(Baoquangngai.vn) – Từ chàng trai rong ruổi khắp các cánh đồng từ Quảng Ngãi ra đến tận Nam Định gặt lúa, Phạm Hùng Cường (30 tuổi), Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi học được nghề nuôi thỏ Newzealand và về quê khởi nghiệp từ nghề này.
Khởi nghiệp từ nghề “học lỏm”
Những ngày cuối thu, chúng tôi đến thăm trại nuôi thỏ của Cường ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) khi trại vừa xuất hàng cho các nhà hàng ở Đà Nẵng. Trò chuyện cùng Cường, chúng tôi khâm phục ý chí và khát khao làm giàu chính đáng của chàng trai trẻ.
Thoăn thoắt nói cười, Cường say sưa kể về niềm đam mê của mình. Nói về chuyện nuôi thỏ, Cường bảo có lẽ do chữ duyên. Tốt nghiệp cao đẳng xây dựng. Khi mới ra trường, Cường làm việc ở một số doanh nghiệp rồi về UBND xã Tịnh Hiệp, sau đó chuyển qua HTX.
Với mức thu nhập ít ỏi, anh sắm máy gặt đập liên hợp đi gặt lúa. Ngày mùa, Cường cùng đội gặt rong ruổi khắp các cánh đồng từ Quảng Ngãi ra đến tận Thanh Hóa, Nam Định.
“Lang bạt” đến Hà Tĩnh, anh thấy nhà máy chế biến của Công ty Thực phẩm Hà Nội đóng tại đây, có nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ Newzealand rất lớn, vì loại thỏ này có nhiều ưu điểm như thơm ngon, bổ dưỡng.
Giống thỏ Newzealand được Cường chọn nuôi để khởi nghiệp. |
Cường ngộ ra nghề chăn nuôi thỏ ở đây rất thịnh, trong khi ở quê mình nuôi lẻ tẻ và thường thất bại. Anh nhen nhóm ý định khởi nghiệp từ nghề “học lỏm”.
Còn khá mập mờ, anh tìm đến các nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng, các chủ quán cho biết, thịt thỏ rất được ưa chuộng, nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Từ đây anh quyết định về quê khởi nghiệp bằng nghề nuôi thỏ từ 3 năm trước.
Cường tìm mua được 20 con thỏ giống. Sau đó, anh về đầu tư xây cất chuồng trại để chăn nuôi theo mô hình sạch. Chuồng kín gió để thỏ không bị nhiễm lạnh hoặc bị nóng, có gầm cao gần 1m để tạo độ thoáng, dễ dọn vệ sinh.
Về kỹ thuật, anh liên lạc tìm hiểu qua các trại chăn nuôi khác ở những nơi đã từng đi qua và tìm hiểu qua mạng. Nhờ anh siêng năng, chăm chút cho đàn thỏ của mình, mà đàn thỏ lớn nhanh, sinh sản tốt. Một năm, đàn thỏ của anh đẻ 5 lứa, một con nái mỗi lứa đẻ từ 6 đến 8 con.
Chỉ với 200 con thỏ giống ban đầu, mỗi năm trại thỏ của anh xuất bán từ 600 - 800 thỏ con, với giá bán 95.000 đồng/kg hơi. Năm đầu tiên đã mang về cho Cường nguồn thu nhập rất cao. Có những thời điểm trại thỏ của Cường “cháy hàng”.
Chăm thỏ nâng niu em bé
Ý thức được chăn nuôi muốn bền vững phải theo hướng sạch, thức ăn cho thỏ, anh Cường chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn thiên nhiên có trong vườn nhà. Để giúp thỏ khỏe mạnh, anh cho thỏ ăn thêm lá cây hoàng ngọc, một loại cây thuốc nam phòng các bệnh về tiêu hóa, tuyệt đối không dùng thuốc kháng sinh.
