(Báo Quảng Ngãi)- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Khiếu nại, tố cáo gia tăng
Theo thống kê của UBND tỉnh, từ năm 2012 đến nay, tình hình phát sinh khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng (số lượng đơn thư các loại tăng 35,8%, số đoàn đông người tăng 13%). Theo đó, các cơ quan hành chính đã tiếp gần 25.500 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 182 đoàn đông người. Nội dung khiếu nại tập trung ở lĩnh vực đất đai, chiếm 75% số đơn khiếu nại phát sinh. Các đoàn đông người có chiều hướng gia tăng chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: Bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất; cải tạo, di dời chợ; khiếu kiện, tranh chấp đất lâm nghiệp và ô nhiễm môi trường...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo. |
Nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo là do tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để đáp ứng tiến độ các dự án lớn. Trong khi chính sách pháp luật về đất đai phức tạp, khó nhận thức, cùng với đó là việc buông lỏng quản lý đất đai kéo dài do lịch sử để lại, làm cho hồ sơ quản lý đất đai không đầy đủ, rõ ràng, thiếu tính pháp lý, khi thu hồi đất phát sinh nhiều khiếu nại. Hơn nữa, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, chậm trễ trong thực hiện công vụ, hoặc từ chối thực hiện trách nhiệm công vụ trong giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến công dân. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người vẫn còn hạn chế, công tác dân vận đối với các vụ tiềm ẩn phát sinh đông người còn thụ động, chưa hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chỉ đạo: “Các cấp, ngành, địa phương phải tổ chức tiếp công dân lưu động, tiếp công dân theo chuyên đề tại cơ sở ít nhất 3 tháng 1 lần (ngoài tiếp công dân định kỳ hằng tháng) để kết hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Riêng đối với những dự án có thu hồi đất từ 1ha trở lên hoặc phải di dời, tái định cư cho 10 hộ trở lên thì chủ tịch UBND cấp huyện phải gặp gỡ người dân, nghe ý kiến trước khi quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường”. |
Ông Phí Quang Hiển - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai có chiều hướng gia tăng, ngoài nguyên nhân nhận thức của người dân không đồng nhất với quy định của pháp luật, thì cũng cần nhắc đến vai trò của CB, CCVC trong xử lý các thủ tục hành chính cho người dân. Một số CB, CCVC lợi dụng những quy định của pháp luật chưa chặt chẽ và sự thiếu hiểu biết của người sử dụng đất đai để thâu tóm, đầu cơ và vụ lợi cá nhân. Ngoài ra, việc thiếu công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất... cũng dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài và không để phát sinh khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên tỉnh, lên Trung ương. Những vụ việc đã giải quyết thì phải triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, không để kéo dài. Công tác tiếp công dân phải gắn liền với việc xem xét, giải quyết thấu đáo, kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Đồng thời, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa phát sinh khiếu nại tố cáo; trong đó tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, quy hoạch, giải quyết chế độ, chính sách... Cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố và chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương và tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khi xảy ra vụ việc đông người, phức tạp, người đứng đầu phải trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, giải thích và chỉ đạo giải quyết kịp thời, không được ủy quyền cho cấp phó, cho cấp dưới.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các phòng, ban và UBND cấp xã trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo hoặc người có thẩm quyền có biểu hiện thiếu trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm.
Bài, ảnh: NG.TRIỀU
Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có quyết tâm Đó là nhận định của Chánh Thanh tra tỉnh Lữ Ngọc Bình. Theo ông Bình, khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định và đã được cụ thể hóa thành các luật. Khiếu nại, tố cáo là công cụ pháp lý để người dân trực tiếp thực hiện quyền giám sát, kiểm tra đối với bộ máy Nhà nước. Các cấp, ngành, địa phương phải xem khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân là một kênh chỉ báo quan trọng, trực tiếp về thái độ, trách nhiệm của người dân đối với quyết định quản lý của Nhà nước.
|