(Báo Quảng Ngãi)- “Sinh ít con để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là phương châm hoạt động của các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 ở huyện Trà Bồng. Sau nhiều năm hoạt động, các CLB đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số của địa phương.
Là địa bàn miền núi, hơn 80% dân số là đồng bào Cor sinh sống, số lượng cán bộ dân số mỏng, kinh phí truyền thông ít... là những rào cản trong công tác DS-KHHGĐ ở Trà Bồng trong những năm trước đây. Cách đây 5 năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện đều trên 18%/năm.
Để kiểm soát tốc độ gia tăng, duy trì mức sinh ổn định, huyện đã triển khai các đề án như “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân... Đẩy mạnh thực hiện mô hình 10 CLB phụ nữ không sinh con thứ 3; thôn, tổ không sinh con thứ 3, nên đã góp phần giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số.
Buổi sinh hoạt CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 ở xã Trà Thủy. |
Xã Trà Thủy có hơn 90% đồng bào dân tộc Cor sinh sống. Nhiều năm trước, do trình độ nhận thức còn hạn chế, nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên 20%, dẫn đến số hộ nghèo và cận nghèo tăng, trẻ em suy dinh dưỡng còn cao... Để khắc phục tình trạng này, Hội Phụ nữ xã cùng với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thành lập CLB phụ nữ không sinh con thứ 3.
Để tham gia CLB, các thành viên phải cam kết không sinh con thứ 3 và cùng giúp nhau phát triển kinh tế. Chị Hồ Thị Diễm - Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Khi mới thành lập, CLB gặp nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động chị em tham gia sinh hoạt, bởi tư tưởng sinh nhiều con đã ăn sâu trong tiềm thức.
Trước thực trạng đó, hàng tháng cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn, cán bộ phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp KHHGĐ; đến từng gia đình gặp gỡ, chia sẻ, giúp họ hiểu rõ lợi ích của việc sinh con ít, vận động các cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt CLB. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các cuộc họp khu dân cư; đổi mới nội dung tuyên truyền... Nhờ đó, nhiều cặp vợ chồng đã tự nguyện đăng ký tham gia CLB.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là những hoạt động của các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 đã góp phần hạn chế mức sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện. Đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện giảm còn 12%. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện có gần 5.000 chị em được chăm sóc sức khỏe sinh sản, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
"Thời gian tới, ngoài phát huy hiệu quả các mô hình trên, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo đối với công tác DS - KHHGĐ. Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của huyện, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền; hướng dẫn và đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác truyền thông để tăng số người áp dụng các biện pháp tránh thai và thực hiện mô hình gia đình ít con, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện", Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Trần Quốc Đạt cho biết.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG