Nỗi niềm của Phước

09:07, 11/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 11 năm cắp sách đến trường là 11 năm cô bé Đoàn Thị Kim Phước (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) gánh chịu mặc cảm vì là nạn nhân chất độc da cam. Giấu nỗi đau tận đáy lòng, Phước vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập, song con đường đến trường của em lắm nỗi chông chênh bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Đường vào nhà cô bé Đoàn Thị Kim Phước gập ghềnh như cuộc đời của chính em vậy. Mẹ con Phước đang ở nhờ nhà ông bà ngoại. Cô Đoàn Thị Minh Dẫn (mẹ của Phước) rưng rưng nước mắt, nói: “Tôi đau yếu suốt. Làm được sào lúa cũng để dành bán lấy tiền cho con bé đi học nên không xây nổi  nhà để ở”. Cô Dẫn năm nay đã 53 tuổi, thân thể gầy yếu lại bị bệnh phong ngứa do ảnh hưởng chất độc da cam.

 

Tranh thủ lúc rảnh rỗi, Phước phụ giúp mẹ công việc nhà.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, Phước phụ giúp mẹ công việc nhà.


Thời con gái, vì mắc bệnh nên không ai dám đến với cô. Gần 40 tuổi, nghĩ mình đã lớn tuổi, về già lấy ai nương tựa, cô Dẫn quyết định làm mẹ đơn thân mặc cho gia đình phản đối. Bé Phước ra đời, chưa kịp tận hưởng niềm vui được làm mẹ, cô Dẫn đã phải vất vả, nhói đau vì con bị sứt môi hở hàm ếch. Ông ngoại Phước bảo: “May mà hồi đó tui nghe dưới thị xã có đoàn phẫu thuật của Mỹ, phẫu thuật miễn phí sứt môi nên chở nó xuống đó, giờ mới được vậy đó, không thì tội con bé lắm”. 7 tháng tuổi, Phước đã trải qua vài lần phẫu thuật chỉnh hình. Vì hở hàm ếch quá nặng, phần xương hàm trên hoàn toàn không có nên giọng nói của Phước bị ngọng nghịu.

Đến tuổi đi học, Phước cũng hăm hở đến trường, nhưng vì giọng nói khó nghe nên em thường xuyên bị các bạn chọc ghẹo. Phước tâm sự: “Em mặc cảm vì giọng nói của mình và gặp khó khăn khi học các môn học như tập đọc hay tiếng Anh. Nhưng càng khó khăn em càng phấn đấu. Sau này em muốn làm bác sĩ răng-hàm-mặt để có điều kiện nghiên cứu về căn bệnh của mình và giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh giống như em, nhưng không biết mẹ có thể nuôi em học được nữa không, sức khỏe của mẹ hiện giờ đã yếu lắm rồi…”. Biết con ham học, cô Dẫn cố gắng làm lụng để có tiền lo cho Phước đến trường. Ông ngoại Phước cho hay: “Mẹ con nó chẳng có ruộng đất gì, tôi cho mẹ con nó sào rưỡi đất để canh tác, mẹ con bé vay mượn khắp nơi để mua thêm bò về nuôi, vất vả lắm nhưng ông bà cũng nghèo nên không giúp đỡ gì được nhiều”.

Năm học tới, Phước lên lớp 12, với thành tích học tập xuất sắc và điểm trung bình các môn học trên 8.0, Phước lạc quan với việc thi vào trường đại học y. Nhưng điều khiến em và mẹ băn khoăn nhất là khoản học phí và tiền ăn học không thể chỉ trông chờ vào sào ruộng, con bò của mẹ. Ông Nguyễn Văn Ba-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Nghĩa Hành bộc bạch: “Phước học rất giỏi. Mong sao cộng đồng xã hội giúp đỡ để con bé đón lấy tương lai tươi sáng, giúp nguôi ngoai phần nào nỗi đau mặc cảm”.
 

Bài, ảnh: Xuân Hiếu

Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Em Đoàn Thị Kim Phước - xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, số điện thoại: 0962.722.439,  hoặc Báo Quảng Ngãi, số 02 Cao Bá Quát, TP. Quảng Ngãi, hoặc qua số tài khoản Báo Quảng Ngãi: 5701 0000 479377 tại Ngân hàng Đầu tư - Phát triển chi nhánh Quảng Ngãi.

 

 


.