(Báo Quảng Ngãi)- Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư xây dựng, anh Nguyễn Vương Tùng (34 tuổi), ở thôn 4, xã Đức Chánh (Mộ Đức) đã chọn nghề đúc bi cống xi măng để khởi nghiệp tại quê hương.
[links()]
Sau khi học xong đại học, anh Tùng xin vào làm việc tại một công ty xây dựng ở TP.Hồ Chí Minh với mức lương khá cao. Nhưng sau một thời gian làm việc nơi đất khách, anh Tùng quyết định về quê lập nghiệp. Năm 2016, nhận thấy ở quê lúc này đang phát động mạnh phong trào làm đường bê tông, xây dựng nông thôn mới, anh Tùng nghĩ ngay đến ý tưởng khởi nghiệp với nghề đúc bi cống xi măng, để cung cấp làm hệ thống thoát nước cho các công trình.
Cơ sở sản xuất bi cống xi măng của anh Nguyễn Vương Tùng, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức). |
Để bán được hàng, anh Tùng tìm đến các công trình để tìm hiểu, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm. Lúc đầu, do chưa tin tưởng sản phẩm của anh Tùng nên nhiều người còn dè dặt. Song, nhờ kiên trì tiếp thị, những chiếc bi cống anh làm ra đạt chất lượng, giá cả phải chăng nên dần dần được nhiều khách hàng lựa chọn. Không chỉ các công trình giao thông, mà nhiều người dân làm nhà ở cũng tìm đến mua hàng của anh Tùng để về xây dựng hệ thống thoát nước của gia đình.
Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất bi cống của anh Tùng cung cấp ra thị trường khoảng 180 sản phẩm, với các kích cỡ khác nhau. Sự thành công của anh Tùng đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. “Vào mùa nắng, công trình nhiều nên đôi lúc hàng làm ra không đủ giao cho khách, vì vậy, tranh thủ vào mùa mưa tôi làm sẵn để trữ. Có như vậy mới không bị mất khách, mà lao động của cơ sở cũng có việc làm thường xuyên”, anh Tùng cho hay.
Với niềm đam mê với ngành xây dựng, cùng với sự phát triển của KHCN, anh Tùng đang có ý định sẽ đầu tư một chiếc máy ép li tâm để tăng năng suất, giảm thời gian, chi phí sản xuất bi cống và các sản phẩm bê tông khác. Không chỉ phát triển nghề đúc bi cống, anh Tùng còn mở thêm cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và các vùng lân cận.
Bí thư Huyện đoàn Mộ Đức Đỗ Thị Hạ Huyên cho biết, những năm gần đây, trên địa bàn huyện có rất nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học đã về quê để khởi nghiệp. Mô hình khởi nghiệp từ nghề đúc bi cống xi măng của anh Tùng là một trong những mô hình khởi nghiệp thành công. Anh Tùng là tấm gương sáng cho thanh niên địa phương học hỏi để lập thân, lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong thời gian đến, Huyện đoàn Mộ Đức sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác để thực hiện các mô hình khởi nghiệp.
Bài, ảnh:
HỒNG HOA