Sáp nhập các ban quản lý dự án: Đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động

02:10, 29/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sáp nhập các Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng, trực thuộc sự quản lý của UBND tỉnh, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm sự giám sát khách quan, tránh tình trạng các công trình, dự án không phát huy hiệu quả, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ.

Bất cập trong quản lý đầu tư

Lâu nay, việc đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh thường phân cho các sở, ngành quản lý lĩnh vực làm chủ đầu tư. Và điều này trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập trong sử dụng nguồn vốn ngân sách. Nhiều công trình chưa hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước...

Theo lãnh đạo một BQLDA, gần như địa phương, sở, ngành nào cũng có cơ quan quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nên dễ dẫn đến tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm. Nhiều BQLDA đầu tư xây dựng nhận toàn bộ công trình xây dựng cơ bản, trên tất cả lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, thủy lợi, giao thông, trường học... dù chỉ có chuyên môn chuyên sâu ở một lĩnh vực.

Khu tái định cư Làng Bung, xã Sơn Ba (Sơn Hà), do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN & PTNT)  làm chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu tái định cư của người dân.
Khu tái định cư Làng Bung, xã Sơn Ba (Sơn Hà), do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN & PTNT) làm chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu tái định cư của người dân.


Bên cạnh đó, những quy định quản lý đầu tư xây dựng trước đây đã phát sinh nhiều bất cập. Vai trò của cơ quan chuyên môn về xây dựng chưa được cụ thể hóa trong các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu và bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình.

Đây là một trong những lý do dẫn đến hệ lụy đầu tư dàn trải, lãng phí. Tình trạng mạnh ai nấy đầu tư, thiếu tính chuyên nghiệp... đã làm cho không ít dự án không đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình. Đơn cử  như các dự án tái định canh, định cư của Chi cục Phát triển Nông thôn; các dự án nước sạch vệ sinh môi trường và nhiều công trình giáo dục...

Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công

Thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng “chết yểu”, lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân. Vì thế, khi Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công có hiệu lực (năm 2015), Chính phủ có nghị định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ trương thống nhất kiện toàn, thành lập 3 BQLDA thuộc tỉnh, gồm: BQLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông; BQLDA đầu tư xây dựng lĩnh vực NN&PTNT và chấm dứt hoạt động của các BQLDA cũ của các sở, ngành. Đồng thời, bàn giao nguyên trạng công việc trước đây của các BQLDA cho 3 cơ quan này. Cùng với đó là rà soát, sắp xếp nhân sự theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa, giảm bộ máy cồng kềnh.

Việc thành lập các BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, liệu “liều thuốc mới” trong đầu tư công đưa về một mối sẽ mang lại hiệu quả, hay chỉ là “bình mới rượu cũ"?

Nhiều cán bộ lãnh  đạo ở các đơn vị chức năng cho rằng, để phát huy hiệu quả các công trình đầu tư, xây dựng sau khi thành lập các BQLDA cần phải có sự chỉ đạo thống nhất từ UBND tỉnh và sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan với BQLDA; kết nối giữa cơ quan quản lý ngành với chủ đầu tư để tranh thủ các nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các sở, ngành phải thay đổi nhận thức về lợi ích. Có như vậy, mới phát huy hiệu quả trong việc sáp nhập các BQLDA.

Việc sáp nhập các BQLDA đầu tư xây dựng cũng đã phát sinh những vấn đề về tổ chức, sắp xếp việc làm cho cán bộ, công nhân viên thuộc các BQLDA sau khi sáp nhập. Vấn đề đặt ra là, khi bàn giao “nguyên trạng” các BQLDA của sở, ngành về BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành sẽ có những cán bộ, công nhân viên đảm nhận cùng một việc. Trong khi đó, không thể điều chuyển nhân sự ở những ban này về trở lại các sở, ngành để làm nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài ra, việc xác định chủ đầu tư cũng đang đặt ra nhiều vấn đề trong mối quan hệ giữa các BQLDA với các sở, ngành.

