An toàn vệ sinh thực phẩm: Mối lo chung

02:04, 12/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đó cũng là chủ đề của Ngày sức khỏe thế giới (8.4) năm nay.
 
Theo WHO, thực phẩm không an toàn liên quan đến khoảng 2 triệu người tử vong mỗi năm, chủ yếu là trẻ em. Thực phẩm chứa các vi khuẩn có hại, virus, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học gây nên hơn 200 bệnh khác nhau từ tiêu chảy đến bệnh ung thư. Vì vậy, Ngày sức khỏe thế giới năm 2015 sẽ được chú ý tới một số mầm bệnh do thực phẩm mang lại.

Trên địa bàn tỉnh ta, vấn đề ATVSTP lâu nay vẫn đang là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng và là nỗi lo thường trực của người dân. Ngày nào cũng vậy, mỗi khi đi chợ về, bà Nguyễn Thị Ngọc (57 tuổi, ở phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi) cũng ngâm nước muối tất tần tật các loại thực phẩm như cá, thịt, rau, củ, quả… rồi mới cho vào nồi nấu. “Bây giờ người ta ngâm, tẩm thuốc để giữ đồ tươi lâu nên mình ngâm nước muối cho chắc. Ăn gì bây giờ cũng sợ, vì mình không biết nguồn gốc nguyên liệu có an toàn hay không”, bà Ngọc lý giải. Tuy vậy bà Ngọc vẫn cứ thấy lo sợ thực phẩm không an toàn. Bà Ngọc cho biết: “Nhiều lúc mua trái cây về dùng, bên ngoài thì bắt mắt nhưng khi bổ ra thì bên trong thối rữa không ăn được. Thường những thực phẩm này đã tẩm hóa chất”.  

 

Một cơ sở bán thịt bò tái trên địa bàn TP.Quảng Ngãi chế biến thức ăn dưới nền nhà bẩn.
Một cơ sở bán thịt bò tái trên địa bàn TP.Quảng Ngãi chế biến thức ăn dưới nền nhà bẩn.

Ông Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Chủ đề Ngày Sức khỏe thế giới năm 2015 cảnh báo cho mọi người về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm, và trách nhiệm của mỗi người để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng khi sử dụng thực phẩm. Trên địa bàn tỉnh ta, lâu nay thông qua việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSTP đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm. Tuy nhiên, một trong những mối lo hiện nay đó là khó kiểm soát kịp thời nguồn gốc của rau, củ, quả, thịt, trứng... Để đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành có liên quan như y tế, công thương, công an, nông nghiệp và phát triển nông thôn trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Thực tế trong thời gian gần đây, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh kém an toàn, khiến cho người dân không khỏi lo ngại. Điển hình như vi phạm tại cơ sở giết mổ heo của bà Trương Thị Đa, ở thôn Châu Me, xã Đức Phong (Mộ Đức). Khu vực giết mổ kém vệ sinh; cơ sở không có giấy đăng ký chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP.

Heo sau khi mổ xong đều được chủ cơ sở khò điện để da săn lại, sau đó ngâm vào nước giả làm heo rừng bán cho các quán ăn, nhà hàng. Heo không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Hay vụ phát hiện cơ sở mổ bò trái phép của ông Nguyễn Thanh Tiến, ở tổ 16, phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi bơm nước vào dạ dày bò để tăng trọng lượng. Mới đây nhất, Chi cục ATVSTP tỉnh qua kiểm tra đã phát hiện trên 6.800 lít nước mắm của một cơ sở ở làng nghề nước mắm Đức Lợi (Mộ Đức) có sử dụng chất tạo ngọt tổng hợp Cyclamate. Đây là chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế…

Về phía nhà sản xuất, nhiều người thiếu ý thức, chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng hiện nay cũng theo thói quen “tiện đâu mua đấy”, chưa thực sự quan tâm nhiều đến các vấn đề ATVSTP. Theo thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh, trong năm 2014 các ngành chức năng đã phát hiện hơn 4.000 cơ sở vi phạm các quy định ATVSTP. Công tác giám sát mối nguy được thực hiện và đã phát hiện nhiều thực phẩm nhiễm khuẩn Ecoli, hàn the và hàm lượng Methanol vượt mức cho phép.

“Trong thời gian đến, đề nghị các cấp, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa vai trò quản lý để đảm bảo ATVSTP. Loại hình thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ mọc lên ngày càng nhiều, đòi hỏi sự vào cuộc quản lý mạnh mẽ của chính quyền các địa phương. Người tiêu dùng cần quan tâm, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh trong chế biến, sử dụng và bảo quản để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình”, ông Oai đề nghị.
    
Bài, ảnh: KN
 

.