(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, hoạt động công chứng có những bước phát triển, góp phần phòng ngừa tranh chấp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.
[links()]
Đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch
Hiện nay, Quảng Ngãi có 14 tổ chức đang hành nghề công chứng. Năm 2021, dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động công chứng là một trong những dịch vụ thiết yếu nên vẫn được phép hoạt động. Các tổ chức hành nghề công chứng đã chứng nhận hơn 57 nghìn hợp đồng, giao dịch và bản dịch các loại, với tổng số phí và thù lao thu được hơn 22 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức hành nghề công chứng còn chứng thực hơn 153 nghìn bản sao, chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo yêu cầu của tổ chức và cá nhân.
Người dân đến Văn phòng Công chứng Ngô Văn Hiền (TP.Quảng Ngãi) công chứng các giấy tờ, giao dịch hợp đồng. Ảnh: TR.ÂN |
Tại Văn phòng Công chứng Ngô Văn Hiền, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), mỗi ngày có hơn 50 hồ sơ giao dịch. Trưởng Văn phòng Ngô Văn Hiền cho biết, văn phòng thường xuyên tổ chức họp công chứng viên và nhân viên để triển khai các văn bản luật liên quan đến công chứng, trao đổi chuyên môn và rút kinh nghiệm. Văn phòng cũng đầu tư các phương tiện để soi, rọi phát hiện giấy tờ giả để bảo vệ lợi ích của người dân và lập biên bản, báo cáo với cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
“Chúng tôi kịp thời chia sẻ thông tin qua Zalo về các thủ đoạn tinh vi trong việc sử dụng các giấy tờ và văn bản giả mạo để các công chứng viên trên địa bàn tỉnh cùng nhận biết trong hoạt động công chứng, chứng thực, góp phần bảo vệ lẫn nhau khi hành nghề. Đồng thời, đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch công chứng, cũng như quyền lợi của khách hàng”, ông Hiền cho biết thêm.
Chú trọng kiểm tra, giám sát
Hoạt động công chứng hiện vẫn còn gặp những khó khăn, nhất là khu vực miền núi với số lượng hợp đồng, giao dịch thấp, nên khó thu hút các công chứng viên đầu tư thành lập văn phòng công chứng. Việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất... còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở, kinh doanh bất động sản... còn nhiều bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo. Việc cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng vẫn còn xảy ra. Công nghệ làm giấy tờ giả ngày càng tinh vi nên các công chứng viên rất khó nhận biết bằng mắt thường...
Để nâng cao hiệu quả quản lý, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng; quy định tiêu chí thành lập văn phòng công chứng... Theo đó, chỉ cho phép thành lập văn phòng khi đáp ứng điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất. Xây dựng và vận hành phần mềm cơ sở dữ liệu hợp đồng, giao dịch công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh, để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian đối trong giao dịch tài sản... Ngoài ra, Sở Tư pháp còn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp các vướng mắc thông qua các hội nghị tập huấn, nhằm nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm...
Giám đốc Sở Tư pháp Tôn Long Hiếu cho biết, thời gian đến, Sở Tư pháp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành trung ương sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến công chứng. Kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động công chứng. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất, từ đó chấn chỉnh, xử lý những sai phạm, đưa hoạt động công chứng ổn định, phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu về cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
TR.ÂN - C.NGUYÊN