(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (Bà mẹ VNAH) đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì chưa có chế độ thờ cúng Bà mẹ VNAH sau khi từ trần.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho biết: Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng chỉ quy định chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, chưa quy định chế độ thờ cúng Bà mẹ VNAH cũng như các đối tượng người có công khác từ trần.
Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Họp, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi). |
Hiện nay, các Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH được hưởng một số chế độ ưu đãi của Nhà nước như: Đối với Bà mẹ VNAH được phong tặng thì được tặng Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, được hưởng tiền thưởng một lần hoặc được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng. Đối với những Mẹ được truy tặng (đã từ trần) thì thân nhân thờ cúng được nhận Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, được hưởng tiền một lần. Gia đình phụng dưỡng Mẹ được hưởng trợ cấp người phục vụ. Khi Bà mẹ VNAH chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.
Trên địa bàn tỉnh, hai huyện Bình Sơn, Đức Phổ đã xây dựng Nhà ghi ơn Bà mẹ VNAH. Đây là công trình thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân với các Bà mẹ VNAH, những người đã có nhiều hy sinh cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương đất nước.
Huyện Bình Sơn hiện có 1.119 Bà mẹ VNAH và 7.418 liệt sĩ. Trong đó, có trên 300 Mẹ có từ 3 đến 6 liệt sĩ. Đây là địa phương có số lượng Mẹ VNAH nhiều nhất tỉnh. Tuy nhiên, Nhà ghi ơn của huyện Bình Sơn chỉ thực hiện việc ghi ơn với các mẹ trên địa bàn huyện, trong khi đó với số lượng trên 37.000 liệt sĩ trong toàn tỉnh, hiện nay tỉnh ta có gần 6.300 Mẹ VNAH, trong đó chỉ còn 474 người còn sống. Nhiều Mẹ VNAH khi từ trần không có nơi thờ tự, bởi các con đều hy sinh, người thân trong họ tộc có hoàn cảnh khó khăn không thể thực hiện việc thờ cúng. Đa phần các hộ gia đình hiện đang thờ cúng Mẹ VNAH trong tỉnh đều có chung kiến nghị nên có chế độ thờ cúng cho Bà mẹ VNAH, để đảm bảo việc tri ân thực hiện xuyên suốt.
Ông Lương Kim Sơn cho biết thêm: "Qua những phản ánh của người có công và thân nhân người có công, về phía ngành cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trong thời gian tới. Trong đó có kiến nghị nên xem xét mở rộng đối tượng cho người thờ cúng Mẹ VNAH đã từ trần, hoặc hỗ trợ xây dựng nhà thờ tự cho người thờ cúng Mẹ VNAH đã từ trần có hoàn cảnh khó khăn".
Bà Nguyễn Thị Sang ở xã Phổ An (Đức Phổ) là thân nhân duy nhất của Mẹ VNAH Huỳnh Thị Giàu bày tỏ: “Gia đình tôi mong muốn thờ phụng Mẹ được chu đáo, nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên việc thờ cúng cũng không đảm bảo. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm chính sách cho người thờ cúng Bà mẹ VNAH đã mất”.
VŨ YẾN