(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, dù tỉnh ta có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, nhưng việc nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 8,2%o; tỷ suất sinh thô 14,4%o; tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 10,7%; mức giảm tỷ suất sinh: 0,2%o...
Cùng với đẩy mạnh giải pháp giảm sinh tại các địa phương, ngành dân số cũng tăng cường thực hiện các mô hình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số. Đáng chú ý là mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đã và đang tiếp tục duy trì hoạt động tại 120 CLB của 30 xã thuộc 13/14 huyện.
Tăng cường tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ tới đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. |
Các địa phương còn đẩy mạnh truyền thông về Luật Hôn nhân gia đình; phòng chống tình trạng tảo hôn trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, góp phần nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên trẻ tại cơ sở. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí triển khai thực hiện nên đến nay Đề án này chỉ duy trì 120 CLB của 30 xã, chưa được triển khai nhân rộng.
Mô hình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được duy trì triển khai tại 14 huyện, thành phố. Trong năm 2016, toàn tỉnh có gần 900 trường hợp được lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh để sàng lọc sơ sinh và gần 400 ca mẫu máu lấy từ đầu ngón tay bà mẹ mang thai để sàng lọc trước sinh, tất cả đều được sàng lọc miễn phí tại Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh. Qua đó đã phát hiện trẻ sơ sinh bị thiếu men G6PD tại 2 xã: Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), Đức Thạnh (Mộ Đức). Duy trì và thực hiện tốt Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, nhằm hạn chế tình trạng chọn lọc giới tính, hạn chế chênh lệch giới tính khi sinh. Nhờ đó, tỷ số giới tính khi sinh hiện nay đạt 111,04/100 (nam/nữ).
Để giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, các địa phương còn xây dựng nhiều khu dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đến nay có 97 thôn, tổ không có người sinh con thứ 3 trở lên liên tục từ 4- 21 năm liền...
Bên cạnh đó, công tác DS-KHHGD tỉnh vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Cụ thể là, tỷ lệ giới tính khi sinh có chiều hướng gia tăng, chỉ tiêu về sàng lọc trước sinh chưa đạt kế hoạch; chăm sóc sức khỏe (CSSK) sinh sản cho công nhân còn hạn chế; công tác tiếp thị xã hội, xã hội hóa các dịch vụ CSSK sinh sản và cung cấp phương tiện tránh thai còn hạn chế; tổ chức bộ máy chưa thật sự ổn định.
Để khắc phục những tồn tại đó, thời gian đến, ngành dân số sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ đối với người dân, xem công tác truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ là một giải pháp quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ. Lựa chọn các nội dung, đối tượng, thông điệp truyền thông phù hợp với đặc thù và tình hình thực tế công tác DS-KHHGĐ của tỉnh, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Bài, ảnh: KN