(Báo Quảng Ngãi)- Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đã thâm nhập vào Việt Nam. Thời điểm này, Quảng Ngãi cũng đang bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH). Do đó, ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực chủ động ứng phó với các dịch bệnh.
[links()]
Chủ động phòng dịch Covid-19
Thời điểm này, tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Quảng Ngãi, bình quân mỗi ngày có từ 350 - 400 người dân đến khám, điều trị bệnh và tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi đã tăng cường giám sát khám sàng lọc để phát hiện sớm các bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Huy - Khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT TP.Quảng Ngãi) cho biết, dịch Covid-19 trên địa bàn đã tạm lắng, nhưng nguy cơ dịch còn diễn biến khó lường. Trong thời điểm này, trung tâm đang triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi và mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Số người dân đến khám, điều trị và tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhiều, nên y, bác sĩ phải tăng cường khám sàng lọc, phân luồng, điều trị bệnh.
Cán bộ Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi khám sàng lọc cho người dân. |
Tại TX.Đức Phổ, bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19, TTYT TX.Đức Phổ đã triển khai công tác phòng, chống dịch đồng bộ đến các xã, phường trên địa bàn. Đồng thời, tăng tuyên truyền để người dân cảnh giác với nguy cơ mắc Covid-19. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các phương án giả định để ứng phó với biến chủng mới của Covid-19, nếu dịch xảy ra.
Dập dịch sốt xuất huyết
Cùng với phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung ứng phó với dịch SXH. Theo thống kê chưa đầy đủ, TP.Quảng Ngãi hiện có hơn 221 ca mắc bệnh SXH, lưu hành ở 17 ổ dịch trên địa bàn. Đây là địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao nhất tỉnh. Riêng trong tháng 6, có hơn 100 ca mắc SXH.
Nhân viên y tế phun hoá chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). |
Cùng với đó là tăng cường giám sát các ca bệnh tại cộng đồng, xử lý các ổ dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên hiện các ổ dịch ở phường Lê Hồng Phong, xã Tịnh Ấn Tây và xã Tịnh Khê chưa thể dập dịch. Nguy cơ dịch bùng phát ở các địa phương này trong 7- 15 ngày đến là rất lớn... “UBND TP.Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo các phòng chức năng tham mưu để bố trí kinh phí mua hóa chất phòng, chống dịch SXH, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Vì vướng mắc này nên 3 địa phương trên chưa có kinh phí để triển khai công tác dập dịch”, ông Trung nói.
Đối với TTYT huyện Tư Nghĩa, nhờ chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống và dập dịch SXH trên địa bàn, chú trọng các vùng ven sông suối, nên dịch SXH đã được kiểm soát. Trên địa bàn huyện có 3 ổ dịch SXH, TTYT huyện đã tiến hành phun hóa chất, diệt bọ gậy, lăng quăng phòng dịch.
Tăng cường tuyên truyền
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Phạm Minh Đức cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 và dịch SXH, Sở Y tế đã chỉ đạo tuyến y tế cơ sở, bệnh viện đẩy mạnh giám sát, phân luồng, sàng lọc đối với tất cả người dân đến khám bệnh. Thực hiện chặt chẽ việc khai báo y tế, bố trí phòng cách ly để cách ly khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, SXH. Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch SXH qua pa nô, áp phích, hình ảnh trực quan để người dân biết cách ứng phó với các dịch bệnh.
|
Bài, ảnh:
TRƯỜNG AN