Trợ giúp người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí

04:08, 11/08/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng chăm sóc, hỗ trợ người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí sớm được hòa nhập cộng đồng.
 
Nhiều hoạt động hỗ trợ
 
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh là nơi cung cấp các dịch vụ giáo dục hòa nhập có chất lượng cho học sinh khuyết tật dạng tâm thần, trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí. Mỗi năm trung tâm nhận chăm sóc và nuôi dạy gần 100 trẻ bị khiếm thính và tự kỷ, trong đó có khoảng 20 em được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. “Chúng tôi tổ chức cho các cháu rèn luyện ngay tại trung tâm, bổ sung kiến thức và tổ chức hoạt động dạy học ngay tại cơ sở và trong gia đình cho các em. Đồng thời, trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục, để khuyến khích phụ huynh cũng như nhà trường đón nhận các em”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Trần Văn Thế cho biết.
 
Người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí tham gia lao động trị liệu tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Người bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí tham gia lao động trị liệu tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Cũng là nơi chăm sóc, phục hồi chức năng cho các đối tượng tâm thần, rối nhiễu tâm trí, năm 2022, lần đầu tiên Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh - trụ sở 2 tổ chức dạy nghề làm chổi đót cho người tâm thần. Đây cũng là một trong những cách trị liệu hiệu quả cho người bệnh. 
 
Bên cạnh đó, người bệnh còn được nhân viên trung tâm chăm sóc tận tình, giúp cải thiện sức khỏe và sớm hòa nhập cộng đồng. Chị Lê Thị Bảy, nhân viên Trung tâm CTXH tỉnh chia sẻ, một số đối tượng khi tinh thần bất ổn mà được hoạt động tay chân, làm được một số việc thì sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn. Tại lớp học, người bệnh chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với các cán bộ trung tâm, từ đó có giải pháp hỗ trợ từng đối tượng. Ngoài ra, trung tâm còn khám sức khỏe định kỳ hằng tuần cho người tâm thần, tổ chức các hoạt động lao động trị liệu như tập thể dục, văn nghệ, trồng và chăm sóc vườn rau theo mùa, chăn nuôi...
 
Nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công tác xã hội
 
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.700 người tham gia làm CTXH. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi đặt mục tiêu có ít nhất 80% cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Từ đầu năm 2022 đến nay, để nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH trong tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
 
Tham gia các lớp học này, chị Huỳnh Thị Tuyết Mai, làm việc tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cho biết, lớp học đã giúp cho tôi và nhiều người bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng, phương pháp để giáo dục cho trẻ tự kỷ, người tâm thần cũng như người rối nhiễu tâm trí. Từ đó có thể chăm lo tốt hơn cho các đối tượng để họ sớm hòa nhập với cộng đồng xã hội.
 
Qua khảo sát, phần lớn các gia đình có người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí đều có hoàn cảnh khó khăn. Hiện các chương trình, chính sách dành cho những trường hợp này vẫn còn những bất cập. Đặc biệt, do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, số lượng người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có chiều hướng gia tăng, nhưng chưa được trợ giúp kịp thời. Toàn tỉnh hiện có hơn 7.800 người bị bệnh tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí. 
 
Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025 đang được tỉnh tích cực triển khai thực hiện, để đạt được mục tiêu mỗi năm có ít nhất 400 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời, mỗi năm có ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; ít nhất 70% trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội mỗi năm.
 
Bài, ảnh: V.YẾN
 
 
 

.