(Baoquangngai.vn)- 18 tuổi, cậu học trò Lê Thành Danh, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết không chỉ là tấm gương sáng về học tập để nhiều học sinh trong trường noi theo. Em còn khiến nhiều người ngưỡng mộ khi liên tiếp "ẵm" các giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật.
TIN LIÊN QUAN
Sáng chế thành công xe điện đồ chơi
Trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (STTTNNĐ) cấp tỉnh năm 2017, vượt qua 31 giải pháp, đề tài của nhiều học sinh, đề tài “Xe điện đồ chơi cho trẻ em” của Lê Thành Danh đã vinh dự nhận được giải thưởng cao nhất.
Với sáng kiến này, em còn nhận giải khuyến khích cuộc thi STTTNNĐ cấp quốc gia; giải khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2017. Đây không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng em mà còn là niềm tự hào của gia đình, thầy cô, bạn bè ở Trường THPT Chuyên Lê Khiết.
Những sáng chế của Danh thường bắt nguồn từ việc nhìn nhận cuộc sống xung quanh mình. Em nhận thấy nhiều xe đồ chơi điều khiển khi hoạt động luôn cần người điều khiển là phụ huynh hoặc chính trẻ em. Như vậy, phụ huynh sẽ rất mất nhiều thời gian trong việc chơi cùng trẻ và không tạo sự thích thú cho trẻ.
Lê Thành Danh được biết đến là cậu học trò xuất sắc, đam mê sáng chế. |
Cậu học trò nhỏ nảy ra ý tưởng, tại sao không thiết kế một chiếc xe tự động chạy, không cần phải có người điều khiển, để các em, nhất là các em còn nhỏ tuổi vẫn có thể tự vui chơi mà không cần có phụ huynh. “Như thế, thời gian cho phụ huynh không những được tiết kiệm mà còn tạo được sự khám phá mới lạ, thú vị cho trẻ khi vui chơi cùng xe điện”, Danh cho hay.
Dựa trên nguyên lý hoạt động của sóng siêu âm truyền trong không khí, hiện tượng phản xạ âm, Danh bắt tay vào thực hiện. Em lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức về mạch Arduino uno r3, cảm biến siêu âm HC- SRF04 và các câu lệnh để lập trình mạch. Cùng với đó, em đặt mua các thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc lắp ráp, lập trình và đưa vào thử nghiệm.
Xe điện đồ chơi được đặt 4 cảm biến ở phía trước, phía sau, bên trái và bên phải. Chỉ cần ấn nút khởi động, xe tự động di chuyển, dừng lại và đổi hướng sang bên an toàn khi gặp vật cản. Bốn cảm biến có tác dụng giúp đo khoảng cách xung quanh từ xe đến vật cản. Ít nhất phải có một, hai bên an toàn xe mới di chuyển được.
Sáng kiến "Xe điện đồ chơi dành cho trẻ em" của Lê Thành Danh. Video do nhân vật cung cấp.
Việc lên ý tưởng kéo dài trong suốt hai tháng. Danh mất thêm 5 tháng để biến ý tưởng thành một sáng kiến có thật. Ngày chiếc xe đồ chơi hoạt động hiệu quả, em mừng khôn xiết.
Theo đánh giá, sáng kiến khoa học này không chỉ giúp trẻ thích thú với động cơ của chiếc xe điện đồ chơi mà nếu áp dụng vào thực tế cuộc sống, nó sẽ hỗ trợ, giúp người lái xe điện an toàn hơn khi sử dụng. Đồng thời, hạn chế va chạm nhằm tiết kiệm chi phí sửa chữa và giảm thiểu thương vong khi lưu thông.
Ước mơ trở thành kỹ sư cơ khí
Quá trình thực hiện sáng chế, Danh gặp rất nhiều khó khăn khi những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực điện tử, cơ khí vẫn còn hạn chế. Danh quả quyết, nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ thầy giáo Hồ Thanh Hồng, giáo viên bộ môn vật lý ở trường thì có lẽ em không gặt hái được những thành tích ấy.
Thầy đã tận tình hướng dẫn em từ lúc bắt đầu nghiên cứu ý tưởng, hỗ trợ tìm thiết bị cần thiết, đến lắp ráp và thử nghiệm nhiều lần. Thầy Hồng nhận định: “Danh là người có tư duy, đam mê nghiên cứu khoa học rất tốt. Nhiều ý tưởng hay, nhạy bén trong tất cả mọi công đoạn áp dụng vào thực tế. Đặc biệt, mặc dù đam mê sáng chế, nhưng em vẫn luôn cố gắng giữ vững thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền, là tấm gương sáng trong học tập ở trường…”
Với niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật, Danh (bên trái) vinh dự nhận được giải nhất cấp tỉnh cuộc thi STTTNND năm 2017. |
Danh có đam mê sáng chế từ nhỏ. Ngay từ khi còn học tiểu học, em hay tò mò, táy máy các sản phẩm điện tử, đồ công nghệ. Mẹ em cho biết, vì tò mò nên các đồ chơi, máy móc và thiết bị hỏng ở nhà như nồi cơm điện, quạt điện… em đều tự tay tháo tung ra để xem thử kết cấu bên trong; chức năng, tác dụng như thế nào. Sau đó lắp lại sử dụng bình thường.
Tại căn phòng học của em ở nhà không khác gì một căn phòng của kỹ sư, công nhân làm cơ khí, điện tử. Bên cạnh sách vở là các dụng cụ kiềm, búa, cưa, dây điện, mạch điện tử các loại... “bủa vây” xung quanh. Mỗi ngày sau những giờ làm bài tập ở trường, em đều dành ra vài tiếng để sáng tạo ra những vật dụng hữu ích, lên mạng tìm tòi thêm kiến thức phục vụ cho những ý tưởng sau này.
Hiện tại, Danh đang ấp ủ một sáng kiến mới, tập trung đầu tư để dự các cuộc thi trong năm sau. Em cũng quyết tâm giành một tấm vé bước vào giảng đường đại học, nuôi dưỡng ước mơ trở thành một kỹ sư cơ khí trong tương lai.
Bài, ảnh: T.Hậu