(Báo Quảng Ngãi)- Gần đây, nhiều trạm y tế (TYT) cơ sở đã và đang từng bước thu hút được người dân địa phương đến khám-chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều TYT xã, phường chưa phải là “điểm đến” của người dân vì điều kiện vật chất, trang thiết bị còn quá thiếu thốn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trạm y tế xã “hút” bệnh nhân
Trạm Y tế xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vừa được xây dựng khá khang trang với 18 phòng, có đầy đủ phòng chức năng như phòng khám bệnh, phòng khám thai, phòng đỡ đẻ, phòng đông y, phòng cấp cứu... Ngoài ra, trạm còn được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim…
Khám chữa bệnh cho người dân ở Tạm y tế xã Nghĩa Hòa. |
Đội ngũ cán bộ, y-bác sĩ của trạm cũng được chuẩn hóa với 1 bác sĩ, 4 y sĩ, trong đó có 1 y sĩ đang học bác sĩ đông y, 2 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng, 1 dược sĩ. Y sĩ Phạm Thị Anh-Phó trưởng TYT xã Nghĩa Hòa cho biết: Hiện nay tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT tại trạm đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây (từ 30-40 bệnh nhân/ngày). TYT xã cũng tiếp nhận hầu hết các ca sinh thường của người dân trên địa bàn xã. Phòng khám đông y của trạm cũng phát huy hiệu quả cao khi trung bình hằng tháng có trên 300 lượt khám, châm cứu. Có tháng lên đến 600 -700 lượt bệnh nhân đến khám. Bà Ngô Thị Miên – người dân xã Nghĩa Hòa, hồ hởi bảo: “Trạm được xây dựng khang trang, sạch đẹp như thế này chúng tôi rất phấn khởi, giờ có bệnh thì đến trạm khám cho gần, khỏi phải đi đâu xa”.
Được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi nên TYT xã Nghĩa Hòa “hút” được bệnh nhân đến KCB. Đồng thời, trạm còn tổ chức nhiều chương trình truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm…được nhiều người dân tham gia.
“Đìu hiu” y tế phường
Trái với sự đông đúc của TYT xã Nghĩa Hòa, TYT phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) chỉ đông khi đến đợt tiêm vắc-xin cho trẻ, ngày bình thường không có mấy bệnh nhân đến khám tại trạm. Y sĩ Nguyễn Thị Thanh Thanh – Phó trưởng Trạm y tế phường Trần Phú cho biết: Những ngày bình thường, trạm chỉ có từ 15 đến 20 bệnh nhân BHYT đến khám và xin thuốc, chủ yếu là các bệnh thông thường, hầu như không có bệnh nhân lưu trú. Số lượng bà mẹ khám thai tại trạm cũng khá đông (40-50 bà mẹ mang thai/tháng), tuy nhiên vì không có máy siêu âm nên chỉ thực hiện thăm khám bằng tay.
Đội ngũ y-bác sĩ tại trạm cũng chưa được kiện toàn, hiện trạm có 2 y sĩ, 2 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng và 1 dược sĩ (hợp đồng), 1 bác sĩ được tăng cường từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. Mảng đông y được 1 y sĩ kiêm nhiệm. Trạm có máy điện tim, máy xét nghiệm nhưng cũng “đắp mền” vì ít bệnh nhân đến khám.
Y sĩ Thanh cho biết thêm, vì TYT phường nằm gần với bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, tâm lý người dân vẫn muốn lên tuyến trên với suy nghĩ để được KCB tốt hơn... Mặc dù khám tại phường có nhiều thuận lợi như gần nhà, không phải chờ đợi lâu, nhân viên y tế phục vụ tận tình, thuốc men đầy đủ nhưng do chưa có máy siêu âm, chưa có các máy xét nghiệm thường quy, máy đo đường huyết… nên TYT phường Trần Phú có ít người dân đến KCB. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều TYT xã, phường trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Toàn tỉnh hiện có 78 TYT xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các TYT chuẩn quốc gia được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị, đội ngũ y-bác sĩ được kiện toàn, chất lượng KCB được nâng cao. Nhiều loại bệnh trước đây thường phải chuyển lên tuyến trên, giờ đây đã được phát hiện, điều trị tại trạm, giảm bớt chi phí cho người bệnh. Hơn nữa, phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực, đúng phương pháp không những bệnh chóng khỏi mà điều quan trọng hơn là hạn chế tối đa các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh...
Tuy nhiên, điều đáng bận tâm hiện nay là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều TYT chưa phát huy hiệu quả. Ngành y tế cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để y tế cơ sở được phát triển đồng bộ, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân, góp phần giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên.
Bài, ảnh: Vũ Yến