Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng khó khăn

10:11, 11/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác DS - KHHGĐ của Quảng Ngãi đạt những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mức sống của người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Tình trạng sinh dày, sinh nhiều chưa cải thiện đã ảnh hưởng đến chất lượng dân số.
TIN LIÊN QUAN

Là huyện miền núi, nhưng những năm gần đây công tác dân số ở huyện Minh Long đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó tỷ lệ sinh con thứ ba hằng năm giảm còn dưới 6%. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân, nâng cao chất lượng dân số.
Cán bộ dân số huyện Tây Trà truyền thông DS-KHHGĐ cho phụ nữ trên địa bàn huyện.
Cán bộ dân số huyện Tây Trà truyền thông DS-KHHGĐ cho phụ nữ trên địa bàn huyện.

Kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện trong việc thực hiện thành công nhiều mô hình, gắn kết cộng đồng, nâng cao nhận thức về chính sách DS - KHHGĐ.

Điển hình là mô hình câu lạc bộ (CLB) “Thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ”, CLB thôn, xã không sinh con thứ 3 phân bổ rộng khắp ở 5/5 xã của huyện, thu hút nhiều gia đình trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Nhờ đó, địa phương duy trì chỉ tiêu thôn, khu dân cư nhiều năm liền không sinh con thứ ba...

Tuy nhiên, không phải địa phương miền núi nào cũng duy trì được mức giảm sinh thấp, chất lượng dân số được cải thiện như ở Minh Long. Công tác dân số ở nhiều huyện miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như huyện Tây Trà là một trong những địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao nhất tỉnh.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, trong 9 tháng năm 2019, tỷ lệ sinh con thứ ba ở địa phương tăng cao (hơn 18%). Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở Tây Trà cũng chiếm 45% thể cân nặng và 50% thể thấp còi.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà Hồ Văn Toàn chia sẻ: “Một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, chất lượng cuộc sống người dân chưa được cải thiện là tình trạng sinh đẻ thiếu kế hoạch, đẻ dày, đẻ nhiều, nạn tảo hôn vẫn còn xảy ra. Cùng với đó, nhận thức về công tác DS - KHHGĐ của người dân cũng chưa được cải thiện”.

Còn tại huyện Sơn Tây, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, bác sĩ Châu Nguyễn Thương cũng bày tỏ khó khăn: “Nhiều chị em thiếu kiến thức về làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường sinh sản... Dù tỷ lệ sinh con thứ ba của huyện giảm còn 10%, nhưng chưa ổn định".

Mục tiêu cơ bản trong công tác DS - KHHGĐ của Quảng Ngãi đến năm 2020 là duy trì mức sinh hợp lý ở vùng đồng bằng, tiếp tục giảm sinh ở vùng cao, vùng có mức sinh cao, nâng cao chất lượng dân số, khống chế tốc độ gia tăng chênh lệch giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Đặng Chính cho biết: "Để đạt mục tiêu trên, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các tổ chức đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm, tập quán lạc hậu, nhằm nâng cao chất lượng dân số, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững ở khu vực miền núi của tỉnh...".

Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 

.