(Báo Quảng Ngãi)- Truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là đối với những địa phương ở vùng sâu, vùng xa . Xác định được vai trò đó, những năm gần đây, hệ thống trạm truyền thanh cấp xã, phường, thị trấn…ngày càng được đầu tư và đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác truyền thanh cơ sở hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Giữ vai trò quan trọng
Trong những năm qua, hệ thống thông tin truyền thông nói chung và đài truyền thanh cơ sở nói riêng ngày càng được đầu tư và phát triển. Theo kết quả khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến năm 2013, toàn tỉnh có 974 cột ăng-ten thu phát sóng thông tin di động và 176 đài truyền thanh cơ sở.
Trạm truyền thanh cơ sở hầu hết đều khá chật chội và không được quan tâm đúng mức. |
Thông qua mạng lưới truyền thanh cơ sở, những thông tin quan trọng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những hoạt động diễn ra trên địa bàn cũng như thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội…đã đến được tận thôn, làng. Những chương trình phát thanh tiếng Cor, Hrê, chương trình văn nghệ, thể thao…là “món ăn tinh thần” phong phú được người dân đánh giá cao.
Chị Trần Thị Thu (phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) cho biết: “ Buôn bán quần áo cả ngày ngoài chợ nên tôi bận rộn lắm, không có thời gian rảnh để xem tin tức, coi truyền hình. Nhưng cũng may là loa phát thanh sát ngay chợ, nên tôi có thể vừa bán vừa lắng nghe thông tin. Từ thông tin về thị trường, tới những sự kiện nóng đều được phát trên loa”.
Với việc đảm bảo hai nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng chương trình thời sự của địa phương phát trên loa theo định kỳ và tiếp âm các chương trình của đài phát thanh- truyền hình tỉnh, đài truyền thanh huyện, trạm truyền thanh tại các xã, thị trấn đã giúp thông tin được truyền tải một cách nhanh chóng đến người dân. Nhất là vào mùa mưa bão, nhờ hệ thống truyền thanh cơ sở mà những thông tin về tình hình lụt bão được kịp thời đến với người dân.
... Nhưng yếu nhân lực, thiếu thiết bị
Tính đến cuối năm 2013, trong 176 đài truyền thanh cơ sở tại 176 xã, thị trấn thì đã có đến 87 đài truyền thanh bị hư hỏng, trong đó có 22 đài truyền thanh bị hư hỏng nặng, không thể sửa chữa.
Hiện tại, hầu hết hệ thống đài truyền thanh cơ sở đều được đầu tư từ rất lâu nên nhiều thiết bị đã xuống cấp, lạc hậu. Hệ thống loa truyền thanh ở các xã, thôn vẫn còn quá ít, trong khi địa bàn nông thôn và miền núi thường trải rộng, dân cư lại sống rải rác. Chính vì thế, độ phủ sóng chưa thể giáp tuyến.
Riêng đối với khu vực miền núi, do địa hình nhiều vùng lõm, trong khi công suất của các đài phát thanh huyện chỉ từ 200 - 300w nên nhiều đài cơ sở ở xa trung tâm huyện không tiếp được sóng. “ Đài truyền thanh xã được đầu tư hệ thống máy phát và bộ thu với kinh phí hơn 30 triệu đồng nên chất lượng truyền thanh rất đảm bảo. Nhưng hiện giờ, do chưa đủ kinh phí, mỗi thôn chỉ mới được đầu tư 3 cụm loa nên thông tin vẫn chưa thể truyền tải đến tất cả hộ dân trong xã” - anh Nguyễn Hải Âu, cán bộ chuyên trách của Đài Truyền thanh xã Đức Phong (Mộ Đức) trăn trở.
Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề nhân lực cũng là một trong những yếu tố khiến công tác truyền thanh cơ sở khó có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Thiếu các lớp tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ nên phần lớn các cán bộ truyền thanh tại cơ sở đều chưa thành thục kỹ năng vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả đài truyền thanh và các thiết bị tác nghiệp cơ sở khác. Một thiệt thòi cho người làm công tác truyền thanh ở cơ sở nữa là hiện nay, vẫn chưa có văn bản của cấp có thẩm quyền hướng dẫn việc sản xuất tin, bài, duyệt tin, bài và chi trả nhuận bút cho công tác phát thanh cơ sở.
Nỗ lực củng cố và phát triển
Trước những khó khăn mà các đài truyền thanh cơ sở đang gặp phải, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt đề án tăng cường, củng cố và phát triển hệ thống truyền thông cơ sở từ nay đến năm 2020. Theo đó, sẽ đảm bảo 100 % xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đài truyền thanh không dây hiện đại, hoạt động ổn định, thường xuyên. Tăng cường đào tạo về nghiệp vụ khai thác, xử lý thông tin cho cán bộ quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở và cán bộ văn hóa xã. Song song với quá trình nâng cấp cơ sở vật chất, củng cố về chuyên môn, thời lượng phát sóng của các đài truyền thanh cơ sở cũng sẽ tăng thêm từ 20 - 30 phút/ngày.
Việc xây dựng và củng cố hệ thống đài truyền thanh cơ sở không chỉ giúp đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về mọi mặt đến với nhân dân, mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin của người dân các vùng miền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Vì thế, hệ thống truyền thanh cơ sở đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để có thể khắc phục được những yếu kém và phát huy được vai trò của mình.
*Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng, nhưng trên thực tế lại chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, các trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật của hầu hết các trạm truyền thanh cơ sở đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, để có thể củng cố và đi vào hoạt động hiệu quả, mạng lưới truyền thanh cơ sở đang rất cần sự hỗ trợ về kinh phí để có thể đầu tư, trang bị lại cơ sở vật chất cũng như tập huấn về con người. Sau khi tiến hành khảo sát thực trạng truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT đã tiến hành lập Đề án "Tăng cường, củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020" trình lên UBND tỉnh và UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án. Nếu được đưa vào thực hiện, thì đây sẽ là cơ hội để mạng lưới truyền thanh cơ sở phát triển, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. *Ông Đinh Văn Công - Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tây Trà: Ở vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng dân tộc thiểu số, việc thông tin kịp thời về tình hình thời sự, chính trị, kinh tế - xã hội và những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… nhằm nâng cao nhận thức của người dân là vấn đề cần được ưu tiên. Muốn làm được điều đó, cần phải chú trọng phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở. *Anh Huỳnh Tấn Anh - cán bộ truyền thanh xã Bình Dương (Bình Sơn): Chưa được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nên cán bộ truyền thanh cơ sở như chúng tôi phải tự mày mò tập viết tin, viết bài và kiêm luôn nhiệm vụ sửa chữa máy móc khi có hỏng hóc. Khổ nhất là hệ thống loa phát thanh bị hư hỏng liên tục, nhất là vào mùa mưa bão. Tôi vừa phải dò tìm vị trí đoạn dây loa bị đứt, vừa tự leo trèo, mang vác về sửa chữa. *Bà Lê Thị Trang - thôn Tây Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa): Loa phát thanh ở thôn tôi lúc nghe rõ lúc lại chập chờn chẳng nghe thấy gì. Với lại, thường thì chỉ phát thanh lúc sáng sớm. Thời lượng phát thanh ít quá, nên bà con chúng tôi muốn tăng thời lượng phát thanh lên để có thể nghe được nhiều tin tức hơn. |
Bài, ảnh: Ý THU