(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, số F0 tại các huyện miền núi trong tỉnh đang gia tăng. Do đó, việc triển khai các biện pháp cách ly, điều trị, hạn chế lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía.
[links()]
Tại xã Sơn Long (Sơn Tây), nơi giáp với xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum), tình hình dịch Covid-19 những ngày qua diễn biến phức tạp. Có những ngày, trên địa bàn xã xuất hiện hàng chục ca F0, lúc cao điểm nhất là 50 ca. Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, nguyên nhân dịch gia tăng là do số người dân trong xã đi làm ở các nơi khi test dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thì trở về địa phương để điều trị tại nhà. Do quá trình điều trị tại nhà chưa tuân thủ các quy định, nên lây lan nhanh cho người thân và cộng đồng.
Một gia đình có người mắc Covid-19 thực hiện cách ly điều trị tại nhà ở xã Ba Xa (Ba Tơ). |
Từ sau tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, số lượng F0 ở huyện miền núi Ba Tơ tăng mạnh, nhiều nhất là thị trấn Ba Tơ, sau đó đến xã Ba Xa. Theo Chủ tịch UBND xã Ba Xa Phạm Văn Thiết, ngày nào cán bộ xã cũng đi hàng chục cây số để trao quyết định cách ly, điều trị F0 tại nhà cho người dân. Có ngày lên đến hơn 30 ca. Đó là chưa kể nhiều vùng dân cư thưa thớt, xa trung tâm xã, người dân chưa khai báo đầy đủ, xã cũng không nắm hết được số ca F0.
"Mặc dù người bị nhiễm F0 khai báo, nhưng vì quá đông, nên việc ra quyết định cách ly điều trị tại nhà không kịp thời. Việc treo bảng theo quy định tại nhà có F0 cũng chưa thật đầy đủ. Xã vận động gia đình có F0 thì rào cổng ngõ lại, thông báo cho các hộ gần nhà biết, rồi ở nhà điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế qua điện thoại. Sau đó, hằng ngày báo cáo tình hình sức khỏe cho cán bộ y tế để theo dõi, hướng dẫn thêm. Đến nay, nhiều F0 khỏi bệnh, nhưng ca mới vẫn tăng cao", ông Thiết lo lắng nói.
Các địa phương ở các huyện Trà Bồng, Minh Long cũng trong tình cảnh tương tự. Việc quản lý, hướng dẫn, theo dõi F0 cách ly điều trị tại nhà được giao cho các xã, thị trấn. Tuy nhiên, do số ca F0 quá nhiều, lực lượng y tế cơ sở mỏng, thuốc hỗ trợ điều trị còn thiếu; còn lương thực, thực phẩm chưa đảm bảo để gia đình có F0 yên tâm điều trị tại nhà. Thậm chí, một số người mắc Covid-19 không tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế, vẫn uống rượu và tiếp xúc gần với người trong nhà, trong khu dân cư. Đây là nguyên nhân chính khiến việc điều trị F0 khỏi bệnh ở miền núi kéo dài, bình quân từ 10 - 20 ngày. Hơn nữa, điều kiện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà ở miền núi, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa đảm bảo, nên dịch lây lan rất nhanh.
Bài, ảnh:
THANH NHỊ