(QNg)- Họ - một nam y sĩ trẻ mát tay "đuổi" bệnh, còn người kia thì chuyên ôm vô lăng với đèn - còi hụ đồng hành cùng người dân trên con đường chiến đấu với bệnh tật. Và dù có khoác lên mình chiếc áo blue trắng hay không thì họ vẫn luôn được bà con ở huyện miền núi Tây Trà yêu thương, kính trọng bởi sự tận tâm và trách nhiệm...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tuy cuộc sống nơi vùng cao Tây Trà còn lắm gian nan, trang thiết bị y tế thiếu thốn trăm bề, nhưng với họ - những người "thầy" blue trắng thì, chỉ cần được nhìn thấy bệnh nhân của mình nhanh bớt bệnh, không còn "ngại" đến Trung tâm y tế (TTYT) đã là một niềm vui và hạnh phúc lớn.
Nam y sĩ điều dưỡng mát tay
Khuôn mặt rám nắng, nụ cười hiền và cách nói chuyện hóm hỉnh là ấn tượng đầu tiên của tôi về y sĩ trẻ Võ Văn Thạch, Phòng cấp cứu TTYT huyện Tây Trà. Tuy phải chạy ngược chạy xuôi để khám, thăm nom và nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, nhưng lúc nào tôi cũng thấy Thạch vui vẻ, ân cần và hiền như cục đất. Và không biết có phải vì "cái sự hiền" ấy không mà ngay từ lúc "đầu quân" về Phòng cấp cứu TTYT Tây Trà, anh lại bén duyên với công việc của một điều dưỡng dù tốt nghiệp y sĩ. "Đồng bào dân tộc thiểu số rất… ghét y, bác sĩ, nhưng không hiểu sao họ lại thích Thạch khám, tiêm thuốc và… kể chuyện dưới xuôi" - bác sĩ Châu Nguyên Thương - Giám đốc TTYT huyện Tây Trà nói vui khi nhận xét về Thạch.
Y sĩ Võ Văn Thạch thăm khám cho bệnh nhân Hồ Văn Nhu (80 tuổi) ở thôn Trà Kim, xã Trà Xinh. |
Quả thật, nhìn cách Thạch an ủi, dỗ dành, thậm chí pha trò để người bệnh vui vẻ, đồng ý ở lại TTYT hay chịu uống thuốc cũng đủ biết, anh không chỉ mát tay mà còn rất "mát tính". Bởi, với việc bị người bệnh chửi bới, không cho khám hay đòi về nhà cúng… rồi chết chứ nhất định không chịu ở TTYT, cũng đủ làm nản lòng những điều dưỡng nóng tính. Thậm chí có lúc Thạch còn bị chồng bệnh nhân "dần" cho một trận vì dám đụng vào người… vợ khi thăm khám! "Những lúc ấy mình thấy thương bà con. Chỉ vì nhận thức hạn chế, kèm theo tục cúng lạc hậu nên họ mới chịu nhiều thiệt thòi như thế. Để thay đổi điều này thì không còn cách nào khác là mình phải nhẹ nhàng khuyên giải" - Thạch bộc bạch.
3 năm gắn bó với vùng cao Tây Trà là ngần ấy thời gian đôi chân của Thạch đã băng rừng, lội suối để mang kiến thức và sức khỏe về với bà con trên các thôn, làng xa xôi. Để rồi từ những chuyến đi ấy, đồng bào dân tộc Cor nơi đây đã bớt cúng, chăm đến TTYT hơn, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không uống lá cây rừng bừa bãi… Thế nên, dù còn lắm khó khăn và thiếu thốn, nhưng Thạch nói với tôi rằng: Vất vả nhiều nhưng niềm vui cũng không ít. Bởi mỗi ngày qua đi, có ai đó được khỏi bệnh là đã có thêm một người biết đến tìm đến TTYT lúc ốm đau, và cũng có thêm một người hết… ghét y, bác sĩ!.
Anh "Mits".
"Mits vừa chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi. Chắc phải chiều tối mới về tới nơi" - câu nói của chị Trần Thị Liệu, cán bộ văn thư TTYT huyện Tây Trà làm tôi ngớ người vì chẳng biết anh "Mits" là ai. Trong khi tôi đang tìm anh Trần Đình Thục - tài xế lái xe cứu thương của TTYT huyện. Thấy tôi không hiểu, chị Liệu mỉm cười giải thích: Ở đây mọi người hay gọi bác tài Thục là "Mits" - do đã 5 năm rồi, anh gắn bó với chiếc xe chữ thập hiệu Mitsubishi. Tội nghiệp, hôm nay anh ấy đã phải 4 lần đưa bệnh nhân về dưới tỉnh rồi.
Qua những câu chuyện kể của chị Liệu, tôi đã phần nào hiểu được sự âm thầm, trách nhiệm và cả những hiểm nguy mà anh "Mits" phải đối mặt. Bởi, với đoạn đường núi quanh co, được kẹp bởi vách đá và vực thẳm thì việc chạy xe đã khó, huống chi phải nhanh. Đó là chưa kể những lúc mưa giăng tối trời, mặt đường trơn trượt thì độ nguy hiểm như càng tăng lên gấp bội. Thế nên mới có nhiều chuyến đi "sinh tử" mà đến giờ, nữ hộ sinh Lê Thị Tuyết Xuân vẫn còn rùng mình khi nhớ lại: Đó là lần sản phụ sinh khó, lại bị băng huyết nặng nên phải cấp cứu và chuyển viện ngay lúc nửa đêm. Vì sự sống của hai mẹ con đang đếm từng giờ, từng phút nên dù đêm tối, mưa lạnh buốt, nước trên núi đổ về mạnh như muốn cuốn cả người và chiếc xe xuống vực, nhưng anh Mits vẫn căng mắt, vững tay lái và phóng rất nhanh. Chỉ đến khi về tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi mới tin rằng mọi người vẫn… còn sống!
Câu chuyện đang hồi rôm rả thì anh Mits cùng chiếc xe chữ thập đỗ xịch trước cổng TTYT huyện. Tuy mệt nhưng anh Mits vẫn cười bảo: May quá, vừa xuống đến nơi thì bé Hồ Văn Hội được các bác sĩ quyết định mổ gấp. Vì em bị suy thận cấp, không tiểu tiện được nên nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. "Anh Mits là vậy. Đã đưa bệnh nhân đến tuyến an toàn, giúp họ làm các thủ tục nhập viện, đợi bác sĩ khám xong rồi mới chịu về" - chị Xuân chen vào câu chuyện.
Đến bây giờ, đã 5 năm điều khiển chiếc xe có đèn - còi hụ, anh Mits cũng không nhớ là mình đã đưa lên tuyến trên bao nhiêu người bệnh. Chỉ biết rằng, tất cả họ đều là những bệnh nhân nặng và đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ được cứu chữa kịp thời.
Bài, ảnh: MỸ HOA