(Báo Quảng Ngãi)- Tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc luôn để lại nhiều hậu quả rất đáng tiếc. Có trường hợp, vì tranh chấp đất đai mà gây ra án mạng hoặc chia cắt tình thân giữa các thành viên với nhau.
[links()]
Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) Đoàn Nhật Nam cho biết, trong công tác trợ giúp pháp lý có những câu chuyện pháp đình khiến nhiều người nặng lòng, nhất là đối với trường hợp những người thân trong gia đình ở cả hai bên nguyên đơn và bị đơn. Mâu thuẫn liên quan tới tranh giành đất và giá trị được nhận đền bù từ đất. Có trường hợp cụ già đã ngoài 80 tuổi lại phải ra tòa để đối chất với những người con gái đang tranh giành giá trị thửa đất mà cả đời bà dành dụm mới có được. Cả đời bà cụ làm lụng vất vả để nuôi con, nhưng đến lúc cuối đời lại phải chôn chặt vào lòng nỗi đau tình mẹ con chia cách. Bà cụ phải sống với những người cháu ruột. Sự thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật về đất đai và cũng có không ít trường hợp vì bản tính hơn - thua, lợi ích cá nhân mà đánh mất tình thân ruột thịt vốn dĩ không gì có thể để đổi lấy được.
Theo một cán bộ TAND tỉnh, có nhiều vụ án phức tạp, di sản trong quan hệ thừa kế để lại qua nhiều thế hệ, có trường hợp đã chuyển nhượng cho người khác, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ xét xử. Đơn cử, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử phúc thẩm tranh chấp thừa kế tài sản và quyền sở hữu nhà ở, giữa nguyên đơn là bà A, bị đơn gồm bà X và cháu B. Sự việc xuất phát từ đất hương hỏa của tổ tiên để lại, không có di chúc đối với các di sản cũng như sự phức tạp trong các hàng thừa kế theo pháp luật, không thể tự thỏa thuận phân chia di sản nên họ phải nhờ sự can thiệp của tòa án.
Các bậc cha mẹ thường không lường trước được những tranh chấp xảy ra nên khi còn sống để lại tài sản cho con chỉ nói miệng mà không có giấy tờ rõ ràng. Tài sản thường ở nhiều nơi, do nhiều người quản lý nên việc thu thập hồ sơ, chứng cứ liên quan gặp khó khăn. Mặt khác, chính sách pháp luật có nhiều sự thay đổi, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với bất động sản (đất đai, nhà ở...) là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế nên nhiều chứng cứ, giấy tờ bị thất lạc, thay đổi và tài sản thuộc quyền quản lý có nhiều thế hệ khác nhau. Do đó, đối với loại án này đòi hỏi người thực thi pháp luật phải nắm vững các chế định thừa kế trong Bộ luật Dân sự và chính sách, pháp luật của Nhà nước qua nhiều thời kỳ.
Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Phan Ngọc Minh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp về thừa kế tài sản là do người dân không lập di chúc hoặc thiếu rạch ròi khi lập di chúc; do kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đất đai ngày càng có giá trị nên dẫn đến tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột... “Để tránh tranh chấp giữa người thân trong gia đình thì những người để lại di sản cần phải làm các giấy tờ rõ ràng, đúng quy định pháp luật. Trường hợp người dân chưa nắm rõ các quy định pháp luật thì có thể liên hệ trung tâm trợ giúp pháp lý, các văn phòng luật sư... để nhờ tư vấn phân chia tài sản một cách cụ thể, rõ ràng đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tránh xảy ra những tranh đoạt làm phá vỡ tình cảm gia đình, người thân”, ông Minh cho hay.
P.LÝ - TR.ÂN