Thầy giáo trẻ tài năng

10:11, 20/11/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Dù mới về Trường THCS Long Hiệp (Minh Long) được 5 năm nhưng thầy giáo Nguyễn Văn Hưng (29 tuổi) đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc dạy học, nghiên cứu khoa học. Thầy giáo Hưng còn tận tụy "truyền lửa" cho các em học sinh miền núi ngày càng thêm yêu bộ môn tin học. 
 
[links()]
 
Quả ngọt của thầy và trò vùng cao
 
Dự án “Phần mềm vào điểm bằng nhận diện chữ số viết tay” vừa nhận giải Nhất - Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh do Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức trong năm học 2020 - 2021; giải Nhất - Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 6, năm 2020 - 2021 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (đơn vị chủ trì) phối hợp cùng Sở KH&CN tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức. Đây cũng là một trong hai dự án của tỉnh hiện đã vào vòng Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 và đang chờ kết quả từ ban tổ chức.

“Niềm hạnh phúc của giáo viên là sự háo hức, ham học hỏi của học sinh. Có những ý tưởng từ chính các em tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng hữu ích. Giáo viên phải lắng nghe, tạo cơ hội cho các em bày tỏ và có hướng hỗ trợ kịp thời. Có như vậy học sinh mới vận dụng kiến thức từ nhà trường vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Giải thưởng là niềm vinh dự lớn, là động lực để thầy và trò tự tin nghiên cứu nhiều dự án khoa học, kỹ thuật khác”.

Thầy giáo NGUYỄN VĂN HƯNG

Dự án này do em Đỗ Thị Châu và em Đặng Công Triết, nguyên là học sinh Trường THCS Long Hiệp thực hiện. Các em có sự hỗ trợ của thầy giáo Nguyễn Văn Hưng, giáo viên phụ trách môn tin học của trường.

Thời điểm ba thầy trò thực hiện dự án là lúc em Châu và Triết đang học lớp 9. Thầy giáo Hưng chia sẻ, ý tưởng ban đầu xuất phát từ Triết. Trong nhiều lần thấy giáo viên và phụ huynh (cũng là giáo viên) vất vả trong quá trình vào điểm cho học sinh bằng phương pháp thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức, Triết mong muốn tạo ra một phần mềm tiện ích, thuận lợi để giáo viên nhập điểm trong mỗi kỳ thi.
 
“Nhận thấy ý tưởng có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tôi đồng ý hỗ trợ Triết và đề nghị Châu cùng thực hiện. Các em là những học sinh ưu tú, có khả năng tư duy toán học, đam mê nghiên cứu khoa học, kỹ thuật”, thầy giáo Hưng cho biết thêm. 
 
Thầy Hưng và các em học sinh thực hiện dự án
Thầy giáo Hưng cùng hai em Triết (trái) và Châu (phải) là tác giả của Dự án “Phần mềm vào điểm bằng nhận diện chữ số viết tay”.
 
Theo nghiên cứu của ba thầy trò, trong thời đại hiện nay, việc ứng dụng các thuật toán vào nhận dạng vật thể được vận dụng phổ biến, điển hình như nhận dạng biển số xe, khuôn mặt, vật dụng… có độ chính xác cao, hiệu quả. Thế là cả ba thầy trò bắt tay vào vào thực hiện ý tưởng cập nhật điểm số bằng cách nhận dạng chữ số viết tay và mã số học sinh, giúp giáo viên rút ngắn thời gian vào sổ điểm điện tử. Có sự hỗ trợ, đồng hành của thầy giáo Hưng, trong vòng một tháng, Triết và Châu đã có cơ hội tìm hiểu thêm kiến thức về trí tuệ nhân tạo, máy học và lập trình xây dựng phần mềm. 
 
Các thiết bị của dự án.
Các thiết bị của dự án.

Dự án có các thiết bị như camera từ điện thoại, máy tính, khung đựng bài thi, tệp điểm Excel. Để sử dụng, giáo viên phải cài đặt “Phần mềm vào điểm bằng nhận diện chữ số viết tay” trên máy tính. Tiếp tục, giáo viên mở tệp Excel, được xuất ra từ sổ điểm điện tử SMAS (smas.edu.vn). Sau đó vào điện thoại, mở phần mềm IP Webcam, lấy địa chỉ IP nhập trong phần mềm vào điểm bằng nhận diện chữ số viết tay trên máy tính. Thao tác này giúp máy tính tự động kết nối, nhận ảnh từ camera của điện thoại theo thời gian thực.

Giáo viên đưa bài thi vào vị trí trước camera điện thoại, phần mềm tiếp nhận và xử lý ảnh, xác định khung chứa mã số học sinh và điểm số của bài thi. Sau đó, phần mềm sẽ nhận diện, cho ra kết quả. Khi phần mềm xác định được mã số học sinh và điểm sẽ so sánh với mã số học sinh từ tệp Excel trên máy tính, rồi tự động nhập liệu vào tệp Excel.

Cuối cùng, khi hoàn tất việc nhập điểm vào tệp Excel, giáo viên lưu tệp lại và dùng tệp đó để cập nhật vào sổ điểm điện tử SMAS. Hiện dự án đang được cải tiến, hoàn thiện, ứng dụng thực nghiệm, phục vụ cho công tác chuyên môn ở Trường THCS Long Hiệp.
 
 
“Truyền lửa” niềm đam mê môn Tin học
 
Thầy giáo Hưng sinh ra và lớn lên ở xã Long Mai (Minh Long) và tốt nghiệp đại học Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh), chuyên ngành Khoa học máy tính. Dù còn trẻ tuổi và đã hoàn thành chương trình cao học nhưng thầy luôn có mong ước trở về địa phương công tác. Nghề giáo viên là một cơ duyên may mắn để thầy được cống hiến cho quê hương từ những kiến thức chuyên ngành được đào tạo bài bản.
 
Về trường từ năm 2017, kế thừa thành tích của các thế hệ giáo viên đi trước, thầy giáo Hưng luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp dạy học mới, giúp cho môn tin học không còn khô cứng, mà trở nên sinh động hơn, tạo sự hứng thú cho các em trong từng giờ học. Bởi lẽ, thầy giáo Hưng hiểu rằng, không phải học sinh miền núi nào cũng có điều kiện để khám phá máy tính, cập nhật công nghệ thông tin. Sự háo hức, mong đợi của học sinh sẽ là động lực khiến bản thân thầy luôn cố gắng tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới, nâng cao chất lượng dạy học. 
 
Thầy Hưng luôn nỗ lực để
Thầy giáo Hưng luôn nỗ lực để "truyền lửa" đam mê mô Tin học đến các em học sinh miền núi.

Không giấu được niềm vui và tự hào về thầy giáo Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Hiệp Ngô Thị Kim Thoa nhận định, thầy giáo Hưng là giáo viên trẻ nhưng rất tâm huyết với nghề. Thầy đã truyền được niềm đam mê, cảm hứng đến học sinh đối với bộ môn Tin học. Từ sự truyền dạy của thầy, các em dần hiểu rằng, tin học không chỉ là môn học cơ bản, học để sử dụng máy tính, mà là một phần không thể thiếu để các em tiếp cận với thế giới công nghệ hiện nay. 

“Điều tôi mong mỏi nhất đó là sự quan tâm của nhà trường, các cấp chính quyền trong việc đưa công nghệ thông tin vào trường học ở miền núi, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh tiếp cận với nhiều kiến thức và công nghệ mới, không còn chịu thiệt thòi so với học sinh dưới đồng bằng. Cùng với ngoại ngữ, các bậc phụ huynh nếu có điều kiện hãy đầu tư, định hướng cho con trẻ tiếp cận sớm với công nghệ thông tin, sử dụng máy tính đúng mục đích để phục vụ cho việc học, khám phá những chân trời kiến thức mới”.

Thầy giáo NGUYỄN VĂN HƯNG. 

Toàn Trường THCS Long Hiệp hiện có khoảng 240 học sinh. Trường có đến 77 học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, nhà nằm sâu trong các ngôi làng hẻo lánh. Trong đợt dạy học trực tuyến vừa qua, trường có đến 22 em không có điều kiện để học trực tuyến, do thiếu thiết bị và không có sóng; phụ huynh đi làm ăn xa, không có người giám sát, theo dõi việc học. Cùng với một vài giáo viên trẻ của nhà trường, thầy giáo Hưng đã có mặt kịp thời trên những ngôi làng để hướng dẫn, đồng hành cùng các em.

 
Thầy Hưng (thứ 2 từ phải sang) được vinh danh là một trong những Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi, năm 2021.
Thầy giáo Hưng được vinh danh là một trong những Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi, năm 2021.

Bên cạnh công tác giảng dạy, thầy giáo Hưng còn được biết đến là một người cán bộ đoàn tích cực, năng nổ trong nhiều hoạt động do cơ sở đoàn các cấp tổ chức. Với những thành tích cao trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cống hiến cho xã hội, thầy vinh dự là một trong 34 giáo viên trẻ được Tỉnh đoàn vinh danh là Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Quảng Ngãi, năm 2021.
 
Bài, ảnh: THIÊN HẬU 
 

.