(Báo Quảng Ngãi)- Chất lượng khám-chữa bệnh (KCB) cho đối tượng có thẻ BHYT từng bước được nâng cao. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người tham gia BHYT.
Bất cập giữa quy định và thực tế điều trị, thiếu thống nhất về từ ngữ chuyên môn, quy định còn chồng chéo, thiếu tính công khai, minh bạch... là những nguyên nhân khiến hàng loạt bệnh viện bị xuất toán BHYT (không được BHXH thanh toán chi phí khám, chữa bệnh) trong thời gian qua. Đơn cử như ở Trung tâm Y tế huyện Minh Long, theo quy định của ngành y tế, sản phụ dưới 36 tuần thai, khi chuyển dạ được xem là sinh non, sản phụ cần được chuyển lên bệnh viện tuyến trên theo dõi, điều trị để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, khi Trung tâm Y tế huyện Minh Long thực hiện đúng quy định, chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến tỉnh điều trị thì BHXH lại xuất toán, người bệnh không được cơ quan BHXH thanh toán chi phí KCB.
Cần đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân tham gia BHYT. |
Bác sĩ Nguyễn Tấn Dũng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Long, bức xúc: “Cán bộ BHXH bảo rằng tại sao thai nhỏ hơn 36 tuần vẫn để ở tuyến huyện sinh được, thì cớ gì thai 36 tuần lại chuyển viện. Chúng tôi không bằng lòng với cách lập luận này. Nếu trường hợp này để lại tuyến huyện, khi xảy ra tai biến trong sản khoa thì ai là người chịu trách nhiệm” . Ngay cả trường hợp bệnh nhân chuyển dạ đẻ, tiền chuyển dạ khi nhập viện, bác sĩ chỉ định siêu âm thai để kiểm tra trước khi sinh cũng bị xuất toán. Hay như trường hợp người bệnh bị ong đốt, diễn biến nặng phải nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện cũng bị BHXH xuất toán.
Việc thanh toán chi phí KCB có thẻ BHYT còn nhiều điều bất hợp lý. Theo quy định đối với bệnh nhân lao, phải được điều trị đúng cách và lâu dài. Theo phát đồ điều trị, bệnh nhân phải ở lại cơ sở y tế trong vòng 60 ngày. Thế nhưng khi Trung tâm Y tế huyện Minh Long tiếp nhận điều trị, thì vẫn bị xuất toán với lý do “bệnh nhân lao về tuyến xã điều trị, hằng ngày đến trạm tiêm thuốc chứ không cần điều trị nội trú”. Ngay cả trường hợp ngày nghỉ, lễ, các trung tâm, trạm y tế phát thuốc cho người bệnh cũng đều bị xuất toán. “Đồng bào vùng sâu, vùng xa, họ không biết ngày lễ, ngày nghỉ là gì cả. Khi ốm đau họ cứ đến cơ sở y tế. Đa số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi đều tập trung cứu chữa, phát thuốc cho bệnh nhân. Khi không được cơ quan BHXH thanh toán, chúng tôi buộc phải tự bỏ kinh phí để điều trị cho bà con”, bác sĩ Châu Nguyễn Thương-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà nói.
Bên cạnh những bất cập trong khâu quyết toán BHYT, việc đầu tư về nhân, vật lực cho ngành y tế ở một số nơi cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ sở KCB đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho công tác KCB, nhất là tuyến y tế xã. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng KCB. Thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 có 90% dân số tham gia BHYT. Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, các ngành chức năng cần sớm khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý trong thanh toán BHYT; đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao hơn nữa chất lượng KCB.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG