Trung Đình (con trai Lê Trung Lượng).
Gian thờ Phan Thúc Nghiễm tại Long Khê Tự Đường |
Nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 26 tuổi ông đỗ tú tài tại trường thi hương Thừa Thiên, khoa Tân Dậu (1861) – Tự Đức thứ 14. Trở về quê, Phan Thúc Nghiễm lại tiếp tục xôi kinh nấu sử, quyết ghi tên mình vào bảng vàng ở kỳ thi sau. Vì quá miệt mài học tập, ông lâm bệnh mắt, bị mù.
Ý nguyện bình sinh dang dở, Phan Thúc Nghiễm mở trường dạy học, đào tạo môn sinh, những mong học trò nối chí mình, xông pha biển học, đem tài đức cung hiến cho đời…
Truyền rằng, trong hơn 30 năm dạy học, Long Khê xử sĩ đã đào tạo được hàng trăm môn sinh nổi tiếng học giỏi. 72 người xuất sắc nhất trong số đó được ông lựa chọn khắc tên vào tấm biển treo long trọng ở ngôi nhà học (Long Khê Học Đường) để vinh danh và làm gương cho lớp sau.
Khi Phan Thúc Nghiễm qua đời, nhà học trở thành nơi thờ phụng ông và được gọi là Long Khê Tự Đường. Tấm biển danh dự ghi tên các môn đồ nổi tiếng của ông vẫn được giữ lại ở đó. Rất tiếc là chiến tranh đã tiêu hủy Long Khê Tự Đường vào năm 1968 nên danh tánh 72 người học trò xuất sắc của Long Khê xử sĩ đã bị thất tán.
Chỉ biết rằng, được vinh hạnh ghi tên lên tấm biển để người đời nhìn ngắm, hậu thế khen tài, có những tên tuổi mà người đời còn nhắc đến tận ngày nay: Tiến sĩ Tạ Tương, tiến sĩ Lê Ngại (Ngải), tiến sĩ Đỗ Quân, cử nhân Lê Trung Đình, cử nhân Trần Giảng, cử nhân Phạm Viết Duy, tú tài Trương Quang Đản, tú tài Trần Kỳ Phong...
Trong số họ, kẻ ra làm quan, quyền cao chức trọng, để lại nhiều công trình trước tác nổi tiếng ở đời (Tạ Tương, Trương Quang Đản, Lê Ngại), người trở thành chí sĩ yêu nước, dám đem thân mình dâng nghiệp cả (Lê Trung Đình, Trần Kỳ Phong…), nhưng họ cùng nổi tiếng là những bậc túc nho, giàu khí tiết và là học trò của ông đồ mù lòa Phan Thúc Nghiễm.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, phong trào Cần Vương bùng lên từ Quảng Ngãi với cuộc khởi nghĩa do cử nhân Lê Trung Đình lãnh đạo, rồi nhanh chóng lan khắp ba kỳ. Vì bệnh tật, không trực tiếp giang tay cứu nước, Phan Thúc Nghiễm âm thầm gởi lòng mình trong những vần thơ ca ngợi khí phách của các thủ lĩnh Cần Vương, lên án bọn quan lại hèn nhát, nhu nhược, bọn phản bội, bán nước cầu vinh.
Mộ Phan Thúc Nghiễm tại thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh. |
Giai thoại kể rằng, trước khi làm lễ tế cờ xuất quân ở đền Văn Thánh (Văn miếu Quảng Ngãi), thủ lĩnh nghĩa binh Cần vương Lê Trung Đình đã đến Long Khê Tự Đường bái yết Phan Thúc Nghiễm để lĩnh hội ý chỉ của thầy mình. Cuộc khởi nghĩa thất bại, thân mẫu Lê Trung Đình đến ẩn náu tại nhà Phan Thúc Nghiễm, tránh né sự truy xét của kẻ thù và được ông hết lòng bảo bọc.
Về sau, sự việc bại lộ, tỉnh đường Quảng Ngãi gọi ông lên tra hỏi. Phan Thúc Nghiễm vừa ý nhị, kín đáo nhắc nhở khí tiết của Lê Trung Đình, vừa khéo léo kiên quyết chối từ, bọn quan lại tay sai không tìm ra chứng cứ, phải thả ông về.
Phan Thúc Nghiễm sáng tác nhiều thơ văn, một số lưu truyền khá rộng rãi trong dân gian. Được biết đến nhiều nhất là bài vè “Lụt Bất quá” – một chứng cứ văn chương về trận lụt lịch sử năm Mậu Dần (1878).
Ông qua đời năm Giáp Dần (1914), để lại gương sáng về một người thầy mẫu mực, suốt đời đem tâm đan, sở học rèn đúc môn đệ nên người, nuôi dưỡng và đắp bồi truyền thống hiếu học, yêu nước cho hậu thế.
Lê Hồng Khánh
* Đón đọc kỳ tới: Đoàn Khắc Cung (?- 1824)