Giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ vị thành niên: Cần được xem trọng

03:09, 22/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, có nhiều vụ án gây hoang mang dư luận, đối tượng gây án là trẻ vị thành niên. Trước thực trạng đáng báo động về tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ cần được xem trọng.

 

 Cần tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Trong ảnh:  Học sinh tham gia buổi nói chuyện chuyên đề: Thay đổi đến từ ai?         Ảnh: TP
Cần tăng cường các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Trong ảnh: Học sinh tham gia buổi nói chuyện chuyên đề: Thay đổi đến từ ai? Ảnh: TP

 

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh, từ đầu năm 2017 đến 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 97 vụ vi phạm pháp luật do 162 trẻ vị thành niên gây ra. Tính trung bình từ năm 2001 đến nay, số lượng thanh, thiếu niên phạm tội chiếm tỷ lệ rất cao (76,5%), chủ yếu ở lứa tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Võ Văn Dương: “Ngày càng có nhiều vụ phạm tội, bạo lực do trẻ vị thành niên gây ra”


Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng do trẻ em có độ tuổi vị thành niên gây ra, đơn cử như tháng 7.2018, ở xã Trà Quân (Tây Trà) đã xảy ra vụ án con trai 12 tuổi giết cha ruột, hay như vụ hỗn chiến bằng mã tấu giữa các băng nhóm xảy ra vào năm 2017 ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn).

Các vụ án do trẻ vị thành niên gây ra ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do thiếu không gian vui chơi lành mạnh dành cho thiếu nhi; các em tiếp xúc với điện thoại, Internet, chơi games online bạo lực, mạng xã hội... quá sớm. Trong khi đó trẻ thiếu hiểu biết về mặt pháp luật, mất kiểm soát, tâm lý chưa ổn định dẫn đến dễ bị kích động, xúi giục. Nhiều em sống ở các khu dân cư không đảm bảo an ninh, nhiều tệ nạn xã hội... ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhận thức.

 Trẻ cần được yêu thương, chia sẻ để hình thành nhân cách.                                                                  Ảnh: TP
Trẻ cần được yêu thương, chia sẻ để hình thành nhân cách. Ảnh: TP


Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp gia đình thiếu quan tâm đến con cái, cha mẹ ly hôn... trẻ không được kiểm soát, chăm sóc dẫn đến hư hỏng. Trước thực trạng đó, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ vị thành niên. Trẻ cần được định hướng, giáo dục để không vi phạm pháp luật, đồng thời các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp cho trẻ.
 

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phạm Thị Kim Liên: “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật”

Phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên ngày một khó kiểm soát, với mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Viện KSND tỉnh đã khởi tố 8 bị can ở tuổi vị thành niên, truy tố 11 vụ vị thành niên phạm tội. Sau mỗi phiên tòa xét xử, viện KSND cấp cơ sở đều đưa thông tin về phiên xét xử lên trang thông tin điện tử để người dân tiếp cận, nắm bắt các hình thức phạm tội, vi phạm pháp luật. Hằng năm, chi đoàn Viện KSND các cấp phối hợp với các trường học tổ chức các phiên tòa giả định để tuyên truyền pháp luật đến học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, để giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên đòi hỏi phải có sự chung tay của gia đình, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Các đơn vị chức năng cần tăng cường quản lý các tụ điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, các quán Internet... có nguy cơ tiềm ẩn vi phạm pháp luật. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng các mô hình về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội để cảm hóa, giúp các em hòa nhập cộng đồng.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Thị Thành: "Mỗi trường học phải có phòng tư vấn, hỗ trợ học sinh"

Các trường học vẫn chưa thực sự quan tâm tới việc trang bị kiến thức về kỹ năng sống, nhằm hình thành nhân cách cho học sinh. Hiện nay, ngành giáo dục đang hướng tới sự đổi mới không chỉ đối với yêu cầu dạy chữ, dạy kiến thức mà còn phải trau dồi cho các em kỹ năng sống cần thiết, nhất là đối với các em ở lứa tuổi vị thành niên.
 
Trong quá trình giảng dạy, thầy cô phải kịp thời phát hiện, định hướng năng khiếu, phát huy sở trường cho học sinh; kịp thời bồi dưỡng những kỹ năng còn hạn chế, giúp các em hình thành nhân cách. Đặc biệt, các trường phải thành lập phòng tư vấn, hỗ trợ học sinh những vấn đề trong cuộc sống.

Chị Bùi Thị Hải Giang, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh): “Cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến con cái"

Tôi có hai con, con trai học lớp 7, con gái học mẫu giáo. Vợ chồng tôi luôn chú trọng đến việc giáo dục, định hướng hình thành tính cách cho con. Chúng tôi thường xuyên theo dõi việc học và vui chơi của con để kịp thời chia sẻ, động viên khi cần thiết.
 
Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của trẻ, nên các bậc cha mẹ là người đầu tiên quan tâm đến việc giáo dục con cái, sau đó mới tới nhà trường, xã hội.
 
Dù ở nhà hay ở trường thì ngoài việc dạy chữ, chúng ta cũng cần có nhiều định hướng về nhân cách đạo đức cho các cháu.

Em Phan Thu Thảo, lớp 12 Anh 2, Trường THPT chuyên Lê Khiết: “Các bậc phụ huynh đừng áp đặc con cái”

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là những điều rất quan trọng, xuất phát từ trong cuộc sống hằng ngày. Thầy, cô giáo cần thân thiện, gần gũi để cùng sẻ chia với học trò. Bản thân học trò cũng phải lễ phép, tôn trọng thầy cô giáo. Trong trường học, ngoài việc được trang bị những kiến thức, nhà trường cần chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ...
 
Khi được trang bị các kỹ năng sống cần thiết thì chúng em sẽ có thể tự bảo vệ mình trước những cám dỗ ngoài xã hội; sẽ có ý thức và trách nhiệm hơn với chính bản thân. Hơn nữa, điều học sinh mong muốn đó là các bậc phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ với con như những người bạn thay vì áp đặt con cái.

 

T.Phương - Đ.Sương
(thực hiện)

 


.