(QNĐT)- Tại buổi làm việc với UBND huyện Ba Tơ và ngành y tế tỉnh sáng 14/3, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân- Phó Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho biết: Bộ y tế đã kết luận nguyên nhân gây Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân là do nhiễm độc tố vi nấm. Trong đó, chủ yếu là do độc chất Aflatoxin có trong gạo mốc.
Sáng 14/3, PGS.TS Phan Trọng Lân- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã đến khảo sát tại thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, Ba Tơ- nơi khởi phát Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Đi cùng đoàn với Phó Cục trưởng còn có chuyên gia về dịch tễ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cùng các chuyên gia của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang và lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi.
Khác với những lần khảo sát trước, các chuyên gia đã không còn lấy mẫu đất, nước, tóc… mà chỉ lấy mẫu gạo của các gia đình có người bị bệnh. Bởi, theo nhận định của Bộ Y tế, gạo mốc- loại gạo đồng bào Ba Điền vẫn ăn xưa nay là nơi chứa tác nhân gây bệnh.
PGS.TS Phan Trọng Lân- Phó Cục trưởng Cục y tế dự phòng và ông Nguyễn Tấn Đức- Phó Giám đốc Sở Y tế kiểm tra gạo ăn của dân làng Rêu |
PGS.TS Nguyễn Trần Hiền- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định: Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy 100% ca bệnh mắc ở huyện Ba Tơ và Sơn Hà đều ăn gạo mốc, gạo cũ để lâu ngày. Loại lương thực này lại chứa độc chất Aflatoxin cao gấp 9 lần so với mức độ cho phép. Độc chất này khi ngấm vào người sẽ tác động phá huỷ chức năng gan, gây ung thư gan.
Cùng với việc lấy mẫu gạo, thóc chứa trong nhà kho của các gia đình, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng khảo sát, thăm hỏi về thói quen ăn gạo của người dân. Gia đình bà Phạm Thị Sao cũng có người vừa mới bị tái phát bệnh. Khi được hỏi, bà Sao cho biết: Gạo nhà nước đã hết từ lâu. Hai tháng trở lại đây, gia đình tôi sử dụng gạo nương.
“Do được cán bộ chỉ dẫn về cách bảo quản nên chúng tôi cũng phơi khô thóc trước khi xay thành gạo rồi sử dụng. Nhưng không hiểu sao, vẫn có người mắc bệnh”- Bà Sao tỏ ra lo lắng.
Theo kết luận của Bộ Y tế, gạo mốc chính là thực phẩm chứa tác nhân gây bệnh |
PGS.TS Viên Quang Mai- Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang lý giải: Đến nay, nhận thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân của đồng bào đã khá cao. Đồng bào đã chủ động phơi khô thóc mới đem sử dụng. Tuy nhiên, điều kiện bảo quản ở những nhà kho làm bằng gỗ vẫn chưa được đảm bảo. Tình trạng thóc ẩm mốc, vón cục xảy ra ở hầu hết các kho thóc của nhân dân Làng Rêu.
“Hai tháng trở lại đây, công tác cấp phát gạo trắng, thuốc bổ, vitamin cho người dân đã không còn đều đặn. Tình trạng người dân quay trở lại ăn gạo ủ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến của Hội chứng viêm da”- Tiến sĩ Mai cho biết thêm.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Ba Tơ, PGS.TS Phan Trọng Lân cũng đã khẳng định: Tuy gạo mốc không phải là tác nhân gây bệnh, nhưng chính là nơi tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh- chất Aflatoxin phát triển với nồng độ cao gây ra Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Do vậy, cần khuyến cáo người dân không nên ăn gạo mốc hoặc gạo nhà nước cấp để trong thời gian quá lâu.
Tuy nhiên, sau khi đã kết luận được nguyên nhân gây bệnh, Bộ Y tế vẫn chưa thể đưa ra biện pháp điều trị cụ thể và hiệu quả nhất. Trong đợt khảo sát này, chuyên gia về dịch tễ của WHO- ông Trần Minh Duy Nguyện cho rằng: Hội chứng viêm da chưa từng được ghi nhận trên thế giới đã gây ra không ít thách thức cho ngành y tế. Sau khi khẳng định nguyên nhân do độc chất Aflatoxin, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tìm ra biện pháp điều trị bệnh. Trước mắt, chúng tôi sẽ lên kế hoạch tổ chức hội thảo về Hội chứng nhằm rút kinh nghiệm và chia sẻ những giải pháp với Bộ Y tế.
Các chuyên gia đang lấy mẫu gạo, cơm tại nhà dân |
Chính quyền và người dân địa phương hiện tại vẫn chưa hoàn toàn đồng tình với kết luận này. Ông Phạm Văn Néo- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ phản biện: Gạo ủ là thực phẩm truyền thống của đồng bào huyện Ba Tơ và các huyện miền núi trong tỉnh. Chẳng lẽ ai ăn gạo ủ cũng bị nhiễm độc và mắc bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế cần xem xét nguyên nhân bệnh theo hướng: Hội chứng viêm da có thể phát triển theo chu kỳ, nhất là trong những tháng mưa, thời tiết giao mùa…
Tại buổi hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi vào chiều 14/3, PGS.TS Phạm Duệ- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng nhận định: Hiện chưa thể tìm ra nghi can nào ngoài độc chất Aflatoxin có trong gạo mốc. Tuy nhiên, độc chất này không chỉ có trong gạo mốc mà còn có trong các loại ngũ cốc như: Ngô, khoai, sắn. Do đó, người dân cần cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thực phẩm trong sinh hoạt hằng ngày.
“Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn đổ cho độc chất trong gạo mốc. Hội chứng viêm da rất có thể do tác động của một số tác nhân tổng hợp, trong đó có Aflatoxin. Các yếu tố về tình trạng dinh dưỡng, thời tiết, bệnh phát triển theo chu kỳ… cũng là một trong những đặc điểm liên quan đến bệnh”.
Bài, ảnh: Thanh Phương