Bình Châu (Bình Sơn): Cách làm hay trong phòng chống dịch sốt xuất huyết

02:11, 30/11/2010
.

(QNĐT)- Trong khi ngành y tế đau đầu về dịch sốt xuất huyết bùng phát ở nhiều nơi trong tỉnh thì ở xã Bình Châu (Bình Sơn) vùng trọng điểm dịch sốt xuất huyết (SXH) 3 năm về trước, nay dịch bệnh không hề phát sinh.

Suốt nhiều tháng qua, cứ mỗi buổi sáng, qua hệ thống đài truyền thanh ở xã Bình Châu người dân được nghe thêm bài tuyên truyền về cách phòng dịch sốt xuất huyết mà tác giả kiêm phát thanh viên không ai khác là bác sĩ Phạm Hồng Thái- Trưởng Trạm y tế xã. Những câu phát thanh là kiến thức phổ thông ngắn gọn, súc tích, như: Dấu hiệu để nhận biết dịch bệnh sốt xuất huyết là người bệnh sốt cao từ 39 - 40oC, nhức đầu, đau nhức toàn thân, buồn nôn, xuất hiện chấm xuất huyết trên da...Có nhiều trường hợp dẫn đến chết người. Để ngừa dịch bệnh bà con lưu ý:  Không để nước đọng quanh nhà, nhất là trong các lọ hoa, chậu cảnh, mẻ sành.. .Vì đây là nơi dễ phát sinh muỗi vằn gây bệnh SXH...

 Nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, được phát liên tục hằng ngày. Lâu dần nên quen, nhiều người dân đã thuộc lòng. Anh Nguyễn Tấn Vũ thôn Gành Cả, nói: Bây giờ đi tuyên truyền cho dân về nguồn gốc của dịch bệnh SXH do muỗi đốt là xưa rồi. Bởi, mỗi buổi sáng qua đài truyền thanh của xã bà con nghe hoài nên kiến thức sơ đẳng về phòng ngừa bệnh SXH ai cũng biết". 

Tôi đi quanh khu vực Gành Cả. Ở đây nhà cửa san sát hau. Mặc dù, trời đang mưa nhưng đường ngõ được khai thông cống rãnh khô ráo. Trong từng khuôn viên vườn, khá nhiều nhà chơi cây kiểng, trên bàn thờ đều cắm cây thần tài trong lộc bình..."Những thú chơi này làm sao bỏ được nhưng quan trọng là thay đổi cách chơi để phòng ngừa bệnh SXH". - anh Vũ cười vui rồi chỉ vào từng chậu cây kiểng của anh đều có cá cảnh bơi lội sẵn sàng đớp lăng quăng. Những chậu hoa trong nhà, lộc bình  không dùng nước mà thay vào đó là đổ đầy cát thay cho chứa nước cắm hoa để tránh muỗi sinh sôi.

Những bài học về cách phòng bệnh SXH mà người dân xã Bình Châu ai cũng rõ xuất phát từ những trận đại dịch SXH xảy ra cách đây 3 năm trên địa bàn xã. Ngày đó, nhiều hộ chưa ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, sành chén, lọ chai vứt bừa bãi. Mùa mưa đến hệ thống thoát nước lại không có  mà nhà cửa san sát nhau nên có nhiều vũng nước tù trở thành nơi muỗi vằn sinh sôi truyền bệnh sốt xuất huyết.

 Đã vậy, khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người cũng chưa biết rõ triệu chứng của bệnh nên cứ chủ quan không đến trạm xá khám chữa bệnh. Mặt khác,  có quá nhiều người nằm ngủ không có màn nên dịch bệnh cứ thế phát triển và lan rộng trên địa bàn toàn xã, với số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng

Khám chữa bệnh tại trạm y tế xã
Khám chữa bệnh tại trạm y tế xã

Trưởng Trạm y tế xã Bình Châu Phạm Hồng Thái, cho biết: Khi dịch SXH xảy ra trên địa bàn xã, lực lượng y tế huyện Bình Sơn phối hợp với đội ngũ y tế xã, đoàn thanh niên ra quân diệt lăng quăng bọ gậy, thu dọn vệ sinh các khu dân cư, khai thông cống rãnh để nước thoát ra biển chứ không cho tù đọng quanh nhà; đồng thời, cán bộ y tế tập trung  hướng dẫn cho dân hiểu biểu hiện của bệnh và nhắc họ phải đến Trạm y tế kịp thời để bệnh khỏi trầm trọng dẫn đến tử vong.

 Trên cơ sở theo dõi, Trạm y tế xã đã chọn hai thôn đông dân cư  là thôn Định Tân và Châu Thuận Biển - nơi xảy ra ổ dịch SXH đầu tiên trên địa bàn xã để đồng loạt triển khai các biện pháp như tuyên truyền trên loa phát thanh, hợp phổ biến trong các khu dân cư. Hằng tuần đều tổ chức cho dân tham gia ra quân dọn vệ sinh môi trường...

 Nhờ tập trung triển khai mà nhất là tuyên truyền cho dân hiểu về biện pháp phòng chống dịch nên trong 2 năm 2008 và 2009 trên địa bàn xã  không có trường hợp SXH nào xảy ra và trong 10 tháng đầu năm 2010 dịch bệnh SXH xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng, trên địa bàn xã Bình Châu vẫn không có dịch bệnh SXH.

Mới đây, khi phát hiện 6 sinh viên và những người làm ăn xa nhà trở về bị mắc bệnh, gia đình các bệnh nhân đã nhanh chóng đưa đến Trạm y tế để chữa bệnh. Đồng thời, công tác tuyên truyền phòng chống dịch được tập trung triển khai hơn.

Lật từng trang tài liệu và băng tuyên truyền cho ngày mai phát sóng qua hệ thống đài truyền thanh của xã, bác sĩ Thái giãi bày: “Hiệu quả dập dịch SXH huyết cũng bắt đầu từ cách tuyên truyền. Để bà con hiểu rõ hơn, ngoài việc tuyên truyền nhiều lần, anh em đội ngũ y tế đã nghĩ cách soạn thảo thành văn bản phù hợp để khi phát trên sóng bà con nghe, dễ hiểu dễ nhớ.
 
Ở Bình Châu, nhà nhà chơi cây kiểng, nhưng ai cũng ý thức trong việc tránh nước đọng để muỗi phát sinh.
Ở Bình Châu, nhà nhà chơi cây kiểng, nhưng ai cũng ý thức trong việc tránh nước đọng để muỗi phát sinh.

Đi kèm với việc phổ biến kiến thức, Trạm y tế cũng tìm đọc trên báo những bài về hậu quả dịch bệnh SXH những tấm gương phòng chống dịch bệnh tốt để góp phần nâng cao ý thức phòng bệnh của bà con. 

Có khi đường dây truyền thanh bị hư hỏng chưa sửa chữa được thì cán bộ y tế dùng loa phóng thanh cầm tay để tuyên truyền và chọn những thời điểm thích hợp như trong bửa cơm chiều để bà con nghe cho rõ. Cách tuyên truyền của xã Bình Châu như mưa dầm thấm lâu nên người dân càng có ý thức phòng chống dịch bệnhSXH.

Bài, ảnh: MAI HẠ

.