Điểm tựa từ sự tin yêu

09:03, 07/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu không thể nghe - nói, nhưng anh Phan Tấn Sỹ (23 tuổi), ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), đã vượt qua những khiếm khuyết của bản thân để đáp lại niềm tin của lãnh đạo công ty trong công việc thiết kế đồ họa.
 
Đặc biệt, chỉ sau một thời gian ngắn, Sỹ đã thành thạo công việc, thực hiện tốt các sản phẩm thiết kế như logo, phông nền, thông tin về chương trình, hình ảnh... được khách hàng khen ngợi.
 
Không ngại khó
 
Giờ làm việc của Sỹ cũng giống như những nhân viên khác, thế nhưng Sỹ lúc nào cũng đi làm sớm. Đến công ty, Sỹ chủ động dọn dẹp, vệ sinh văn phòng. Khi mọi người cùng chuyển ti vi ra chiếc bàn lớn bên ngoài để triển khai dự án mới, Sỹ quan sát thấy thiếu ổ cắm điện liền lẳng lặng đi lấy. Buổi chiều khi mọi người đã tan giờ làm việc, Sỹ vẫn nán lại để cố gắng thực hiện cho xong các bản thiết kế. Có những buổi trưa dù mọi người nghỉ ngơi, Sỹ vẫn miệt mài làm việc.
 
Anh Phan Tấn Sỹ đang thiết kế các logo cho khách hàng.
Anh Phan Tấn Sỹ đang thiết kế các logo cho khách hàng.
“Điều chúng tôi nể phục nhất ở Sỹ đó là thái độ trân trọng công việc mình đang làm, hết việc chứ không hết giờ. Như có lần đến lịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, Sỹ vẫn đi làm, vì nghĩ tranh thủ buổi trưa qua tiêm cũng được. Nhưng đến nơi mới biết buổi trưa bộ phận tiêm vắc xin không làm việc. Hôm sau đến lịch tiêm, Sỹ cũng chỉ nghỉ buổi sáng, đầu giờ chiều đã đến công ty. Hay như hôm đi làm về trời mưa to tầm tã, nước mưa ướt nhòe hết cả đôi kính khiến Sỹ không thấy rõ đường bị ngã xe máy. Vậy mà sáng hôm sau, chúng tôi đến công ty đã thấy Sỹ ngồi làm việc”, chị Phạm Thị Thảo My, đồng nghiệp với Sỹ tại Công ty TNHH MTV Truyền thông ACC, chia sẻ.
 
Có những lúc đến hạn hoàn thành công việc nên cần đẩy nhanh tiến độ, trong khi mọi người chỉ cần nói chuyện, bàn bạc với nhau, thì Sỹ phải nhắn tin qua lại mới nắm rõ yêu cầu. Hay như những lúc áp lực công việc mà chưa hiểu ý nhau, Sỹ lại nhắn tin cho đồng nghiệp giãi bày, rồi ngồi làm việc một mình cho đến khi hoàn thành để kịp giao sản phẩm. 
 
Phía trước là bầu trời
 
Ngồi cạnh tôi, anh Sỹ viết từng chữ trên tờ giấy trắng với nội dung chất chứa yêu thương: "Dù thời gian đầu đi làm rất khó khăn, nhưng tôi không nghỉ việc, vì công ty đã nhận tôi vào làm, tôi phải cố gắng làm việc cho tốt, để không phụ lòng người thân, đồng nghiệp".

Nhớ lại những ngày còn mang thai Sỹ, bà Lê Thị Phương (46 tuổi) chia sẻ, lúc mang thai hơn 3 tháng rưỡi, tôi bị sốt cao đến nỗi choáng không thể nhìn thấy rõ. Khi nhập viện, bác sĩ tiên đoán thai nhi bị ảnh hưởng, khó phát triển bình thường. Song với tình thương của người mẹ, tôi quyết định giữ lại đứa con đã thành hình hài trong bụng. Khi Sỹ được một tuổi, gia đình đưa Sỹ đi khám mới biết con bị điếc bẩm sinh.

 
Tiếp theo đó là cả một hành trình dài của người mẹ tìm hướng đi cho con. Khi Sỹ được 7 tuổi, gia đình gửi con đến nhà giáo viên tại Đà Nẵng để con học tại trường chuyên biệt, sau đó chuyển Sỹ về Quảng Ngãi để học cho hết bậc tiểu học. Tại quê nhà, lúc ấy chưa có bậc THCS cho học sinh khuyết tật, gia đình lại lặn lội đưa Sỹ ra Đà Nẵng để học tiếp. Để duy trì việc học, gia đình tìm thông tin trường học trên Internet, Sỹ lại tiếp tục vào Đồng Nai để học bậc THPT. Cả khu vực miền Nam đến năm lớp 12 chỉ còn 10 bạn, trong đó có Sỹ. “Trái tim của một người mẹ cứ mách bảo tôi làm những gì tốt nhất cho con. Sỹ rất quyết tâm, cố gắng để học, chưa một lần đòi mẹ cho nghỉ học. Sau này con học nghề thiết kế đồ họa để mong có việc làm”, bà Phương chia sẻ.
 
Sỹ nộp đơn xin việc vào Công ty TNHH MTV Truyền thông ACC giữa lúc giai đoạn căng thẳng nhất của dịch Covid-19 tại Quảng Ngãi. Ban đầu, công ty e ngại không muốn nhận vì đây là công việc cần giao tiếp, làm việc nhóm, nhưng vẫn chấp nhận thử việc vì mong muốn chia sẻ với những khiếm khuyết của Sỹ. Được nhận vào công ty, Sỹ vừa được đào tạo thêm về chuyên môn và cả cách trò chuyện, nhắn tin cho mọi người. Với người bình thường, thiết kế đồ họa đã là công việc khó, còn với người câm điếc, điều đó càng khó gấp bội. Bởi đây là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, thẩm mỹ kết hợp giữa chữ viết, hình ảnh, màu sắc để tạo ra sản phẩm thông qua các công cụ đồ họa. Vượt qua những khó khăn, hạn chế, nỗi niềm của một người khiếm thính chẳng thể nói ra với những người xung quanh, Sỹ đã nỗ lực, kiên trì chứng minh khả năng của mình.
 
“Cứ giao việc là làm, chẳng bao giờ Sỹ nhắn lại than phiền công việc khó, tốn thời gian. Sỹ làm việc rất tập trung, tâm huyết. Đến nay, nhiều sản phẩm của Sỹ được khách hàng đánh giá cao, góp phần thành công vào các chương trình, sản phẩm”, chị My cho hay.
 
Bài, ảnh: BẢO HÒA
 
 
 

.