Cường tiết lộ: “Nuôi thỏ rất ít tốn chi phí đầu tư, nhưng phải nâng niu như em bé. Người nuôi phải từ làm tất tần tật từ phối tinh đến đỡ đẻ cho thỏ”.
Sau khi phối tinh cho thỏ mẹ, anh sẽ ghi lại ngày. Khoảng 30 - 32 ngày sau, thỏ mẹ sẽ đẻ con. Thỏ con vừa lọt lòng tách chúng ra chuồng khác nuôi riêng vì nếu nuôi chung thỏ con dễ bị thỏ mẹ giẫm đạp hoặc thỏ mẹ cắn cả thỏ con.
Thức ăn của thỏ là măng tây và các loại cây, cỏ tự nhiên. |
Thỏ mẹ chỉ tiết sữa 1 lần/ngày vào sáng sớm hoặc chiều tối, lúc này mang thỏ con vào chuồng để thỏ mẹ cho bú. Thỏ mẹ chỉ cần cho con bú một lần là đủ no cả ngày đêm.
Đến 22 ngày sau, lúc này thỏ con đã cứng cáp, anh Cường sẽ cho thỏ con vào lồng sống chung cùng thỏ mẹ, thỏ mẹ tự cho con bú, vừa giúp người nuôi đỡ tốn công chăm sóc.
Từ ngày thứ 30 -35, tùy theo sức khỏe của thỏ con sẽ tách thỏ con ra khỏi chuồng để thỏ con tập ăn và thỏ mẹ bắt đầu chu kỳ sinh sản mới.
Liên kết để phát triển bền vững
Thành công ban đầu này làm nền tảng để Cường nuôi ý định liên kết với những người cùng ý chí, niềm đam mê để thành lập một HTX chăn nuôi thỏ. Thời đại công nghệ, không khó để Cường kết bạn, chia sẻ kinh nghiệm và bày tỏ mong muốn được hợp tác để phát triển nghề chăn nuôi thỏ bền vững.
Cách đây 1 năm, HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi đã chính thức ra mắt với 15 thành viên, trong đó có 4 bạn trẻ đồng sáng lập. Cường chính là người khởi xướng. Với kinh nghiệm khởi nghiệp vốn có, Cường đảm trách nhiệm vụ phát triển sản xuất. HTX có 15 thành viên ở khắp các huyện như Sơn Tây, Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh liên kết chăn nuôi thỏ.
Cánh đồng măng tây của HTX đang phát triển rất tốt. |
Với 400 con nái, 1 năm qua, HTX đã xuất ra thị trường gần 5.000 con thỏ. Thương hiệu thỏ của HTX được nhiều nhà hàng, quán ăn ở Quảng Ngãi, nhất là Đà Nẵng ưa chuộng, đặt hàng với số lượng lớn nên luôn trong tình trạng cháy hàng.
Bằng hoài bão của tuổi trẻ, chịu khó tìm tòi, học hỏi, các bạn trẻ tiếp tục thuê gần 1ha đất trồng thử nghiệm thêm măng tây kết hợp với nuôi thỏ theo quy trình khép kín. Phân thỏ ủ vi sinh dùng để bón cho măng tây, măng tây xuất bán còn gốc dùng làm thức ăn cho thỏ.
Măng tây được bón bằng phân hữu cơ cho măng đặc ruột, chắc, ngọt thanh, thơm ngon hơn. Lứa đầu tiên, HTX đã xuất bán được hơn 4 tạ măng tây cho Công ty Linh đan Miền Trung.
“Tụi em thành công vì đã liên kết và tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, Công ty Thực phẩm Hà Nội và nhiều nhà hàng khác có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhưng HTX chưa có đủ hàng để cung cấp. HTX đang đầu tư, mở rộng thêm chuồng trại để mở rộng quy mô và thu hút thêm thành viên cùng hợp tác”- Cường chia sẻ.
Bài, ảnh: A.KIỀU