Nhiều ý kiến gợi mở nếu các BQLDA hoạt động hiệu quả, thì việc sử dụng nhân sự không phải là vấn đề quá “đau đầu”. Bởi theo Luật Xây dựng 2014 cũng như Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thì khi các BQLDA đầu tư xây dựng hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp có thể nhận uỷ thác quản lý dự án theo hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư khác khi được yêu cầu, phù hợp với năng lực hoạt động của mình, hoặc giám sát thi công xây dựng công trình khi đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật... cho bất kỳ một chủ đầu tư nào, bất kỳ một dự án thuộc nguồn vốn nào. Điều này sẽ góp phần gia tăng nguồn việc, gia tăng thu nhập cho toàn thể cán bộ, công nhân viên của BQLDA. Do đó, các BQLDA vẫn có thể giữ số lượng nhân sự ở các ban trước đây.


Bài, ảnh: NG. TRIỀU - L. ĐỨC

 

Sáp nhập các Ban Quản lý dự án là tất yếu

Đó là nhận định của ông Từ Văn Tám - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng lĩnh vực NN&PTNT, xoay quanh câu chuyện sáp nhập các BQLDA từ các sở, ngành về một đầu mối.
 
Theo ông Tám, đầu tư xây dựng công trình từ nguồn vốn ngân sách tỉnh lâu nay được giao cho các sở, ngành làm chủ đầu tư. Theo Luật Xây dựng mới 2014, thì chủ đầu tư là đơn vị phải “có nghề” và chuyên trách. BQLDA phải chuyên nghiệp, nên việc sáp nhập sẽ đảm bảo tính chuyên môn hóa, nâng cao năng lực quản lý và vận hành theo cơ chế mới. Hiệu quả hay không phải chờ thực tiễn, nhưng đây là việc làm đúng đắn để tăng tính hiệu quả trong đầu tư công.

-PV: Thưa ông, hiện vẫn còn nhiều đơn vị vẫn còn băn khoăn sau khi sáp nhập là do đâu?

Ông TỪ VĂN TÁM: Trước khi sáp nhập thì các sở, ngành được giao làm chủ đầu tư các dự án. Cũng có một số BQLDA làm tốt công tác quản lý dự án, nên khi sáp nhập các đơn vị còn phân vân liệu rằng BQL chuyên ngành có làm tốt hơn,  hay là sau một thời gian thì trở lại như cũ.
 
-PV: Ông có thể cho biết những hiệu quả sẽ đạt được sau khi sáp nhập các BQLDA?

Ông TỪ VĂN TÁM: Theo tinh thần của Luật Xây dựng 2014, cần tách bạch giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng công trình ở các khâu như: Thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, kiểm tra công tác nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng, đồng thời thanh tra kiểm toán dự án... Việc thực hiện dự án sẽ không còn chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong đầu tư xây dựng cho nên chất lượng công trình sẽ được nâng lên, kinh phí đầu tư sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn. Về bộ máy sẽ tinh gọn hơn. Ví dụ trước đây mỗi BQLDA đều có văn thư, thủ quỹ, kế toán trưởng... nay nhập về một ban nên mỗi chức danh chỉ cần một người.

Bộ máy chuyên nghiệp nên việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng sẽ tốt hơn, quy định chặt chẽ từ khâu chuẩn bị mặt bằng xây dựng đến khảo sát thiết kế xây dựng, giấy phép xây dựng, quản lý thi công xây dựng công trình, giám sát thi công, kiểm tra công tác nghiệm thu, kết thúc xây dựng, bảo hành công trình, bàn giao công trình cho đơn vị quản lý sử dụng... BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành được thành lập sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý vốn Nhà nước, đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, trong quá trình thực hiện BQLDA sẽ nâng cao công tác quản lý nhờ đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên sâu.
 

L.ĐỨC - NG.TRIỀU
(thực hiện)

 


 


.