(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 5 năm, Tây Trà là địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cao, luôn ở mức trên 20%. Các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ, nhờ đó đã hạn chế được tình trạng sinh dày.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Huyện Tây Trà có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Cor. Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, nhận thức về công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế nên tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên luôn ở “tốp” đầu của tỉnh. Trước thực tế trên, cấp ủy, chính quyền huyện Tây Trà đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Huyện đã tranh thủ nguồn lực từ Chương trình 30a, đầu tư kinh phí để triển khai công tác DS-KHHGĐ. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện.
Cán bộ dân số xã Trà Phong tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. |
Hằng năm, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đều tổ chức hai đợt chiến dịch tại các xã nhằm chăm sóc tốt sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong diện tuổi sinh đẻ, vận động áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Chính vì vậy, đến nay hơn 78% phụ nữ trong diện tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ suất sinh thô hằng năm giảm đáng kể, từ 12‰ năm 2011 đến năm 2015 giảm còn 8,2‰. Nếu như năm 2011, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 7,6 con, thì đến nay đã giảm còn 2,8 con/cặp vợ chồng. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn giảm còn 1% trong năm 2015. Tỷ lệ sinh con thứ 3 từ 20% năm 2011, đến nay giảm còn 12%.
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tây Trà cho biết, huyện luôn xác định mục tiêu xóa đói, giảm nghèo gắn liền với công tác DS-KHHGĐ. Ngoài tranh thủ sự đầu tư kinh phí của huyện, trung tâm chú trọng đổi mới công tác truyền thông để phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng thành phần dân tộc, từng đối tượng… Huy động sự vào cuộc của hội đoàn thể các cấp, già làng, trưởng bản để nâng cao nhận thức cho đồng bào, từng bước giảm sinh.
Xã Trà Phong là một trong những điểm sáng của huyện Tây Trà trong công tác DS-KHHGĐ. Chị Hồ Thị Trinh - Cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: Để việc tuyên truyền ăn sâu vào tâm thức người dân, cán bộ làm công tác dân số đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, già làng, người có uy tín ở thôn trực tiếp đến nhà dân vận động, tuyên truyền. Nhờ đó, trong năm 2015 toàn xã đã có 16 chị thực hiện đình sản, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 12%.
Ông Đỗ Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết, thông qua Chương trình 30a, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm UBND huyện hỗ trợ từ 200 - 350 triệu đồng để Trung tâm DS-KHHGĐ huyện có nguồn lực thực hiện các chương trình và tăng cường truyền thông DS-KHHGĐ. Chính vì vậy mà công tác giảm sinh trên địa bàn từng bước đạt hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Lâm mặc dù giảm được tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, nhưng công tác DS-KHHGĐ của huyện còn nhiều thách thức. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể nhưng chưa bền vững; quy mô dân số lớn; chất lượng dân số thấp...
Để vấn đề dân số không còn là “gánh nặng” trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, thời gian tới huyện Tây Trà cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, nâng cao nhận thức, hành vi cho các gia đình, động viên, thuyết phục các cặp vợ chồng lựa chọn các biện pháp tránh thai, chấp nhận mô hình ít con để xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt các mô hình; đề án dân số. Gắn việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ với thực hiện quy ước, hương ước thôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG