(Báo Quảng Ngãi)- Mồ côi mẹ từ nhỏ, trải qua tuổi thơ với nhiều cơ cực và thiếu thốn về tình cảm, chị Nguyễn Thị Nghĩa Ân (1983) vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên. Lớn lên trong Trung tâm Công tác xã hội, sau đó chị chọn thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), quê chồng làm nơi gắn bó với mình. Những năm qua, chị Ân đã dồn tất cả tâm huyết để gầy dựng, phát triển sản phẩm khô bò núi Sơn Hà, góp phần mang đến cho khách hàng thêm một đặc sản của phố núi.
Tuổi thơ thiệt thòi...
Sinh ra ở xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), tuổi thơ của Nghĩa Ân sớm thiệt thòi. Mẹ mất khi chị mới học lớp 4, nương tựa vào bà ngoại chỉ được hai năm thì ngoại qua đời. Vậy là năm học lớp 6, chị được gửi vào Trung tâm Công tác xã hội trong vòng tay của những “người mẹ” nơi này. Học xong chương trình THPT, Nghĩa Ân thi đậu Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Chị ở nhờ nhà người cậu đang làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, mỗi ngày đạp xe hàng chục cây số từ quận Bình Chánh đến quận 3 để học. Thế nhưng vì điều kiện kinh tế, nên người cậu không thể tiếp tục nuôi ăn học, chị phải dừng việc học, rồi về quê phụ việc để mưu sinh.
Từ tâm huyết của mình, chị Nguyễn Thị Nghĩa Ân gầy dựng phát triển sản phẩm khô bò núi. |
Sau khi kết hôn với người bạn học cùng thời THPT, chị về quê chồng ở huyện miền núi Sơn Hà. Trong thời gian ở phố núi, chị Ân nhận thấy nguồn thịt bò nuôi ở địa phương có chất lượng thơm ngon. Từ đó, chị mày mò học hỏi, tìm hiểu thử nghiệm nhiều lần để làm món khô bò núi. “Tôi luôn ấp ủ tìm một công việc, không chỉ mang lại thu nhập để nuôi con, mà còn có thể định hướng phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Từ nguồn nguyên liệu thịt bò địa phương, tôi chọn món khô bò núi để làm hướng đi của mình”, chị Ân bộc bạch.
Giấc mơ tạo lập hướng đi
Nhiều người đã từng ăn các loại khô bò khắp nơi, lại thích thưởng thức khô bò núi bởi thịt bò mềm, nhưng dai, hương vị đậm đà hơn và không có chất bảo quản. Chị Ân cho hay: “Tất cả nguyên liệu thịt bò đều làm từ bò nuôi ở miền núi. Số lượng bò xẻ thịt cũng hạn chế, nên để có nguyên liệu ngon, tôi phải đặt từ trước và tự mình chọn những thớ thịt ưng ý nhất. Các loại gia vị như sả, ớt cũng tại Sơn Hà, còn tỏi sử dụng tỏi Lý Sơn. Vì thế, khô bò núi Sơn Hà mang hương vị thơm ngon đặc trưng”. Sau khi chế biến, khô bò núi được đóng gói trong bao bì, nhãn mác đẹp mắt.
Kỹ lưỡng trong từng khâu chế biến, cho nên ban đầu chị chỉ làm vài chục ký. Sau ba năm, mỗi đợt Tết chị Ân làm khoảng 2 tạ cho khách đặt hàng. Ngoài ra, món khô bò núi còn được các hàng quán ở Sơn Hà đặt làm, để bày bán.
Thời gian qua, những sản phẩm của huyện miền núi Sơn Hà như ớt xiêm, rau dớn, gà kiến, heo ki... đã được nhiều người biết đến và đón nhận. Với định hướng phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường, hiện nay chị Ân đang hoàn thiện các thủ tục để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khô bò núi Sơn Hà. Tâm sự với chúng tôi, chị Ân hy vọng rằng, món bò khô núi sẽ góp phần đa dạng danh mục đặc sản của phố núi.
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO